Chương trình sản xuất sạch hơn giai đoạn (2012-2015): Giải pháp để có môi trường đáng sống
(BDO) Thực hiện Quyết định số 366/ QĐ-UBND ngày 15/02/2012 của UBND tỉnh Bình Dương về việc ban hành Kế hoạch sản xuất sạch hơn (SXSH) trong công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2012-2015, Trung Tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Bình Dương (KC & TVPTCN) đơn vị được giao trực tiếp triển khai các nội dung thuộc Chiến lược SXSH trong công nghiệp đã thực hiện đạt mục tiêu của giai đoạn: tăng cường tuyên truyền trong các cơ sở sản xuất công nghiệp tạo sự chuyển biến tích cực trong việc áp dụng SXSH. Một số doanh nghiệp (DN) đã nhận thức được lợi ích của việc áp dụng SXSH và từng bước cải tiến quản lý, đầu tư đổi mới công nghệ, sử dụng năng lượng tiết kiệm vàhiệu quả, sử dụng nguyên liệu thay thế phát sinh ít chất thải, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Máy phát điện lớn nhất được sản xuất trong nước của Công ty Sáng Ban Mai
Tạo kênh tuyên truyền có sức lan tỏa sâu rộng
Theo báo cáo của Sở Công thương, sau 3 năm triển khai thực hiện Chiến lược SXSH, với sự nỗ lực của Trung tâm KC & TVPTCN, Sở Công Thương và sự tham gia tích cực của các Sở, ngành liên quan, đã nâng cao nhận thức của cấp quản lý và cộng đồng DN trên địa bàn tỉnh về lợi ích của việc áp dụng SXSH trong sản xuất công nghiệp, nâng cao khả năng tuyên truyền và năng lực triển khai của cán bộ chuyên trách về SXSH. Đặc biệt, công tác tuyên truyền, tập huấn đã được thực hiện liên tục. Đến nay, hầu hết các DN sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã nhận biết được ý nghĩa, lợi ích của việc áp dụng SXSH trong công nghiệp. Trong đó, có khoảng 25% cơ sở sản xuất công nghiệp có tiềm năng áp dụng SXSH đã thực hiện các bước SXSH. Những cơ sở này ước thực hiện tiết kiệm được từ 5-15% mức tiêu thụ năng lượng, nguyên vật liệu trên đơn vị sản phẩm, tùy vào mức độ lãng phí của các thiết bị và từng khu vực cụ thể.
Với sự hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước, Trung tâm KC & TVPTCN đã thực hiện được các chương trình truyền thông, báo chí và in ấn áp phích, tờ rơi, chương trình đánh giá nhanh, đánh giá tổng thể về SXSH, để nâng cao nhận thức các DN sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh về SXSH trong công nghiệp. Qua đó, DN có điều kiện tìm hiểu, tiếp cận, đồng thời được cập nhật thêm kiến thức về áp dụng SXSH trong công nghiệp và các công nghệ tiên tiến trên thế giới.
Nhìn chung, qua công tác tuyên truyền, đặc biệt, là việc hỗ trợ DN thực hiện đánh giá nhanh, đánh giá chi tiết SXSH tại DN trên địa bàn tỉnh, đã mang lại hiệu quả thiết thực cho DN và có hiệu quả tuyên truyền, sức lan tỏa sâu rộng đến cộng đồng DN trong toàn tỉnh.
Vẫn còn nhiều khó khăn
Ông Nguyễn Thế Giáp, cán bộ của Chương trình SXSH ở Trung tâm KC & TVPTCN Bình Dương cho biết: Chương trình có nhiều thuận lợi, được sự quan tâm, chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Dương trong việc ban hành các văn bản chỉ đạo, kế hoạch về tiết kiệm năng lượng và SXSH trên địa bàn tỉnh từ năm 2012 đến nay. Sự quyết tâm của lãnh đạo Sở Công thương trong quá trình triển khai thực hiện các hoạt động về tiết kiệm năng lượng và SXSH đến các DN sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt là sự hỗ trợ, phối hợp của các Sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan và UBND các huyện, thị, thành phố. Các phương tiện truyền thông tích cực đưa tin, tuyên truyền, từ đó tạo cơ hội cho DN chủ động tiếp cận với tiết kiệm năng lượng và SXSH. Nhận thức và năng lực áp dụng SXSH của DN ngày càng được nâng cao qua các buổi hội thảo, các lớp tập huấn và chuyên mục trên phương tiện thông tin đại chúng.
Về mặt khách quan, trước áp lực chi phí năng lượng ngày càng tăng, các DN bắt đầu quan tâm đến vấn đề làm thế nào để cắt giảm chi phí. Thực hiện các giải pháp về tiết kiệm năng lượng và SXSH chính là lựa chọn tối ưu giúp DN giảm tổn hao nguyên vật liệu, đồng thời sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Nhờ vậy, DN tích cực tham gia chương trình, để tiết giảm được phần nào chi phí nguyên liệu, năng lượng nhưng vẫn bảo đảm được yêu cầu về năng suất, chất lượng của sản phẩm.
Đánh giá các kết quả đạt được của chương trình cho thấy, bước đầu đã xây dựng hệ thống kiến thức, trình độ, kỹ năng về SXSH và quản lý chất thải cho các DN, thu hút được các DN tham gia ngày càng tăng. Tuy nhiên, vẫn còn một số điểm hạn chế được coi là rào cản trong việc áp dụng SXSH của các DN: Hệ thống chính sách bảo vệ môi trường tuy đã được xây dựng hoàn chỉnh, nhưng việc tuân thủ các quy định của một số DN còn kém. Nhiều cơ sở sản xuất còn chưa thật sự quan tâm bảo vệ môi trường.
Nhiều nguồn lực đầu vào sản xuất (nguyên liệu, năng lượng, nước và nhân công) còn quá rẻ so với nhiều nước, nên các DN chưa nhìn nhận được tầm quan trọng của việc tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên.
Nhận thức lợi ích của DN về SXSH chưa đầy đủ và đúng đắn. Nhiều DN chưa quán triệt quan điểm người gây ô nhiễm phải trả tiền và cho rằng bảo vệ môi trường là việc của Nhà nước, nên còn tâm lý chờ sự hỗ trợ của nhà nước trong việc áp dụng SXSH. Một số DN vừa và nhỏ còn yếu trong kiểm soát và hạch toán nội bộ dẫn đến việc chưa lượng hóa được chi phí mất đi theo chất thải. Do vậy họ không nhận thấy sự cần thiết áp dụng SXSH để giảm chất thải, giảm chi phí sản xuất.
Việc phổ biến SXSH thường dựa trên mạng lưới các nhà tư vấn, trong khi tỉnh nhà còn thiếu nhiều các chuyên gia chuyên ngành. Ngoài ra, còn có rào cản mang tính quản lý bao gồm văn hóa DN; tư tưởng bảo thủ chưa sẵn sàng tiếp nhận cái mới; sự phù hợp của SXSH đối với phương thức quản lý của Việt Nam và kỹ năng quản lý của các chủ DN.
Giải pháp của sự phát triển bền vững
Bà Phan Thị Khánh Duyên, Giám đốc Trung tâm KC & TVPTCN tỉnh Bình Dương nhấn mạnh SXSH chính là giải pháp để DN phát triển, cũng là giải pháp phát triển bền vững của địa phương. Bà Khánh Duyên cho biết giải pháp để thực hiện tốt chương trình này: “Để triển khai tốt hơn SXSH vào trong DN trong thời gian tới, tỉnh và Trung ương cần có các chính sách hỗ trợ, khuyến khích DN áp dụng. Đi đôi với việc đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, xây dựng năng lực SXSH cho DN, thúc đẩy triển khai các sáng kiến tập thể về bảo vệ môi trường.
Về phía Trung tâm KC & TVPTCN và Sở Công thương cần xây dựng đội ngũ tư vấn đủ năng lực, kỹ năng để tư vấn cho DN, tổ chức thường xuyên các chương trình đào tạo, tập huấn cho DN trong việc áp dụng. Cũng như kết nối mạng lưới, chia sẻ thông tin về SXSH cho DN, qua cách thức này các DN có thể lựa chọn được giải pháp phù hợp trong việc áp dụng SXSH trong thời gian tới.
Trong thực tế, các nền công nghiệp hiện đại trên thế giới đều đã thực hiện thành công các giải pháp SXSH, để đạt các tiêu chí của sự phát triển bền vững. Các nền công nghiệp tiến tiến đều thực hiện giải pháp SXSH gồm giảm chất thải tại nguồn, bằng quá trình quản lý nội vi nhằm kiểm soát quá trình sản xuất của DN. Hiện tỉnh Bình Dương đang tiếp tục thực hiện chương trình SXSH giai đoạn (2016-2020) bao gồm việc thực hiện tất cả các giải pháp tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng, đặc biệt là của DN, nhằm tiến tới thực hiện mục tiêu SXSH ngay tại nguồn, nâng tầm nền công nghiệp của địa phương, cũng như bảo vệ môi trường trong sạch, lành mạnh, đáng sống.
BẢO ANH