Chuyện đời những người lái đò Tràng An

Cập nhật: 15-07-2022 | 09:19:17

Khoan nhẹ mái chèo cùng người lái đò tại khu Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Tràng An, tỉnh Ninh Bình, hòa theo tiếng mái chèo vỗ nước lao xao bên mạn đò, cuộc trò chuyện của chúng tôi với người lái đò thêm thi vị. Đằng sau những chuyến đò chở nặng niềm vui của du khách là những câu chuyện đời, chuyện nghề của những cửu vạn trên sông nước nơi đây.


Giây phút nghỉ ngơi của những người chèo đò Tràng An

Như người “nghệ sĩ“ trên sông

Chúng tôi đến bến đò Tràng An cũng là lúc trời gần đứng ngọ nhưng thời tiết chỉ nắng nhẹ và khá mát mẻ. Dưới bến đò, hàng chục chiếc đò vỏ thép đang sẵn sàng đón khách. Ở đây, mỗi chiếc đò chỉ được chở tối đa 5 người, bao gồm cả người chèo. Chúng tôi lên chiếc đò mang số 0183. Sau khi mặc áo phao gọn gàng, chúng tôi cẩn thận ngồi trên chiếc đò nhẹ nhàng rẽ nước theo tuyến du lịch số 3 của khu du lịch. Chú Trần Tình (52 tuổi), người lái đò với khuôn mặt sạm đen cười hiền bắt đầu câu chuyện để trấn an chúng tôi trong hành trình. “Các chú cứ an tâm. Ở đây thuyền được đôn xốp ở cả 2 đầu nên không thể chìm được”. Nghe chú nói thế, các thành viên trên thuyền cũng mạnh dạn cầm lấy các mái chèo phụ trong thuyền để chia sẻ vất vả với chú.

Chú Tình cho biết chú đã có 14 năm “thâm niên” với nghề “cửu vạn” trên sông này. Nhà chú ở xã Trường Yên và làm ruộng nhưng do đất ít, trồng lúa cho thu nhập không đáng là bao, có khi một năm chỉ làm được hơn tạ thóc nên chú đã xin vào đội chèo thuyền nơi đây. Mang tiếng là xin vào nhưng chú cũng phải trải qua khóa huấn luyện, sát hạch kỹ năng mới được cấp “chứng chỉ hành nghề”. 14 năm gắn bó với nghề đã cho chú Tình kinh nghiệm chèo đò phong phú. Khỏa nước đều mái chèo, chú Tình đưa chúng tôi lướt nhẹ qua từng khúc cua, eo hẹp hai bên vách đá sừng sững, luồn lách qua các hang động tối mờ. Đôi lúc thuyền qua những khúc cua hẹp trong hang Đột, hang Vân với những mỏm đá lô nhô, có những đoạn hẹp chỉ đủ cho một chiếc thuyền lách qua nhưng chú vẫn điều khiển rất linh hoạt. Những lúc như thế chúng tôi thấy chú như người nghệ sĩ đang trình bày một bản nhạc violon với những ngón tay nhẹ nhàng, điêu luyện.

Chú nói: “Ai ở đây cũng vậy cả, làm nhiều thì quen tay thôi. Từ khi vào làm đến nay, tôi chưa nghe thấy có khách nào bị tai nạn đò cả. Ở đây an toàn cho khách du lịch là trên hết”. Chúng tôi có thể cảm nhận rõ sự am tường của chú Tình với từng lộ trình nơi đây, bao lâu thì đến điểm tham quan tiếp theo, cá ở đây có những loại nào... Với chú, địa hình nơi đây chú thuộc như lòng bàn tay vì có như vậy mới gắn bó với nghề được. Mỗi khi gặp những người quen đang rạp người chèo những chuyến đò khác, chú Tình lại hỏi thăm đã chèo được mấy chuyến và động viên hẹn gặp nhau ở bến thuyền để uống nước trò chuyện.

Ước mơ về cuộc sống thanh bình

Theo lời chú Trần Tình, tại khu du lịch này có khoảng 2.000 người làm nghề chở khách du lịch như chú, đa số đều là U60 và cũng đều ở các địa phương lân cận khu du lịch này. Cá biệt có người đã gần 70 tuổi nhưng vẫn chèo đò. Ở đây tuyệt nhiên không có thanh niên, trai tráng do đa phần đều đi làm ở các khu công nghiệp vì lương cao và ổn định. Với nghề lái đò, vào mùa lễ hội nhiều lắm một người chỉ chèo được khoảng 2 - 3 chuyến một ngày, nhưng vào những ngày bình thường có khi 5 - 7 hôm mới có một chuyến. Không phải khi chèo xong quay về là được đón khách luôn mà còn phải chờ sự điều tiết từ Ban Quản lý khu du lịch. Dịch bệnh Covid-19 vừa qua, 2.000 tay chèo nơi đây cũng chịu cảnh thất nghiệp vì khu du lịch đóng cửa.


Những người chèo đò tại Tràng An luôn yêu nghề và tự hào khi được quảng bá hình ảnh đẹp của quê hương đến với du khách

Tranh thủ lúc khách lên tham quan đền Trình, cô Nguyễn Thị Khuy với dáng người thấp đậm giở làn cơm ra ăn. Nghề chèo đò nơi đây như “làm dâu trăm họ” nên giờ giấc nghỉ ngơi, ăn uống cũng thất thường vì phụ thuộc vào thời điểm khởi hành của khách. Vì vậy cơm nước phải “túc trực” trên đò để khi nghỉ ngơi là tranh thủ ăn. Vừa lấy chiếc nón lá đã ố màu quạt cô Khuy chia sẻ công việc của các tay chèo ở đây cũng rất vất vả. Công việc bắt đầu từ sáng sớm và đến tối mới về đến nhà. Khu du lịch không bố trí chỗ nghỉ lại cho các tay chèo. Với mỗi lộ trinh kéo dài tầm 3 giờ, tiền công khách “bo” khoảng 200.000 đồng, cộng tiền lương, mỗi tháng cô Khuy có thu nhập tầm 5 - 7 triệu đồng. Theo cô Khuy, số tiền này cũng chỉ đủ trang trải cuộc sống.

Theo lời chú Trần Tình, tại khu du lịch này có khoảng 2.000 người làm nghề chở khách du lịch như chú, đa số đều là U60 và cũng đều ở các địa phương lân cận khu du lịch này. Cá biệt có người đã gần 70 tuổi nhưng vẫn chèo đò. Ở đây tuyệt nhiên không có thanh niên, trai tráng vì đa phần đều đi làm ở các khu công nghiệp vì lương cao và ổn định.

Cũng làm nghề chèo đò như cô Khuy nhưng bà Lâm Thị Tâm do “đã có tuổi”, không chèo được nhiều nên thu nhập cũng thấp hơn. Bà Tâm nói cực chẳng đã mới đi làm cái nghề này vì nhà ít đất, con cái thì đã lớn, lập gia đình ra ở riêng hết, bà lại không muốn phụ thuộc vào con cái. Những lúc không có khách bà trở lại với công việc làm ruộng, phụ hồ để có thu nhập. Có khi trái gió, trở trời gặp vấn đề về sức khỏe phải nghỉ ở nhà xem như mất thu nhập. Ở cái tuổi ngoài 60 bà cũng xác định chèo dăm ba năm nữa cũng phải nghỉ vì không đủ sức khỏe. Bà nói: “Gặp khách người mình “thấp bé, nhẹ cân” còn đỡ. Gặp khách Tây thì các tay chèo vất vả hơn vì khách Tây “lười” chèo giúp. Gặp đoàn khách Tây, có khi chở về đến bến là mệt bở hơi tai, áo đẫm mồ hôi”.

Trong câu chuyện cùng những người chèo đò nơi đây, chúng tôi cảm nhận được sự nhẹ nhàng, ân cần với du khách của những người con cố đô và xen lẫn trong đó là tình yêu với nghề. Với chú Tình, cô Khuy, dù có hơi vất vả nhưng nghề này cũng có lúc vui, có thêm thu nhập, lại được làm gần nhà chứ không phải bỏ làng quê đi làm tại các khu công nghiệp như đám thanh niên trong xã. Với chú Tình, được tiếp xúc với nhiều du khách từ khắp các địa phương, nhiều nước trên thế giới cũng là niềm vui. Trong những câu chuyện của mình, những người chèo đò như chú Tình, cô Khuy, bà Tâm đã cho chúng tôi thấy việc gắn bó với nghề còn là mong muốn quảng bá hình ảnh đẹp của khu Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới đến với du khách và niềm tự hào với vẻ đẹp, truyền thống của quê cha, đất tổ. Và trong từng câu chuyện, chúng tôi cũng cảm nhận được ước mơ về một cuộc sống thanh bình của những người chèo đò nơi đây. Với họ, cuộc sống thanh bình là được gắn bó với nghề ngay trên mảnh đất quê hương, có thêm thu nhập và được góp sức quảng bá hình ảnh quê nhà đến với du khách.

Chúng tôi trở về bến thuyền khi trời cũng đã ngả về chiều. Một số tay chèo đang tranh thủ nghỉ ngơi, một số khác thì tranh thủ thu xếp đồ đạc để chuẩn bị ra về. Những lời hỏi thăm, động viên của các tay chèo lại râm ran vang lên và họ cùng hẹn nhau nghỉ ngơi cho thật khỏe để ngày mai lại bắt đầu chuyến đò mới.

CAO SƠN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1735
Quay lên trên