Chuyện bây giờ mới kể về ngôi mộ 35

Cập nhật: 12-05-2010 | 00:00:00

  Toàn cảnh khu mộ 35Dẫu biết rằng chiến tranh đã lùi xa nhưng chuyện kể về ngôi mộ 35 ở xã Tân Bình, huyện Dĩ An về những người cán bộ và nhân dân bị thực dân Pháp sát hại rồi chôn cùng một hố sâu đến bây giờ vẫn ít được nhiều người biết đến. Nhân kỷ niệm 35 năm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, chúng tôi trở về Tân Bình để tìm hiểu thêm về câu chuyện bi hùng này.

Chứng tích sống về tội ác man rợ

Trong những ngày tháng 4 đầy ắp những sự kiện lịch sử, khu mộ 35 luôn đông đúc người thân của những người quá cố và nhân dân địa phương về đây để thắp hương tưởng nhớ đến những cán bộ và người dân vô tội đã ra đi. Nhìn thấy ngôi mộ hình chữ nhật to lớn, nhiều người đứng nhìn rơi nước mắt và chỉ biết thốt lên: Tội quá, dã man quá! Bởi phía dưới ngôi mộ ấy là nơi an nghỉ ngàn thu của 35 cán bộ và nhân dân vô tội (trong đó có 3 liệt sĩ) đã bị giặc Pháp sát hại tại đây.

 Theo lịch sử xã Tân Bình ghi lại, vào tháng 3-1947, thực dân Pháp và tay sai ở đồn Tân Hiệp mở cuộc hành quân càn quét khu vực lò đường An Phú. Trên đường hành quân chúng lọt vào ổ phục kích của lực lượng liên quân 17 và du kích xã Tân Hiệp tại ngã 3 Cây Gõ. Trong trận chiến ác liệt này, quân ta đã tiêu diệt 1 tên quan hai Pháp, bắn bị thương 1 thượng sĩ và 1 tên trung sĩ của giặc, số còn lại bỏ chạy tán loạn. Trên đường rút chạy về bót qua ấp Tân Phước, chúng gặp bất cứ ai là đàn ông, thanh niên là bắt về đồn. Không khai thác được gì ở những người bị bắt, đến 12 giờ trưa ngày 14-3-1947 (nhằm ngày 18-2 năm Đinh Hợi), chúng điên cuồng đưa 35 người ra bắn tập thể và chôn cùng 1 hố sâu nơi này. “Thật đau lòng khi nhìn thấy những người dân vô tội bị bắn, bị thương đau đớn, rên la inh ỏi xin tha mạng sống”, theo lời kể của một số nhân chứng lúc đó. Nhìn trên tấm bia khắc tên 35 cán bộ và nhân dân do thực dân Pháp sát hại mà ai cũng cảm thấy chạnh lòng! Trong danh sách đó người có tuổi đời lớn nhất là bác Nguyễn Văn Hoằng SN 1888 (59 tuổi), nhỏ nhất là Nguyễn Văn Quỳ SN 1927 (20 tuổi). Sự việc xảy ra, trong những ngày này năm ấy không khí hoảng loạn đau thương, tang tóc bao trùm lên cả làng. Sự tàn ác dã man của giặc đã làm cho 35 gia đình vợ thì mất chồng, con mất cha, cháu mất ông... Không nỗi đau nào bằng nỗi đau của các gia đình tổ chức đám tang người thân mình mà không có quan tài. Một thời gian dài sau đó, những người thân của những người xấu số đã kéo đến ngôi mộ tỏ lòng thương tiếc vì sự ra đi quá đột ngột và bi thảm của họ. Tội ác dã man của thực dân Pháp đã nung nấu thêm tinh thần quyết chiến của quân và dân ta, góp phần dẫn đến đại thắng lịch sử 30-4-1975 đưa đất nước hoàn toàn thống nhất.

Và những nhân chứng còn sống hôm nay

Chúng tôi tìm đến khu mộ 35 vào những ngày mà khu mộ này đang trong giai đoạn chuẩn bị hoàn thành những phần việc cuối cùng để chuẩn bị cho việc khánh thành. Ngôi mộ được đầu tư gần 1 tỷ đồng (tiền từ ngân sách và đóng góp của nhân dân) nên rất khang trang và ấm cúng. Trước khu mộ là một tấm bia lớn ghi tên của 35 người dân vô tội đã ngã xuống. Điều làm chúng tôi xúc động nhất tại ngôi mộ tập thể này là mùi hương khói lúc nào cũng nghi ngút, thơm lừng như muốn làm ấm áp những linh hồn đang nằm tại đây.

Chúng tôi làm quen với một bác trai đã lớn tuổi đang thắp hương tại khu mộ 35 và thật tình cờ khi được biết chính bác trai ấy là một trong những nhân chứng hiếm hoi còn sống hiện nay. Bác tên Lê Thành Nhơn, năm nay đã 70 tuổi, nhà bác đối diện với khu mộ 35, chính bác là người thường xuyên hàng ngày ra vào thắp nhang cho khu mộ tập thể này. Trầm ngâm một lúc, bác Nhơn mới kể lại sự việc đau lòng xảy ra cách đây hơn 63 năm về trước. Lúc đó, bác mới 7 tuổi, cái tuổi còn quá đỗi ngây thơ so với bây giờ. Ngày hôm đó, sau khi bị quân ta phục kích, trên đường tháo chạy, bọn địch gặp bất kỳ người đàn ông nào đều bắt đưa về đồn. Trước kia khu vực này là đồng ruộng nên phần lớn những người bị bắt hôm ấy chủ yếu là nông dân, khi bị bắt giải đi những người nông dân còn nghĩ là không có chuyện gì, trước sau gì cũng được thả ra, do vậy khi bị giải đi họ còn đùa giỡn, nói chuyện với nhau. Bác Nhơn lúc đó cũng cùng đám con nít chạy theo coi.

Tuy nhiên, sự việc không phải như họ nghĩ, khi bọn địch không điều tra được gì, bọn chúng điên cuồng trói những người dân vô tội thành hàng và dùng súng bắn chết từng người. Sau khi bắn xong, bọn chúng cho người móc qua loa một đám ruộng và dùng xe bò chở xác chết đổ thành đống và lấp đất. Ba ngày sau, xác của 35 người phình lên và gây ra mùi khó chịu. Lúc này, bọn chúng mới cho người lấp kín. Kể tới đây, bác Nhơn lấy tay gạt nước mắt và nói tiếp: “không thể dùng từ nào để diễn tả được sự tàn nhẫn và dã man của bọn chúng, tại sao lại đi trả thù những người dân vô tội... và ông trời cũng đã có mắt, bọn địch đã phải chịu thất bại trước sự kiên cường, anh dũng của quân ta”.

Bác Nhơn cho biết thêm, diện tích ngôi mộ 35 hơn 300m2 hiện tại là được xây dựng ngay trên diện tích đất của bác. Và hàng ngày, bác là người thường xuyên ra vô khu mộ để thắp những nén hương với mong muốn sưởi ấm những người quá cố.

Thắp nén hương cho những người đã khuất và chia tay bác Nhơn, chúng tôi tìm đến nhà bác Lê Thị Lài (71 tuổi) là con của liệt sĩ Lê Văn Bùi, một trong 35 người đã hy sinh tại ngôi mộ 35 này.

Sau một lúc xúc động khi nghe chúng tôi muốn biết về quá khứ của người cha đã hy sinh, bác Lài kể: “Năm đó bác mới 8 tuổi, biết cha bác là người hoạt động cách mạng nên sau nhiều lần dụ hàng không được bọn địch đã tới đốt nhà của cha bác. Sau đó, bọn chúng tìm cách bao vây bắt được cha bác khi ông trở về giúp mẹ con bác dựng lại căn nhà. Trong một lần bị ta phục kích như đã nói ở trên, bọn Pháp đã đưa cha bác cùng những người dân vô tội ra giết hại... Kể tới đây, bác bật khóc và nói: biết cha bị giết hại và chôn tập thể cùng 35 người khác nhưng vì lúc đó đang nằm trong lòng địch nên mọi người thân đều không thể đưa xác về để mai táng cho đàng hoàng mà chỉ làm tang lễ tại nhà. Bây giờ, cứ lúc nào rảnh là bác kêu con cháu chở tới ngôi mộ để thắp nhang cho cha và những người đã khuất...”.

Sự ra đi anh dũng của người cha và những thường dân vô tội khác đã nung nấu cho ý chí và tinh thần đánh đuổi giặc ngoại xâm không chỉ của anh em bác Lài mà lan rộng ra cả xã, huyện lúc bấy giờ. Bác Lài nhanh chóng giác ngộ cách mạng, tham gia nhiều trận đánh và hiện tại bác có cuộc sống ổn định với mức phụ cấp hàng tháng gần 500.000 đồng. Chia tay với chúng tôi, bác Lài nói: “Sự hy sinh nào cũng có ý nghĩa của nó đấy cháu ạ, chính sự ra đi của cha bác và những người thường dân đã làm dậy lên một làn sóng phản đối chiến tranh và lòng căm thù giặc sâu sắc. Chính ý nghĩa đó đã làm nên những chiến thắng hiển hách của quân và dân ta...”.

Mặc dù chiến tranh đã lùi xa nhưng ngôi mộ 35 ở xã Tân Bình vẫn mãi là chứng tích sống về tội ác man rợ của thực dân Pháp và tay sai; mãi mãi có tính giáo dục sâu sắc về tinh thần yêu hòa bình, yêu quê hương đất nước mà ông cha ta đã không tiếc máu xương để gìn giữ và cống hiến để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp hơn. Các cán bộ và nhân dân đã ngã xuống, xương máu của các vị đã hòa vào lòng đất góp phần điểm tô đỏ thắm màu cờ Tổ quốc, cho vùng đất Tân Bình anh hùng mãi mãi là vùng đất lành sinh trái ngọt.

Bí thư Đảng ủy xã Tân Bình Nguyễn Ngọc Hòa: Công trình mang ý nghĩa lịch sử

Thực hiện truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn, nhằm giáo dục thế hệ trẻ và trong nhân dân truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước nồng nàn của dân tộc ta, được sự thống nhất chủ trương của lãnh đạo huyện Dĩ An, thời gian qua UBND xã đã tiến hành trùng tu, nâng cấp ngôi mộ 35. Đây là công trình mang ý nghĩa lịch sử đặc biệt quan trọng, là nơi ghi lại chứng tích thực dân Pháp đã giết hại dã man 35 cán bộ và nhân dân, trong đó có 3 liệt sĩ là những người dân tại địa phương và các vùng lân cận như xã An Phú (6 người), Bình Chuẩn (3 người), Bình Hòa  (4 người) và Thái Hòa (2 người).

 VĂN SƠN - NHÂN QUANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên