Trong bối cảnh hiện nay, khi có rất nhiều thách thức từ nội tại và bối cảnh bên ngoài, các hợp tác xã (HTX) đã và đang có nhiều sự thay đổi tích cực với hướng đi mới, vượt qua giai đoạn khó khăn, hướng đến tương lai phát triển lâu dài. HTX có vai trò rất quan trọng trong quá trình thúc đẩy sự phát triển của ngành nông nghiệp với đặc thù sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ. Các HTX nông nghiệp chính là “cánh tay nối dài” giữa hộ nông dân với các doanh nghiệp, đồng thời giúp cung cấp vật tư đầu vào, hướng dẫn người dân sản xuất theo quy trình hiện đại, chất lượng, bảo đảm đầu ra.
Chính vì vậy, việc tháo gỡ các khó khăn nội tại của các HTX là điều cần thiết để đưa sản xuất của ngành ngày càng có hiệu quả, gia tăng và ổn định thu nhập cho người dân. Đặc biệt trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng như tác động của dịch bệnh Covid-19 đang đòi hỏi các HTX cần có nhiều thay đổi để thích ứng phù hợp, bắt nhịp phát triển.
Toàn tỉnh hiện có 215 HTX với trên 31.187 thành viên, vốn điều lệ hơn 788 tỷ đồng. Tuy nhiên, qua đánh giá hoạt động của HTX vẫn còn rất nhiều khó khăn, tồn tại. Thực tế còn nhiều HTX có quy mô sản xuất, kinh doanh nhỏ, số lượng thành viên ít, quá trình mở rộng số lượng thành viên quy mô kinh doanh tích lũy vốn, tài sản diễn ra chậm. Mặc dù những năm qua, tỷ lệ HTX tham gia vào chuỗi giá trị gia tăng đều hàng năm nhưng còn ở mức thấp. Nhiều HTX có liên kết chuỗi giá trị nhưng tỷ lệ sản phẩm tham gia liên kết rất thấp. Tỷ lệ HTX có hoạt động sau thu hoạch như sơ chế, chế biến và thương mại sản phẩm còn thấp, chưa đến 10% HTX nông nghiệp có ứng dụng công nghệ cao.
Trong khi đó, tham gia chuỗi giá trị và ứng dụng khoa học công nghệ là những hoạt động quan trọng để HTX thu hút thành viên, tạo giá trị gia tăng cho thành viên, bảo đảm sự phát triển bền vững. Nhờ việc phát triển đồng bộ các giải pháp gắn với chuyển đổi số, đặc biệt là nông nghiệp thông minh, ứng dụng hệ thống công nghệ và kết nối sàn thương mại điện tử, bước đầu đã giúp cho HTX mở rộng, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, nâng cao tương tác giữa người nông dân với người tiêu dùng. Chính vì vậy, mặc dù thời gian qua tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, làm đứt gãy một số chuỗi cung ứng thực phẩm nhưng chuỗi sản xuất tiêu thụ của HTX nông nghiệp vẫn duy trì phát triển ổn định. Doanh thu của các HTX năm 2021 vẫn đạt 1.143 tỷ đồng.
Thực tế trong bối cảnh có nhiều biến động như hiện nay, các HTX có nhiều thay đổi trong cách điều hành nội bộ, sản xuất, kết nối với thị trường là điều cần thiết để tồn tại và tăng doanh thu, hiệu quả hoạt động. Đây cũng là đòi hỏi cần thiết để thích ứng với bối cảnh tình hình mới. Trong đó với việc ngày càng có nhiều HTX áp dụng sản xuất nông nghiệp thông minh, đẩy mạnh chuyển đổi số là tín hiệu đáng mừng. Tin tưởng trong tương lai không xa các HTX sẽ ngày càng có nhiều chuyển biến mới, phát huy vai trò kết nối sản xuất, nâng cao giá trị, tăng thu nhập cho người dân, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh.
PHƯƠNG AN