Chương trình tín dụng đối với học sinh - sinh viên (HSSV) được triển khai từ năm 1998, đến năm 2007 chương trình được mở rộng hơn cho HSSV có hoàn cảnh khó khăn nói chung. Qua 5 năm đã giải quyết cho trên 30.000 lượt HSSV vay vốn với 266.973 triệu đồng.
Tiếp bước sinh viên đến trường
Chương trình tín dụng đối với HSSV có tính nhân văn sâu sắc nên đã tạo được sự đồng thuận cao của toàn xã hội. Đã có nhiều HSSV hoàn cảnh khó khăn, tưởng chừng ước mơ học tập bị dang dở đã không lỡ bước đến trường nhờ chương trình tín dụng này. SV Nguyễn Công Vinh, trường Đại học (ĐH) Bình Dương chia sẻ, ba mẹ ly hôn, em ở với bà nội từ khi còn nhỏ. Bản thân em vừa đi học vừa đi làm thêm để phụ bà phần nào sinh hoạt phí. Từ khi em học ĐH thì hoàn cảnh gia đình càng khó khăn hơn. Nhờ được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH), em đã an tâm học tập, bà em cũng bớt được phần nào gánh nặng, không còn lo lắng hay chạy vạy kiếm tiền cho em trang trải chi phí học tập như trước”.
Nhờ chương trình tín dụng HSSV, nhiều em vững bước đến trường (ảnh minh họa) Gia đình em Nguyễn Thị Ngọc Mai ở phường Bình Chuẩn, TX.Thuận An thuộc diện hộ nghèo, có 3 anh em hiện đang đi học. Còn nhớ ngày trúng tuyển ĐH Luật TP.HCM, hạnh phúc trào dâng trong em, nhưng rồi nỗi lo vội ập đến, liệu em có thể tiếp tục học tập được hay không khi hoàn cảnh gia đình không cho phép? Với lương 2 triệu đồng/tháng của ba và thu nhập từ mua bán của mẹ, thì lo cái ăn đã khó, nói chi đến lo việc học cho 3 anh em. Sau khi biết có chương trình tín dụng cho HSSV vay vốn, mẹ em gia nhập vào tổ tiết kiệm và vay vốn của Hội Phụ nữ phường. Đến nay, gia đình em được giải quyết vay 77,4 triệu đồng, nhờ đó 3 anh em thực hiện được ước mơ trên giảng đường ĐH.
Cộng đồng trách nhiệm
Ông Võ Văn Đức, Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH cho biết, chương trình này liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều tổ chức kinh tế, cá nhân nên cần có sự phối hợp đồng bộ và nhịp nhàng. Để chương trình phát huy hiệu quả, ngân hàng thực hiện phương thức cho vay trực tiếp hộ gia đình HSSV thông qua việc ủy thác qua các tổ chức chính trị xã hội, đặc biệt là các hội, đoàn thể nhận ủy thác.
Tiếp bước cho SV đến trường, cũng là nuôi dưỡng nguồn nhân lực, phục vụ cho sự phát triển chung của tỉnh. Ý thức được ý nghĩa ấy, các ban ngành, đoàn thể đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trong việc triển khai thực hiện chương trình. Bà Đoàn Thị Diệu Hiền, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh cho biết, thực hiện chương trình ủy thác tín dụng HSSV giữa hội LHPN và Ngân hàng CSXH, hội đã nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của chị em phụ nữ nghèo có con là HSSV cần tiền để trang trải chi phí học tập. Hội xác định đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng của tổ chức hội, đây là điều kiện để tập hợp, thu hút hội viên, là điều kiện để hội viên phát triển sản xuất, kinh doanh, vươn lên thoát nghèo. Quản lý tốt nguồn vốn là thể hiện được uy tín của hội, nâng cao vị thế của hội. Vì vậy, hội cố gắng thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình trong công tác quản lý và thực hiện tốt 6 công đoạn ủy thác do Ngân hàng CSXH quy định.
Chương trình vay vốn tín dụng cho HSSV triển khai đạt hiệu quả là nhờ tinh thần làm việc đầy trách nhiệm của các tổ tiết kiệm ở các địa phương. Đến nay toàn tỉnh có 1.515 tổ tiết kiệm và vay vốn phủ kín các khu ấp, 88/91 xã, phường, thị trấn có điểm giao dịch của Ngân hàng CSXH.
Đối với các trường học cũng đã kịp thời nắm bắt được nguyện vọng cần được vay vốn của HSSV và hướng dẫn các em các thủ tục cần thiết, không để SV phải nghỉ học vì khó khăn. Ông Đoàn Ngọc Miên, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Thủ Dầu Một cho biết, nhà trường đã tuyên truyền đến toàn bộ cán bộ, viên chức, giảng viên và HSSV tập trung vào các nội dung: mục đích sử dụng khi vay vốn, đối tượng, điều kiện vay vốn, phương thức cho vay, thời hạn vay, lãi suất, trách nhiệm khi được vay và sử dụng vốn vay, trả gốc, lãi cho ngân hàng. Thực hiện tốt chính sách này là góp phần quan trọng bảo đảm công bằng xã hội trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh HUỲNH VĂN NHỊ: Học sinh trường nghề tiếp cận vốn còn thấp
Chương trình tín dụng đối với HSSV là chính sách lớn, phục vụ việc học tập cho HSSV. Kết quả đạt được trong 5 năm qua là sự nỗ lực lớn của các ban ngành đoàn thể, ngành GD-ĐT, vai trò của Ngân hàng CSXH, các tổ chức chính trị - xã hội làm vai trò ủy thác. Tuy nhiên, đối tượng HS ở các trường nghề tiếp cận vốn còn thấp. Vì vậy, Sở LĐ-TB&XH, các trường trung cấp nghề cần tăng cường tuyên truyền đến HS về chương trình này, cũng là nhằm thu hút HS đến với trường nghề.
H.THÁI