Chương trình phát triển đàn trâu, bò Bình Dương trong thời gian qua đã mang lại những hiệu quả thiết thực. Từ chương trình này, nhiều hộ nông dân đã thoát nghèo và từng bước vươn lên làm giàu. Chương trình đã mang lại nhiều hiệu quả về kinh tế - xã hội.
Chương trình phát triển đàn trâu, bò trong thời gian tới cần có các thay đổi cho phù hợp
Đổi thay cuộc sống
Trong giai đoạn 2006-2010, các cấp Hội Nông dân trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được 372 tổ liên kết sản xuất với 4.471 thành viên; 25 câu lạc bộ với 516 thành viên. Các tổ này góp phần tạo điều kiện thuận lợi để nông dân hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong chăn nuôi, cũng như quản lý đàn trâu, bò; bên cạnh đó, các cấp hội cũng tập hợp và thu hút nhiều nông dân tham gia vào tổ chức hội, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động hội. Trong 5 năm triển khai chương trình, tổng nguồn vốn đầu tư vào chương trình là 228 tỷ đồng, giải quyết cho 17.811 hộ vay vốn để mua và nuôi 21.689 con trâu, bò. Nguồn vốn hỗ trợ chủ yếu từ vốn vay Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội, vốn 120, Quỹ Hỗ trợ nông dân...
Nhìn chung, các nguồn vốn đầu tư vào chương trình đều được sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng và bảo đảm đúng quy trình, thủ tục vay vốn. So sánh với chỉ tiêu chương trình đề ra thì về vốn đạt 123,18%, về hộ dân đạt 143,98% và về trâu, bò giống đạt 175,33%.
Với những đặc thù riêng của mình, Bình Dương có những điều kiện thuận lợi để phát triển đàn trâu, bò. Việc triển khai thực hiện hiệu quả trong 5 năm qua đã chứng minh hướng đi đúng của chương trình.
Mục tiêu chung của chương trình là nhằm tăng tỷ trọng chăn nuôi trong cơ cấu ngành nông nghiệp, đưa ngành chăn nuôi thành ngành sản xuất chính; tập trung phát triển đàn trâu, bò ở các huyện phía bắc của tỉnh theo hướng sản xuất hàng hóa, từng bước nâng cao chất lượng đàn trâu, bò của tỉnh; tăng cường công tác chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật cho nông dân. Ngoài các ý nghĩa về mặt kinh tế như việc giúp xây dựng mô hình sản xuất cho nông dân, giúp hàng trăm nông dân thoát nghèo làm tăng thu nhập, cải thiện đời sống nông dân, giải quyết lao động nhàn rỗi trong nông thôn, chương trình còn mang những ý nghĩa xã hội tích cực như nêu cao tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau trong nông dân, tạo ra sự liên kết trong sản xuất.
Đến nay, đàn trâu, bò sinh sản trong chương trình đã sinh sản được 3.244 con bê, nghé. Thông qua chương trình, nhiều hộ nông dân đã được trang bị các kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi, kiến thức phòng chống dịch bệnh. Nhằm hỗ trợ thiết thực cho người chăn nuôi duy trì và phát triển đàn trâu, bò, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông, Chi cục Thú y... tổ chức 516 lớp với 23.000 lượt người dự. Các vấn đề ưu tiên tập huấn là những kiến thức liên quan đến khâu chọn giống, chăm sóc; phát hiện sớm những bệnh thường xảy ra ở trâu, bò; mô hình trồng cỏ tạo nguồn thức ăn xanh cho đàn trâu, bò.
Hướng phát triển mới
Trước tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa ngày càng nhanh như hiện nay, diện tích chăn thả trâu, bò ngày càng giảm đi; dịch bệnh thường trực đã làm hạn chế rất nhiều đến khả năng phát triển đàn trâu, bò tại Bình Dương. Trong đó, diện tích chăn thả cũng như nguồn thức ăn xanh là 2 yếu tố bị tác động mạnh mẽ nhất. Hiện nay, khả năng phát triển đàn trâu, bò Bình Dương vẫn có khả năng khi hình thức chăn thả đã được chuyển qua thành chăn dắt, việc khôi phục lại một số vùng thức ăn xanh cho là hoàn toàn có thể.
Tuy nhiên, mục tiêu phát triển của chương trình trong thời gian tới là chỉ còn 3.210 con, giảm rất nhiều so với giai đoạn trước. Thời gian thực hiện chương trình vừa qua cũng đã xuất hiện những khó khăn và những bất cập nhất định. Công tác tuyên truyền trong nhân dân còn nhiều hạn chế, nhiều người vẫn chưa hiểu hết ý nghĩa của chương trình; các cấp, ngành chưa phối hợp tốt với các kênh thông tin đại chúng để tuyên truyền về chương trình. Chương trình vẫn chưa làm thay đổi tập quán chăn nuôi truyền thống của người dân, trong đó thói quen chăn nuôi nhỏ, lẻ, các khâu phòng trị bệnh, lai tạo giống vẫn chưa được người dân chú trọng.
Tại một số địa bàn, việc chọn và lai tạo giống chưa làm tốt, giá bò giống luôn biến động tăng cao và khan hiếm; nhiều hộ dân vẫn chưa chú ý đến khâu bấm tai cho trâu, bò nên đã làm hạn chế rất nhiều đến công tác theo dõi, giám sát tổng đàn. Trong việc vay vốn Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, người tham gia chương trình phải thế chấp sổ đỏ theo chu kỳ chăn nuôi, lãi suất tăng lên theo từng chu kỳ nên nhiều người dân vẫn chưa mặn mà với chương trình...
Thực tế tại một số địa phương cho thấy, nhiều hộ nông dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong xây dựng mô hình sản xuất. Chương trình phát triển đàn trâu, bò trong thời gian qua đã đem lại những kết quả nhất định nên việc tiếp tục phát triển chương trình trong thời gian tới là hợp lý. Để tiếp tục phát triển hiệu quả, chương trình cần có các thay đổi để có thể phù hợp hơn trong tình hình mới.
Phát biểu trong hội nghị tổng kết Chương trình phát triển đàn trâu, bò Bình Dương mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Nam cho rằng: Trong thời gian tới cần tiếp tục tuyên truyền vận động, hướng dẫn nông dân tham gia chương trình; hướng phát triển đàn trâu, bò trong thời gian tới cần phù hợp với định hướng phát triển chăn nuôi của tỉnh; cần nêu gương điển hình, khen thưởng kịp thời các cá nhân là nông dân thực hiện tốt chương trình trong thời gian tới...
Ông Trần Văn Quen - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Giáo: Đây là mô hình hiệu quả
Đây là mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả đã thu hút nhiều nông dân vào tổ chức hội, là cơ sở để chi - tổ hội, câu lạc bộ duy trì chế độ sinh hoạt theo định kỳ, cũng thuận lợi để tổ chức hội lồng ghép các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chương trình hoạt động của hội, đồng thời tổ chức vận động hội viên nông dân thực hiện đạt kết quả cao các chương trình kế hoạch của hội hàng năm góp phần xây dựng tổ chức hội ngày càng vững mạnh.
Ông Nguyễn Văn Liêm - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Dầu Tiếng: Cần kéo dài thời gian vay vốn cho nông dân
Cơ quan thú y cần tiếp tục thực hiện công tác tập huấn phòng trừ dịch bệnh đàn trâu, bò cho nông dân cũng như quản lý tốt tình hình dịch bệnh tại các địa bàn. Cần tăng thêm chỉ tiêu số trâu, bò chương trình trong mỗi hộ dân vì với chỉ tiêu 1 con/hộ như hiện nay rất khó để người dân thoát nghèo. Bên cạnh đó cũng cần kéo dài thời gian vay vốn của nông dân từ 3 năm lên thành 5 năm để phù hợp với chu kỳ sinh sản của trâu, bò.
Ông Trần Tư - Chủ tịch Hội Nông dân xã An Tây, huyện Bến Cát: Khắc phục những bất cập để hiệu quả tốt hơn
Nhìn chung từ khi thực hiện chương trình từ năm 2010 đến nay, Chương trình phát triển đàn trâu, bò đã thực hiện đúng các dự án đề ra và giúp cho nhiều nông dân làm ăn có hiệu quả. Tuy nhiên, trong thời gian tới để phát triển hiệu quả hơn, chương trình cần khắc phục một số bất cập như: công tác bấm số tai trong các hộ nhỏ, lẻ thực hiện chưa hiệu quả, công tác gieo tinh trong nông dân chưa thực hiện được dẫn đến tình trạng nông dân gieo tinh bằng các nguồn tinh trôi nổi gây ảnh hưởng đến chất lượng bầy đàn.
CAO SƠN