Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) ở xã An Tây, TX.Bến Cát đến nay đã mang lại những kết quả rõ rệt. Theo đó, diện mạo nông thôn của xã ngày càng khởi sắc; kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa… được quan tâm đầu tư, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp và phục vụ dân sinh.
Thực hiện xây dựng NTM, đến nay cơ sở hạ tầng của xã An Tây ngày càng khang trang, sạch đẹp. Trong ảnh: Trường Tiểu học An Tây A được đầu tư cơ sở vật chất hoàn thiện, đạt chuẩn quốc gia cấp độ 1. Ảnh: THOẠI PHƯƠNG
Đầu tư mạnh cho hạ tầng
Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, xã An Tây đã huy động mọi nguồn lực, lồng ghép các chương trình, dự án và nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, với tổng nguồn vốn thực hiện đạt trên 585 tỷ đồng. Trong số nguồn vốn này, ngân sách của tỉnh là 300 tỷ đồng, ngân sách thị xã trên 17 tỷ đồng, vốn vay tín dụng gần 60 tỷ đồng, doanh nghiệp đóng góp gần 3 tỷ đồng, nhân dân đóng góp trên 204 tỷ đồng và vốn huy động từ các nguồn khác gần 1,4 tỷ đồng.
Trong xây dựng đường giao thông, xã An Tây đã xác định đường giao thông bê tông hóa đến đâu bộ mặt nông thôn xã thay đổi đến đó. Để làm được việc này, ngoài sự đầu tư của Nhà nước, An Tây đã tích cực vận động nhân dân hiến đất, đóng góp ngày công, hỗ trợ vật liệu để làm đường giao thông nông thôn và giao thông nội đồng. Nhờ đó đến nay, hầu hết các tuyến đường trục xã, liên xã trên địa bàn đều được nhựa hóa, cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa của nhân dân. Đặc biệt, tuyến lộ 7A được đầu tư khá quy mô, có hệ thống đèn chiếu sáng, cây xanh ven đường, vỉa hè dành cho người đi bộ, hệ thống tín hiệu đèn giao thông…
Thực hiện xây dựng NTM, thời gian qua xã An Tây đã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển các mô hình chăn nuôi trang trại, vườn cao su, nuôi trồng thủy sản kết hợp với trồng lúa nước, góp phần nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo bền vững. Nhờ đó đến năm 2015, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 36 triệu đồng. Xã còn hỗ trợ người dân ứng dụng khoa học - công nghệ vào nuôi, trồng thủy sản, canh tác cây nông nghiệp. Ngoài ra, xã tiếp tục giữ vững và phát triển diện tích cây ăn trái, tạo điều kiện phát triển mô hình kinh tế nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái ven sông Sài Gòn...
Hoàn thành các tiêu chí NTM
Ông Trần Minh Hiếu, Chủ tịch UBND xã An Tây, cho biết để thực hiện hoàn thành chương trình xây dựng NTM, ngoài việc khẩn trương thành lập Ban chỉ đạo xây dựng NTM, xã đã đề ra những giải pháp cụ thể, phù hợp và phân công nhiệm vụ cho từng thành viên, đồng thời huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. “Điều đáng mừng là trong quá trình thực hiện xây dựng NTM người dân trong xã đã góp công, góp sức và hiến 8.278m2 đất để cùng Nhà nước nâng cấp, mở rộng các tuyến đường, làm cho bộ mặt NTM xã An Tây ngày càng khang trang, sạch đẹp. Chỉ tính trong năm 2016, từ nguồn vốn của Nhà nước và đóng góp của nhân dân, doanh nghiệp địa phương đã thực hiện duy tu, sửa chữa 22 tuyến đường với tổng chiều dài 14.529m. Qua đó bảo đảm 100% tuyến đường, ngõ xóm trên địa bàn không còn lầy lội vào mùa mưa, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của người dân”, ông Hiếu nói.
Theo lộ trình, đến cuối năm 2016 xã An Tây sẽ hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Với sự nỗ lực rất lớn từ nhiều phía, đến nay địa phương đã hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM. Tuy vậy, xã sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, phát huy tinh thần tự nguyện của nhân dân trong xây dựng NTM.
Với sự đoàn kết, quyết tâm và nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã, những kết quả đạt được để An Tây trở thành xã NTM.
THOẠI PHƯƠNG