Chuyển đổi cây trồng hợp lý đem lại hiệu quả cao

Cập nhật: 18-06-2024 | 08:24:22

Chuyển đổi cây trồng là một quyết định quan trọng, mang lại cho người nông dân nguồn thu nhập cao. Điển hình như anh Nguyễn Văn Bình, ấp Ông Chài, xã Cây Trường II, huyện Bàu Bàng nhờ chuyển đổi cây trồng hợp lý từ cây cao su đến thời kỳ thanh lý sang cây sầu riêng giúp thu tiền tỷ mỗi năm.

 Lãnh đạo địa phương tham quan vườn sầu riêng của gia đình anh Bình

 Trước đây, gia đình anh Bình chủ yếu trồng cao su với diện tích 5 ha. Tuy nhiên, do vườn cao su đã già cỗi, giá mủ xuống thấp, hiệu quả kinh tế không cao, năm 1999 anh Bình quyết định chuyển đổi một phần diện tích sang trồng sầu riêng Monthong. Đến nay, gia đình anh trồng được 300 cây sầu riêng (2 ha), trung bình 1 vụ cho thu hoạch 20 tấn/ha, trừ hết chi phí một vụ anh Bình thu lợi nhuận khoảng 2 tỷ đồng.

Để vườn cây phát triển tốt, cho năng suất cao, anh Bình chịu khó học hỏi kinh nghiệm từ các nhà vườn khác, đầu tư hệ thống tưới tự động. Anh Bình chia sẻ: “Bên cạnh yếu tố thổ nhưỡng, trồng sầu riêng cần phải tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật, từ khâu chọn giống, trồng, bón phân, tưới nước đến phòng trừ sâu bệnh. Đặc biệt, cần phải chú ý đến việc điều tiết nước và bón phân hợp lý để cây sầu riêng phát triển tốt, cho năng suất cao. Mọi năm, 1 ngày chỉ tưới 1 lần vào buổi sáng, năm nay nắng nóng ngày tưới 2 lần”.

Nói về tình trạng cung vượt cầu, anh Bình cho biết mỗi tỉnh có đợt thu hoạch khác nhau, không phải địa phương nào cũng chín một lượt. Qua tháng 2, tháng 3 miền Tây sẽ thu hoạch, tiếp đến các tỉnh miền Đông Nam bộ, sau đó là Đắk Lắk, Đắk Nông... không sợ tình trạng thu hoạch ồ ạt. “Mấy năm nay giá sầu riêng rất ổn định, năm nay giá cao hơn so với năm ngoái. Thị trường đầu ra của tôi ổn định, chủ yếu là qua thương lái. Hàng đẹp được xuất khẩu, chủ yếu là thị trường Trung Quốc. Bây giờ, giá cả thị trường cập nhật thường xuyên, không lo tình trạng bị ép giá. Hàng có bao nhiêu tiêu thụ hết bấy nhiêu”, anh Bình cho biết thêm.

Cũng theo anh Bình, thời điểm này gia đình đã thu hoạch xong vụ sầu riêng và chuyển sang công việc cạo mủ 3 ha cao su còn lại. Thay vì chặt bỏ hoàn toàn, anh Bình chỉ chuyển đổi một phần diện tích cây cao su sang trồng sầu riêng một cách hợp lý, kết hợp với áp dụng khoa học kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Nhờ vậy gia đình luôn có thu nhập ổn định, có công việc quanh năm.

Theo bà Nguyễn Thị Dương, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cây Trường II, anh Nguyễn Văn Bình đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện 2 năm liên tiếp. Ngoài anh Bình, trên địa bàn xã hiện có khoảng 30 hộ trồng sầu riêng. Trước đây, giá mủ cao su xuống thấp, một số người dân đã chuyển đổi từ cây cao su sang trồng măng tre, sầu riêng... Hiện nay, giá mủ cao su đã tăng lên, thổ nhưỡng trên địa bàn cũng phù hợp với cao su. Vì vậy, người dân cần tính toán kỹ việc chuyển đổi cây trồng một cách hợp lý.

Từ thực tế cho thấy, để chuyển đổi cây trồng, người nông dân cần nghiên cứu kỹ thị trường, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm. Song song đó, cần lựa chọn cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương; áp dụng các kỹ thuật canh tác tiên tiến, hiệu quả; tìm kiếm đầu ra hiệu quả cho sản phẩm.

 Hiện nay, trên địa bàn xã Cây Trường II có 5 mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ và ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt và chăn nuôi. Trong đó, mô hình trồng tre lấy măng của Hợp tác xã Măng tre Điền Trúc với diện tích 109 ha, mô hình trồng sầu riêng của anh Nguyễn Văn Bình tại ấp Ông Chài với diện tích 2 ha là những mô hình hiệu quả từ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý. Các mô hình trên ứng dụng chăm bón bằng phân hữu cơ, kết hợp với công nghệ tưới tiết kiệm mang lại giá trị kinh tế cao, tăng thêm thu nhập cho người dân.

 TIẾN HẠNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=753
Quay lên trên