Chuyển đổi số giúp phát huy tính sáng tạo

Thứ ba, ngày 24/10/2023

(BDO)  Với sự quan tâm, triển khai mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, công tác chuyển đổi số ở huyện Dầu Tiếng đang ngày càng phát huy hiệu quả. Thông qua các hoạt động, phong trào thi đua trong chuyển đổi số, nhiều tổ chức, cá nhân đã phát huy tính sáng tạo, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội trên địa bàn phát triển.

 Công nhân lao động Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng quét mã QR xem nội quy lao động tại nông trường

 Nhiều tiện ích

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu đang diễn ra rất mạnh mẽ và sâu rộng tại nhiều địa phương của huyện Dầu Tiếng. Với quan điểm lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, là mục tiêu và động lực, nguồn lực của chuyển đổi số, UBND huyện Dầu Tiếng đã triển khai mô hình thanh toán không dùng tiền mặt, thu hút sự tham gia hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân.

Chị Phạm Thị Tùng (ngụ thị trấn Dầu Tiếng) cho biết trước đây chị chỉ dùng điện thoại để nghe, gọi, nhắn tin. Nhưng từ khi biết đến thương mại điện tử, chị chuyển sang kinh doanh quần áo online. Chị cho biết chị dùng điện thoại thông minh để livestream, kết nối thêm nhiều khách hàng, thực hiện các giao dịch thanh toán phí qua chuyển khoản, không cần dùng đến tiền mặt. “Cuộc sống hiện đại có nhiều tiện ích như thế này sẽ giúp mình có thêm thu nhập và học hỏi được nhiều điều hay hơn từ những người bạn phương xa”, chị Phạm Thị Tùng nói.

Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Thanh, cũng ngụ thị trấn Dầu Tiếng, cho biết nhiều khi ra đường quên mang theo tiền anh vẫn có thể mua sắm được. Bằng điện thoại thông minh, anh chỉ cần quét mã QR sau khi mua sắm tại các siêu thị mini, nhà sách là hoàn thành giao dịch. Vợ anh Thanh cũng hay mua sắm online, trả phí giao hàng cho shiper bằng chuyển khoản. Anh Thanh nói thích nhất là chuyển khoản tiền học phí của con khi không còn lo con làm mất hoặc bị đối tượng xấu trấn lột.

Theo bà Nguyễn Thị Bích Vân, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Dầu Tiếng, nhằm thúc đẩy triển khai chuyển đổi số, thanh toán số, tạo điều kiện cho các cơ sở kinh doanh, các doanh nghiệp, quán ăn, tiệm tạp hóa… trên địa bàn huyện sử dụng nền tảng số để thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt, UBND huyện Dầu Tiếng đã tổ chức lễ ra quân thực hiện tuyến đường “điểm” thanh toán không dùng tiền mặt. Đến nay, việc thanh toán không dùng tiền mặt đã giúp người dân trên địa bàn huyện được trải nghiệm những hình thức thanh toán hiện đại, tiếp cận với các ứng dụng, tiện ích trong thanh toán không dùng tiền mặt với nhiều phương thức thanh toán như quét mã QR, máy POS, ví điện tử, ứng dụng Mobile Banking, Internet Banking…

 Cùng chuyển động trong chuyển đổi số

Việc sử dụng chữ ký số và văn bản điện tử đã phát huy hiệu quả rõ ràng, góp phần tạo môi trường làm việc hiện đại, tiết kiệm thời gian và chi phí. Thầy Nguyễn Kiều Điển, Hiệu trưởng trường THCS-THPT Minh Hòa, cho biết chữ ký số bằng thiết bị do Chính phủ cấp thường bị hư hỏng nên bất tiện trong khi làm thủ tục xin cấp lại. Để phê duyệt hồ sơ, văn bản, ký học bạ cho học sinh thì thầy hay dùng chữ ký số dịch vụ do VNPT cấp, rất nhanh và an toàn. Tuy nhiên, nếu chữ ký số này tích hợp được trong quản lý tài chính thì sẽ thuận tiện hơn.

Chia sẻ thêm về ứng dụng công nghệ số tại trường THCS-THPT Minh Hòa, thầy Điển cho biết giáo viên và học sinh rất hào hứng với các hoạt động dạy và học có sử dụng bảng tương tác do Sở Giáo dục và Đào tạo cấp. Việc ứng dụng công nghệ số trong giảng dạy giúp thầy và trò phát huy được nhiều kỹ năng, tạo sự hứng thú, kích thích đam mê khám phá của học sinh. Ngoài ra, từ năm học 2022-2023, trường đã triển khai thu học phí, phí học buổi 2 và bảo hiểm y tế bằng hình thức chuyển khoản. Cách làm này giúp nhà trường và phụ huynh tiết kiệm thời gian và an tâm hơn. Hy vọng, thời gian tới, 100% phụ huynh của trường hưởng ứng thực hiện.

Chị Nguyễn Thị Bích Lệ, Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng, cho biết đoàn viên thanh niên và công nhân lao động công ty đang thực hiện mô hình “Cơ quan, nông trường, nhà máy thanh toán không dùng tiền mặt” của Đoàn Thanh niên công ty. Với nhiều tiện lợi, mô hình đã đáp ứng tốt hơn nhu cầu chuyển khoản, thanh toán của công nhân lao động và phù hợp với khả năng sử dụng các ứng dụng trực tuyến còn hạn chế của người lao động, góp phần đẩy mạnh chiến lược tài chính toàn diện của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước; góp phần chuyển đổi số ngay tại các cơ quan, nông trường, nhà máy trực thuộc công ty vốn có truyền thống sử dụng tiền mặt.

 MINH HIẾU - TÚ BÌNH