Ngày 22/6, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tiếp đón Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong chuyến thăm chính thức cấp nhà nước tại Washington D.C. Ông Modi sẽ có bài phát biểu trước phiên họp chung của Quốc hội - một vinh dự hiếm khi được dành cho một lãnh đạo nước ngoài - và gặp gỡ các lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ.
Ông Modi trở thành nhà lãnh đạo thứ ba thế giới, sau ông Macron của Pháp và ông Yoon Suk Yeol của Hàn Quốc, được đón tiếp trọng thị như vậy từ Tổng thống Biden.
Quan hệ thăng trầm
Phát biểu trước chuyến đi, ông Modi cho biết Mỹ là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ về hàng hóa và dịch vụ. Hai nước hợp tác chặt chẽ trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ, giáo dục, y tế, quốc phòng và an ninh. Sáng kiến về công nghệ quan trọng và tiên tiến đã bổ sung những khía cạnh mới và tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, vũ trụ, viễn thông, lượng tử, trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ sinh học. Hai nước cũng đang hợp tác để thúc đẩy tầm nhìn chung về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, rộng mở và toàn diện. Các cuộc thảo luận của ông với Tổng thống Biden và các nhà lãnh đạo cấp cao khác của Mỹ sẽ tạo cơ hội tăng cường hợp tác của hai nước, cũng như trên các diễn đàn đa phương như G20, nhóm Bộ Tứ và Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF).
Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng phu nhân trong lễ đón tiếp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Nhà Trắng.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre nói trong một tuyên bố: “Chuyến thăm của Thủ tướng Modi sẽ củng cố cam kết chung của hai nước đối với một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, rộng mở, thịnh vượng và an toàn cũng như quyết tâm chung của hai nước nhằm nâng cao quan hệ đối tác công nghệ chiến lược, bao gồm quốc phòng, năng lượng sạch và không gian”.
Quan hệ giữa Ấn Độ và Mỹ đã thay đổi theo những cách đáng chú ý trong những năm qua. Cho đến đầu những năm 1990, hai nước vẫn là “các nền dân chủ bị ghẻ lạnh”. Tuy nhiên, kể từ đầu những năm 2000, chính quyền Mỹ từ ông Bill Clinton đến ông Donald Trump đã nỗ lực xây dựng mối quan hệ bền chặt với Ấn Độ, nhận ra tiềm năng trở thành đối tác chiến lược trong việc đảm bảo an ninh của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Năm 2005, Ấn Độ và Mỹ đã ký một thỏa thuận hạt nhân lớn, theo đó Ấn Độ được công nhận trên thực tế là một cường quốc vũ khí hạt nhân. Gần đây, sự tham gia của Ấn Độ trong nhóm Bộ Tứ đã khiến Ấn Độ trở thành một yếu tố quan trọng trong chiến lược quốc phòng của Mỹ. Năm 2022, hai nước đã tiến hành các cuộc tập trận quân sự chung không xa biên giới Ấn-Trung đang tranh chấp. Việc Ấn Độ tháng 5 vừa qua tham gia IPEF của ông Biden gồm 14 thành viên sẽ giúp Mỹ giảm sự phụ thuộc vào hoạt động sản xuất của Trung Quốc.
Những ưu tiên trong chuyến thăm
Gần đây, Washington và New Delhi đã tham gia các cuộc thảo luận về việc cùng sản xuất động cơ phản lực, pháo tầm xa và phương tiện quân sự. Giờ đây, Công ty General Electric của Mỹ đang hy vọng hợp tác sản xuất máy bay chiến đấu ở Ấn Độ, trong khi Mỹ đã tăng cường đầu tư vào hệ sinh thái sản xuất chip và chất bán dẫn ở Ấn Độ như một cách để giảm sự phụ thuộc vào sản xuất của Trung Quốc. Trước chuyến thăm của Thủ tướng Modi, cả Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và Cố vấn An ninh quốc gia Jake Sullivan cũng đã thực hiện các chuyến đi tới New Delhi trong nỗ lực cắt bỏ thủ tục quan liêu để đạt được các thỏa thuận.
Các thông báo chính thức được trông đợi trong chuyến thăm Mỹ của nhà lãnh đạo quốc gia tỷ dân gồm: Mỹ chấp thuận cho General Electric sản xuất tại Ấn Độ động cơ cho các máy bay chiến đấu mà Ấn Độ sản xuất trong nước; Ấn Độ mua 31 máy bay không người lái MQ-9B SeaGuardian có vũ trang do General Atomics sản xuất trị giá 3 tỉ USD để giúp tăng cường giám sát biên giới và cải thiện các hoạt động tình báo chống khủng bố; Mỹ dỡ bỏ những rào cản ngăn chặn thương mại thuận lợi hơn trong lĩnh vực quốc phòng và công nghệ cao. Hợp tác trong lĩnh vực chất bán dẫn, không gian mạng, hàng không vũ trụ, cơ sở hạ tầng chiến lược và truyền thông, các dự án vũ trụ thương mại, điện toán lượng tử và sử dụng AI trong các lĩnh vực công nghiệp và quốc phòng cũng sẽ được thảo luận trong chuyến thăm của Thủ tướng Modi.
Bằng cách giúp Ấn Độ xây dựng năng lực kinh tế và quốc phòng, Washington hy vọng sẽ phối hợp với New Delhi để giải quyết các thách thức toàn cầu như một phần lợi ích lâu dài của mình.
Cộng đồng người Mỹ gốc Ấn và cuộc bầu cử năm 2024
Người Mỹ gốc Ấn là khu vực bầu cử quan trọng và là lá phiếu mang tính quyết định ở một số bang dao động. Với gần 5 triệu người, cộng đồng người Mỹ gốc Ấn là nhóm nhập cư lớn thứ hai và là khối bỏ phiếu phát triển nhanh nhất ở Mỹ hiện nay. Tác động của họ thể hiện rõ ràng tại thùng phiếu, nơi người Mỹ gốc Ấn đã bỏ phiếu với số lượng kỷ lục trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020. Điều đó cũng ngày càng trở nên rõ ràng trong các hành lang quyền lực, từ Quốc hội, nơi có 5 nghị sỹ gốc Ấn hiện đang làm việc, đến Nhà Trắng, nơi Kamala Harris, người mang hai dòng máu, đã làm nên lịch sử với tư cách là Phó Tổng thống Mỹ đầu tiên có nguồn gốc Ấn Độ. Trong khi mọi cuộc tranh cử tổng thống kể từ năm 2016 đều có sự góp mặt của ít nhất một ứng viên người Mỹ gốc Ấn thì năm 2024 sẽ là cuộc đua đầu tiên có ít nhất 2 ứng viên: Nikki Hayley, con gái của những người nhập cư theo đạo Sikh từ Punjab và Vivek Ramaswamy, có cha mẹ đến từ Kerala.
Theo một cuộc khảo sát năm 2022 của AAPI Data, cộng đồng người Mỹ gốc Ấn có xu hướng bỏ phiếu cho đảng viên Dân chủ, thay vì đảng viên Cộng hòa khi có tới 74% cử tri người Mỹ gốc Ấn ủng hộ ông Biden năm 2020, so với chỉ 15% ủng hộ ông Donald Trump.
Trong bối cảnh nước Mỹ sắp bước vào cuộc đua tranh cử năm 2024 với 4 bang mang tính quyết định và tỷ lệ chênh lệch từ vài % trở xuống thì mọi cộng đồng đều thực sự quan trọng. Cộng đồng người Mỹ gốc Ấn thực sự mang lại lợi thế cho ông Biden ở các bang Georgia, Pennsylvania, Arizona.
Theo CAND