Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) hiện đang được Bình Dương chỉ đạo đẩy mạnh triển khai thực hiện và coi đây là nhiệm vụ quan trọng, góp phần khai thác tiềm năng của địa phương, nâng tầm giá trị hàng hóa nông sản, phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn.
Các sản phẩm nông nghiệp tiềm năng của tỉnh tham gia chương trình OCOP
Kết quả bước đầu
Chương trình OCOP chính thức triển khai trên phạm vi toàn quốc từ năm 2018 với trọng tâm là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường. Đặc biệt là phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực, gia tăng giá trị, là giải pháp hiệu quả trong xây dựng nông thôn mới. Sau khi Quyết định số 490/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình OCOP giai đoạn 2018-2020, các tỉnh, thành trên cả nước đã triển khai thực hiện, trong đó nhiều tỉnh, thành đã triển khai thành công như Quảng Ninh, Bắc Giang, Quảng Nam, Bến Tre… với nhiều sản phẩm được quảng bá và xuất khẩu sang thị trường ngoài nước.
Tại Bình Dương, thời gian qua, tỉnh đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác truyền thông đến các cấp, các ngành và nhân dân trên địa bàn tỉnh về chương trình OCOP, coi OCOP là chương trình phát triển kinh tế quan trọng trong cộng đồng, đặc biệt đối với khu vực nông thôn. UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các địa phương hỗ trợ và tạo điều kiện cho các chủ thể tham gia chương trình củng cố, nâng cấp, tiêu chuẩn hóa, nâng cao chất lượng giá trị các sản phẩm tham gia OCOP đáp ứng các tiêu chí đánh giá chất lượng sản phẩm theo quy định.
Theo đánh giá của Chi cục Phát triển nông thôn, Bình Dương có nhiều lợi thế trong triển khai các hoạt động hỗ trợ sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn. Hạ tầng giao thông, hệ thống điện, thông tin… thuận lợi đến từng thôn ấp, tỉnh có mức thu nhập bình quân đầu người thuộc nhóm cao nhất cả nước… Cùng với đó, Đề án Đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh đã thành lập nhiều đầu mối, nhiều tổ chức và nhiều chính sách hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại vào mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội.
Kết quả, năm 2021 UBND tỉnh công nhận 28 sản phẩm OCOP; trong đó, có 20 sản phẩm đạt 3 sao và 8 sản phẩm đạt 4 sao của 19 chủ thể. Tuy nhiên, do đây là chương trình mới nên các địa phương còn lúng túng trong quá trình triển khai, chưa nắm rõ quy trình đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP… Kết quả đạt được chưa phát huy được hết tiềm lực giá trị sản phẩm của tỉnh nhà.
Đẩy mạnh thực hiện
Nhằm tiếp tục phát huy nội lực và gia tăng giá trị, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 2504/ KH-UBND về việc triển khai Chương trình OCOP tỉnh Bình Dương năm 2022. Để tạo sự chủ động, quyết tâm, thống nhất trong công tác phối hợp giữa các sở, ngành, huyện, thị, thành phố và các cơ quan liên quan trong quá trình triển khai thực hiện, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tổ chức hội nghị tuyên truyền sâu rộng chương trình OCOP đến các ban ngành, địa phương và các chủ thể tiềm năng trên địa bàn tỉnh, đồng thời hoàn thiện hơn bộ máy thực hiện trên địa bàn tỉnh.
Trong chương trình hội nghị, các đại biểu được triển khai nhiều nội dung quan trọng. Giới thiệu tổng quan về chương trình OCOP, bao gồm quan điểm, mục tiêu, ý nghĩa, lợi ích của chương trình; vai trò nhiệm vụ các cấp chính quyền trong triển khai thực hiện và triển khai chu trình OCOP thường niên cho lãnh đạo và cán bộ phụ trách của quý cơ quan. Thông qua hội nghị, các sở, ngành, địa phương và các chủ thể tiềm năng có thể hiểu thêm về chương trình OCOP và tiếp tục đồng hành cùng với ngành nông nghiệp hỗ trợ cho các chủ thể sản xuất trên địa bàn tỉnh.
Ông Lê Thanh Tâm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết hội nghị nhằm tiếp tục tuyên truyền sâu rộng mục đích, ý nghĩa của chương trình OCOP đến các ban ngành, địa phương và các chủ thể tiềm năng trên địa bàn tỉnh, đồng thời hoàn thiện hơn bộ máy thực hiện chương trình. Đồng thời, cũng mong muốn thông qua hội nghị, các sở, ngành, địa phương và các chủ thể tiềm năng có thể hiểu thêm về chương trình và tiếp tục đồng hành cùng với sở hỗ trợ cho các chủ thể sản xuất trên địa bàn tỉnh.
Để chương trình OCOP mang lại nhiều quả tích cực hơn nữa, ngành nông nghiệp đề ra các giải pháp để quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP được công nhận từ 3 sao trở lên. Ngành nông nghiệp sẽ xây dựng kế hoạch phối hợp ngành công thương quảng bá, giới thiệu thông qua một số hình thức, như: Hình thành điểm trưng bày giới thiệu và bán sản phẩm OCOP cấp tỉnh hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm đạt OCOP từ 3 sao trở lên; xây dựng chuyên trang Website OCOP tỉnh để hỗ trợ chủ thể giới thiệu, bán sản phẩm; hỗ trợ thực hiện gian hàng chung của tỉnh tham gia hội chợ OCOP, trong và ngoài tỉnh, kể cả hỗ trợ chi phí tham gia hội chợ triển lãm ở nước ngoài.
Cùng với đó, tỉnh tiếp tục phổ biến rộng rãi nội dung, chu trình, bộ tiêu chí đánh giá, xếp hạng sản phẩm. Tiếp tục khuyến khích, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh đối với các hợp tác xã, doanh nghiệp có điều kiện và năng lực, đưa vào sản xuất các sản phẩm mới trên cơ sở phát huy lợi thế sản phẩm, khai thác tối đa điều kiện đất đai, cơ sở vật chất, nhân lực theo nhu cầu thị trường. Củng cố chuỗi giá trị hiện có gắn với phát triển các sản phẩm OCOP; xây dựng và triển khai các dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị nhằm khai thác thế mạnh của nông nghiệp, nông thôn huyện gắn với phát triển kinh tế các xã.
THOẠI PHƯƠNG - THẢO TRÚC