Chương trình OCOP: Tạo sức bật cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Cập nhật: 26-11-2023 | 09:42:05

(BDO) Thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), đến nay Bình Dương có 103 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao đến 4 sao; trong đó có 10 sản phẩm 4 sao và 93 sản phẩm 3 sao cho 49 chủ thể. Sau khi được công nhận OCOP đã tạo điều kiện cho các sản phẩm tiêu thụ tốt hơn trên thị trường, thu nhập của nông dân, doanh nghiệp tăng lên.

Hướng đến giá trị kinh tế cao

Từ mô hình trang trại tổng hợp và cung cấp vật tư nông nghiệp, năm 2012, bà Tăng Thị Hằng ở xã An Long, huyện Phú Giáo thực hiện mô hình nuôi chim yến. Đến nay, với 3 nhà nuôi yến diện tích hơn 1.600m2, mỗi tháng cho thu khoảng 15kg tổ yến thô, với giá từ 20 - 22 triệu đồng/kg, bà Hằng có doanh thu hơn 3 tỷ đồng/năm. Năm 2019, sản phẩm tổ yến Hiếu Hằng của Công ty TNHH yến Hiếu Hằng đã đạt sản phẩm nông thôn tiêu biểu tỉnh Bình Dương. Đến năm 2021, sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao.

  Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trao giấy chứng nhận OCOP cho các sản phẩm đạt 3 sao

Bà Tăng Thị Hằng, Giám đốc Công ty TNHH yến Hiếu Hằng, cho biết để đạt chứng nhận OCOP, các quy trình từ thu hoạch đến chế biến được thực hiện đầy đủ các bước, bảo đảm an toàn, sạch sẽ. Hiện nay, ngoài tổ yến thô, công ty còn chế biến yến tươi, chè yến, cháo yến.

“Chúng tôi luôn xác định chất lượng là hàng đầu. Cho nên 100% sản phẩm yến của công ty là nguyên chất, không dùng chất bảo quản”, bà Hằng chia sẻ thêm.

Xác định tầm quan trọng của sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Đồng Thuận Phát (xã Thường Tân, huyện Bắc Tân Uyên) đã đăng ký tham gia chương trình OCOP. Năm 2021, sản phẩm bưởi da xanh của HTX được công nhận OCOP 3 sao.

Ông Trịnh Minh Thành, Giám đốc HTX nông nghiệp Đồng Thuận Phát, chia sẻ: “Sản phẩm được công nhận OCOP sẽ được tiêu thụ tốt hơn, giá cả và sản lượng ổn định hơn. Đồng thời, khi thương lái hoặc doanh nghiệp đến thu mua họ cũng yên tâm vì sản phẩm được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Hiện tại, HTX đang tiếp tục nâng hạng sản phẩm và hướng đến tạo thêm sản phẩm là tinh dầu bưởi, cam. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để HTX thu hút thêm thành viên tham gia.

Ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết Chương trình OCOP hướng đến mỗi xã sẽ tạo ra ít nhất một hoặc nhiều sản phẩm chủ lực, có lợi thế so sánh, tiến tới xây dựng thương hiệu, liên kết mở rộng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đây được xem là đòn bẩy thúc đẩy kinh tế khu vực nông thôn phát triển; đồng thời góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững. Hiện chương trình đang được các địa phương trong tỉnh tích cực triển khai, tạo sức bật phát triển cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân.

  Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh Bình Dương cùng các đại biểu tham quan sản phẩm OCOP tại Hội nghị sơ kết chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025

Tuy nhiên, hiện nay số lượng sản phẩm được công nhận OCOP còn ít so với lợi thế của tỉnh. Lý giải về nguyên nhân, ông Phạm Văn Bông cho biết Bình Dương chú trọng chất lượng hơn là chạy theo số lượng sản phẩm đạt chứng nhận, nên các quy trình xét duyệt, thẩm định rất khắt khe.

“Hội đồng chứng nhận hướng dẫn cho các địa phương, đặc biệt là tuyên truyền, vận động nhiều đợt trên các kênh thông tin đại chúng giúp người tham gia chương trình OCOP hiểu được và nắm rõ vấn đề để khi thực hiện đạt các quy định. Do đó, sản phẩm đạt OCOP trên địa bàn tỉnh tuy chưa nhiều nhưng bảo đảm chất lượng, thương hiệu, nhãn hiệu và uy tín trên thị trường”, ông Phạm Văn Bông cho biết thêm.

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại

Trong những năm qua, tỉnh Bình Dương đã có nhiều giải pháp thực hiện chương trình OCOP. Sau khi được công nhận OCOP đã tạo điều kiện cho các sản phẩm tiêu thụ tốt hơn và thu nhập của nông dân, doanh nghiệp tăng lên. Song song với việc tạo điều kiện để các sản phẩm đạt chứng nhận, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh cũng đã có nhiều chương trình xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm giúp các sản phẩm OCOP tiêu thụ tốt thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin, giới thiệu trên các trang thương mại điện tử; xây dựng điểm trưng bày và bán sản phẩm OCOP; kết nối với hệ thống siêu thị, nhà phân phối để nông dân, hợp tác xã ký gửi sản phẩm. 

 Sản phẩm OCOP được trưng bày tại Hội nghị sơ kết chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025

Theo ông Phạm Văn Bông, OCOP là chương trình phát triển kinh tế nông thôn, ưu tiên đối với các sản phẩm truyền thống, đặc sản địa phương. Các sản phẩm gốm, sơn mài, đan lát, chạm khắc là nhóm sản phẩm có tiềm năng lớn của Bình Dương để đạt OCOP, đặc biệt đối với sản phẩm gốm sứ và sơn mài.

Thông qua việc triển khai chương trình OCOP thường niên, Ban Chỉ đạo chương trình MTQG tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo, vận động, hướng dẫn, hỗ trợ chủ thể phát triển các sản phẩm gốm sứ, sơn mài, đan lát, sản phẩm thủ công mỹ nghệ để đạt các chứng nhận sản phẩm OCOP. Đây cũng là tiền đề quan trọng góp phần phát triển nhóm sản phẩm OCOP thứ 6 (nhóm du lịch nông thôn).

Để các sản phẩm đủ điều kiện được công nhận, các đơn vị, địa phương đang hỗ trợ xây dựng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, HACCP, ISO... cho các sản phẩm tham gia đánh giá phân hạng, nâng cấp sản phẩm OCOP, với phương châm “Chất lượng hơn số lượng”. Từ các chính sách nâng cao chất lượng sản phẩm, năng lực sản xuất, chế biến; cùng với việc các ngành, doanh nghiệp, đơn vị, cơ sở đẩy nhanh hoàn thiện sản phẩm theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; cải tiến bao bì, nhãn mác gắn với truy xuất nguồn gốc, tăng cường quảng bá và kết nối tiêu thụ giúp hình thành các chuỗi liên kết, hướng đến phát triển các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, bền vững với môi trường, bảo tồn các giá trị văn hóa trong sản xuất OCOP…

THOẠI PHƯƠNG - HẢI DƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=901
Quay lên trên