Bình Dương đang quyết tâm xây dựng thành công Thành phố thông minh - Vùng đổi mới sáng tạo. Mục tiêu này ngày càng gần khi quá trình chuyển đổi số (CĐS) ở Bình Dương liên tiếp gặt hái được những “quả ngọt”.
Bắt nhịp nhanh
Năm 2021, Chỉ số đánh giá chuyển đổi số (DTI) của Bình Dương chuyển biến tích cực, xếp hạng 22/63 tỉnh, thành, tăng 9 bậc so với năm 2020. Phát huy kết quả đạt được, Bình Dương đã linh hoạt triển khai thực hiện nhiều giải pháp trong năm 2022. Tỉnh đã triển khai thí điểm Trung tâm Giám sát - Điều hành thông minh tỉnh Bình Dương (IOC). IOC là một hệ thống công nghệ thông tin bao gồm cơ sở hạ tầng, phần cứng, phần mềm có chức năng thu thập cơ sở dữ liệu chuyên ngành của các cơ quan, đơn vị và xử lý, phân tích cho kết quả đầu ra đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền và các cơ quan, đơn vị.
Việc đưa vào hoạt động Trung tâm IOC và Cổng thông tin điện tửTỉnh ủy Bình Dương là một bước kế thừa các kết quả đạt được trong việc xây dựng Chính quyền điện tửvà ứng dụng công nghệ thông tin của các cơ quan Đảng và Nhà nước trong các giai đoạn vừa qua, đánh dấu một bước phát triển mới trong quá trình CĐS, xây dựng đô thị thông minh bền vững trên địa bàn tỉnh.
Một trong những điểm nhấn nổi bật trong quá trình CĐS, cải cách hành chính, đó là kể từ ngày 1-1-2022 tỉnh Bình Dương đã triển khai thực hiện 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên địa bàn toàn tỉnh. Song song đó, tỉnh tiếp tục thực hiện Chiến lược phát triển Chính phủ điện tửhướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15-6-2021 của Thủ tướng Chính phủ về CĐS hiệu quả, thực hiện các bộ chỉ tiêu của Trung ương, hướng tới thực hiện “3 không”. Từ tháng 9-2022 tỉnh bắt đầu triển khai, không nhận hồ sơ bản giấy để giải quyết dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp (DN).
Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, lãnh đạo tỉnh và Tổng Công ty Becamex IDC tham quan mô hình hệ sinh thái sáng tạo đổi mới Becamex tại Techfest Vietnam 2022. Ảnh: MINH DUY
Thực hiện CĐS và điều hành thông minh, Tổng Công ty Becamex IDC luôn là DN tiên phong, đi đầu. DN này có mô hình Trung tâm điều hành thông minh để quản lý các khu công nghiệp rất hiện đại. Người làm việc tại trung tâm, có thể quản lý, điều hành được tất cả các khu công nghiệp do Becamex IDC đầu tư xây dựng. Hiện tại, các dự án chiến lược của Becamex IDC đang được triển khai, gồm: CĐS công tác quản trị và vận hành DN; VNTT - Trung tâm Dữliệu, an ninh mạng và dịch vụ công nghệ thông tin; Trung tâm Thương mại thế giới (WTC) - Kết nối đối tác, phát triển dịch vụ và lan tỏa CĐS; nguồn lưu trữvà cung cấp thông tin công trình với các hoạt động như mô hình hóa, phối hợp, trao đổi thông tin, sửa đổi thông tin... (viết tắt là BIM) - CĐS trong xây dựng.
Ngày 19-5-2022, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết 05-NQ/TU về CĐS tỉnh Bình Dương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Nghị quyết xác định đẩy mạnh CĐS với các trụ cột chính quyền số, kinh tế số, công dân số và xã hội số để làm thay đổi tổng thể và toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền hiệu lực, hiệu quả, minh bạch. Các ngành, lĩnh vực trọng điểm thực hiện CĐS theo hướng tối ưu hóa, thông minh hóa, góp phần thực hiện mục tiêu “Bình Dương phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại”.
Định hình nền sản xuất thông minh
Năm 2022, tại Bình Dương đã diễn ra nhiều sự kiện như lễ vinh danh Bình Dương lọt vào Top 7 Cộng đồng thông minh thế giới, Diễn đàn Hợp tác kinh tế Ấn độ (Horasis 2022), Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia… Các sự kiện đã thu hút nhiều chuyên gia, diễn giả trong và ngoài nước tham gia thảo luận, nhấn mạnh vai trò của công nghiệp 4.0 trong việc định hình tương lai của các ngành sản xuất.
Theo các chuyên gia, công nghiệp 4.0 đang mở ra nhiều cơ hội trong việc nâng cao trình độ, năng lực sản xuất và cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu. Việc nắm bắt, ứng dụng kịp thời các công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong quá trình sản xuất sẽ quyết định sự cạnh tranh, nâng cao năng lực sản xuất, thậm chí là sự tồn tại của một DN. Các DN sản xuất sản phẩm cần đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ số vào quá trình hoạt động để giảm chi phí đồng bộ từ các khâu giao dịch, vận chuyển, tăng năng lực cạnh tranh bằng cách chuyển đổi mô hình sản xuất thông minh, đem lại giá trị cao.
Theo ông Nguyễn Thành Hải, Giám đốc tư vấn CĐS, FPT Digital, triển khai công nghiệp 4.0 vẫn trên nguyên tắc lấy DN là trung tâm, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang tác động rất mạnh mẽ đến nền sản xuất toàn cầu. Chính điều này đã tạo ra áp lực, yêu cầu rất lớn buộc các DN phải nhận diện lại chính sách, chiến lược sản xuất, kinh doanh, phương thức hoạt động để có khả năng thích ứng. “Xu thế bắt nhịp thời đại 4.0 với nhiều mô hình sản xuất xanh, sản xuất thông minh sẽ giúp các nhà đầu tư, nhất là những DN vừa và nhỏ nâng cao trình độ, quản trị DN để tạo những giá trị gia tăng mới, sớm tham gia và định vị thương hiệu trong chuỗi dịch chuyển cung ứng toàn cầu, bảo đảm tăng trưởng kinh tế dài hạn”, ông Hải nói.
Ông Yatindar Sharma, Giám đốc điều hành Công ty KHS, cho rằng thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và CĐS tại các quốc gia vấn đề đặt ra đó là cần cải thiện thị trường tiêu dùng, đồng thời giảm các chi phí để mang lợi nhuận tốt hơn, mang đến nhiều cơ hội việc làm… Để CĐS cần có những sáng kiến trong sản xuất, tối ưu hóa quá trình chuyển đổi, mang lại giá trị tốt hơn. Mô hình công nghiệp hóa dựa trên động lực mới và sự chuyển đổi mạnh mẽ của nền kinh tế công nghiệp sang nền kinh tế số, trong đó nền kinh tế tri thức với trọng tâm là phát triển nền sản xuất thông minh phải dựa trên nền tảng ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Becamex IDC: “Công tác số hóa, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, là nhiệm vụ sống còn của doanh nghiệp trong thời đại công nghiệp 4.0. Chính vì vậy, Becamex IDC đã triển khai chuyển đổi số từ rất sớm và ngày càng hoàn thiện từ các quy trình hành chính, đến các quy trình xây dựng và lĩnh vực chuyên môn”. |
PHƯƠNG LÊ - MINH DUY