Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tại Bình Dương đã góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân về tổ chức sản xuất nông nghiệp hàng hóa, xác định rõ vai trò của liên kết sản xuất, tạo ra nguồn sản phẩm phong phú hơn, bảo đảm chất lượng, tăng thu nhập cho người dân…
Sản phẩm OCOP từng bước khẳng định thương hiệu trên thị trường. Trong ảnh: Các thành viên HTX Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long (huyện Phú Giáo) chăm sóc vườn dưa lưới chuẩn bị cho thu hoạch. Ảnh: TIẾN HẠNH
Góp phần phát triển kinh tế nông thôn
Thời gian qua, Chương trình OCOP luôn được Bình Dương quan tâm chỉ đạo thực hiện và coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, qua đó góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng của địa phương, nâng tầm giá trị hàng hóa nông sản, phát triển kinh tế khu vực nông thôn trong tỉnh. Để chương trình đạt hiệu quả cao, tỉnh đã ban hành quy định cụ thể mức hỗ trợ, mức thưởng cho các chủ thể tham gia Chương trình OCOP; chú trọng công tác tuyên truyền, hỗ trợ các chủ thể định hướng phát triển sản phẩm, hỗ trợ xây dựng quy trình sản phẩm, cung cấp thông tin về thị trường tiêu thụ...
Qua 5 năm thực hiện Chương trình OCOP, đến nay toàn tỉnh có 219 sản phẩm OCOP đạt 3, 4 sao của 99 chủ thể là các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), hộ kinh doanh. Nhiều sản phẩm OCOP của Bình Dương khẳng định được giá trị, thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước, như dưa lưới, chuối của Công ty Cổ phần Nông nghiệp U&I (Unifarm), bưởi da xanh của HTX Cây ăn quả Tân Mỹ, HTX Nông nghiệp Đồng Thuận Phát, HTX Nông nghiệp Bình Dương, dưa lưới của HTX Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long, sản phẩm yến của Công ty TNHH yến Hiếu Hằng…
Sản phẩm yến của Công ty TNHH yến Hiếu Hằng (huyện Phú Giáo) được công nhận OCOP 3 sao năm 2021. Hiện nay, công ty có diện tích nuôi yến rộng hơn 1.500m2, mỗi tháng thu hoạch khoảng 15kg yến thô, doanh thu đạt hơn 3 tỷ đồng/năm. Trong khi đó, HTX Cây ăn quả Tân Mỹ (huyện Bắc Tân Uyên) có các sản phẩm OCOP 4 sao. “Sản phẩm đạt chứng nhận OCOP đã nâng tầm giá trị trái cây của HTX, thị trường tiêu thụ cũng ổn định và được mở rộng”, ông Lê Minh Sang, Giám đốc HTX Cây ăn quả Tân Mỹ chia sẻ.
Tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm
Mục tiêu của Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025 của Bình Dương là tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với tiểu thủ công nghiệp, du lịch nông thôn. Theo đó, đến năm 2025 phấn đấu 100% số xã trong toàn tỉnh có sản phẩm tham gia Chương trình OCOP; có thêm 150 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên; ít nhất 50% làng nghề truyền thống có sản phẩm OCOP...
Ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết để sản phẩm OCOP của tỉnh vươn xa trên thị trường, trong thời gian tới ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh tiếp tục triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách, giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm, năng lực tổ chức sản xuất, chế biến sản phẩm OCOP. Trong đó, ngành ưu tiên phát triển các sản phẩm có lợi thế của địa phương; khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo của người dân, thúc đẩy giá trị cộng đồng trong phát triển sản phẩm OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh tiếp tục giám sát chặt chẽ quy trình thực hiện sản phẩm OCOP, bảo đảm sản phẩm đạt cao nhất các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; cùng với đó tăng cường áp dụng công nghệ số trong quản lý sản phẩm…
THOẠI PHƯƠNG - HẢI DƯƠNG