Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” phát huy hiệu quả

Cập nhật: 13-07-2024 | 11:09:23

Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm (OCOP)” tại Bình Dương trong thời gian qua tác động tích cực đến phát triển kinh tế nông thôn, góp phần chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang liên kết chuỗi giá trị theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, có truy suất nguồn gốc, đáp ứng nhu cầu thị trường.


Sản phẩm đạt chuẩn OCOP luôn được hỗ trợ quảng bá, tiếp cận với người tiêu dùng. Trong ảnh: Sản phẩm dưa lưới của Hợp tác xã Nông nghiệp Công nghệ cao Kim Long đạt chuẩn OCOP 3 sao tham gia trưng bày tại Hội chợ thương mại, sản phẩm đặc trưng huyện Phú Giáo năm 2023

Nhiều sản phẩm đạt chuẩn OCOP

Trọng tâm của chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, phát triển nội lực và gia tăng giá trị. Chính vì vậy, chương trình OCOP cũng được coi là nền tảng vững chắc để xây dựng nông thôn mới. OCOP là chương trình hướng đến mỗi xã sẽ tạo ra ít nhất một hay nhiều sản phẩm chủ lực, có lợi thế so sánh, tiến tới xây dựng thương hiệu, liên kết mở rộng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Chương trình OCOP đã và đang được các địa phương triển khai tích cực, tạo sức bật cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Trên địa bàn tỉnh ngày càng có nhiều sản phẩm đạt chuẩn OCOP, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng gia tăng giá trị sản phẩm. Đến nay, toàn tỉnh có 143 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao đến 4 sao; trong đó, có 10 sản phẩm 4 sao và 133 sản phẩm 3 sao của 79 chủ thể là doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, tổ hợp tác và cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh.

Đáng chú ý, nhiều sản phẩm sau khi được công nhận đạt chuẩn OCOP đã xây dựng được thương hiệu và có thị trường tiêu thụ ngày càng rộng mở, đặc biệt doanh số bán ra ngày càng tăng, góp phần nâng cao lợi nhuận cho các chủ thể. Đơn cử như sản phẩm tổ yến của Công ty TNHH yến Hiếu Hằng, sản phẩm dưa lưới của Hợp tác xã Nông nghiệp Công nghệ cao Kim Long (huyện Phú Giáo), bưởi da xanh Hợp tác xã Cây ăn quả Tân Mỹ (huyện Bắc Tân Uyên) sau khi được công nhận đạt chuẩn OCOP đã và đang có thị trường tiêu thụ ổn định.

Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh, hộ nông dân sản xuất tiêu thụ sản phẩm OCOP, thời gian qua, tỉnh đã có nhiều giải pháp thực hiện hiệu quả. Đặc biệt, sau khi các chủ thể được công nhận OCOP, Bình Dương đã phối hợp với Bộ Công thương đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại thông qua các hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa, hội chợ cấp khu vực… Qua đó tạo điều kiện cho các sản phẩm được quảng bá, kết nối với hệ thống siêu thị, nhà phân phối để nông dân, hợp tác xã ký gửi và tiêu thụ sản phẩm tốt hơn.

Tiếp tục phát huy hiệu quả

Nhờ xác định được hướng đi đúng trong xây dựng các sản phẩm OCOP, sự tham gia, vào cuộc tích cực của các địa phương đã góp phần rất lớn vào chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

Ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết để chương trình OCOP tiếp tục lan tỏa và hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa và yêu cầu của chương trình OCOP. Chú trọng việc phát huy nội lực và gia tăng giá trị, nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư duy cho các chủ thể, cán bộ, cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị phân phối, người tiêu dùng về chất lượng, thương hiệu của sản phẩm OCOP. Đồng thời, ngành tiếp tục tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn cho các chủ thể OCOP về kỹ năng, năng lực về quản trị doanh nghiệp, hợp tác xã, công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, sở hữu trí tuệ, phát triển bao bì, áp dụng chuyển đổi số gắn với yêu cầu của thị trường.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn sẽ phối hợp với các địa phương bổ sung kiến thức cho các chủ thể OCOP về phát triển kinh tế xanh, từ đó góp phần từng bước thúc đẩy các sản phẩm OCOP xanh để phát triển bền vững. Ngoài ra, ngành nông nghiệp cũng tiếp tục phối hợp tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá và giới thiệu sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng nhằm đưa OCOP trở thành một dấu hiệu nhận diện về sản phẩm trên thị trường và tạo niềm tin thúc đẩy thương mại phát triển.

Với sự nỗ lực của các chủ thể cùng với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn của các cấp, các ngành, tin tưởng rằng chương trình OCOP ở Bình Dương sẽ tiếp tục phát triển đi vào chiều sâu, đạt nhiều kết quả cao hơn, rõ nét hơn, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, góp phần thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn bền vững.

Phát huy kết quả đạt được, Bình Dương phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 60 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn từ 4 sao trở lên, trong đó có ít nhất 1 sản phẩm đạt 5 sao, có từ 5 sản phẩm OCOP xuất khẩu. Tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu tới năm 2025, 100% số xã trên địa bàn có sản phẩm tham gia chương trình OCOP. Trong đó, có thêm 150 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên và ít nhất có 40% chủ thể OCOP là hợp tác xã, 30% chủ thể là doanh nghiệp nhỏ và vừa, ít nhất 50% làng nghề truyền thống có sản phẩm OCOP.

THOẠI PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=544
Quay lên trên