Chuyển đổi số: Hướng tới cộng đồng, đổi thay đời sống
Theo dõi Báo Bình Dương trên
(BDO) Trong kỷ nguyên số hiện nay, chuyển đổi số (CĐS) không còn là một khái niệm xa vời mà trở thành xu hướng tất yếu đối với mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội, từ hành chính công cho đến sản xuất, kinh doanh, giáo dục và y tế. Tại Bình Dương, các huyện, thành phố đang tích cực triển khai nhiều hoạt động CĐS hướng tới cộng đồng, tạo ra những thay đổi tích cực và cụ thể trong đời sống của người dân.
Lãnh đạo TP.Thuận An tặng thiết bị điện tử thông minh cho người dân có hoàn cảnh khó khăn
Cầu nối giữa chính quyền và người dân
CĐS không chỉ là việc ứng dụng công nghệ vào các hoạt động quản lý nhà nước mà còn là một quá trình đẩy mạnh các dịch vụ công, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân thông qua các tiện ích số. Việc đầu tư vào nhân lực, đào tạo kỹ năng số và phát triển hạ tầng công nghệ đang được các địa phương trong tỉnh Bình Dương chú trọng.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin TP.Dĩ An cho biết, các Tổ công nghệ số cộng đồng đã được thành lập và triển khai trên phạm vi các phường, với 43 tổ và 290 thành viên. Họ không chỉ giúp người dân làm quen với các công nghệ mới mà còn là những người kết nối và truyền tải thông tin về các dịch vụ công như thanh toán điện tử, bảo hiểm xã hội, và dịch vụ công trực tuyến.
Hỗ trợ người dân tiếp cận công nghệ số từ các thiết bị thông minh
Hướng dẫn tạo tài khoản, nộp hồ sơ trực tuyến tại Trung tâm Hành chính công huyện Dầu Tiếng
Đặc biệt, việc triển khai thí điểm tiếp nhận hỗ trợ thanh toán không dùng tiền mặt và ứng dụng VNeID đã giúp giảm bớt sự phụ thuộc vào các phương thức giao dịch truyền thống, đồng thời nâng cao sự tiện lợi, nhanh chóng cho người dân khi thực hiện các thủ tục hành chính.
Chuyển đổi số cũng giúp chính quyền các cấp thực hiện công tác quản lý hiệu quả hơn. Những dịch vụ công trực tuyến, bảo hiểm xã hội điện tử, và các phần mềm hỗ trợ đã giúp giảm thiểu tình trạng quá tải tại các cơ quan hành chính, đồng thời nâng cao chất lượng phục vụ người dân.
Tại huyện Dầu Tiếng, sự hình thành của một bộ phận cán bộ chuyên trách và bán chuyên trách về công nghệ thông tin đã tạo nền tảng vững chắc cho công tác CĐS.
Với 1 cán bộ chuyên trách và 1 cán bộ bán chuyên trách, huyện đã có những bước đi đầu tiên trong việc triển khai các ứng dụng công nghệ, góp phần nâng cao chất lượng công tác quản lý hành chính, giúp người dân tiếp cận dễ dàng hơn với các dịch vụ công trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt, và các tiện ích số khác.
Mô hình "Tổ công nghệ số cộng đồng" đã phát triển mạnh mẽ, với 89 tổ và 329 thành viên, những con người này không chỉ là cầu nối giữa chính quyền và người dân, mà còn là những người hướng dẫn, hỗ trợ cộng đồng sử dụng hiệu quả các ứng dụng công nghệ hiện đại.
Hỗ trợ mã QR thanh toán không dùng tiền mặt cho tiểu thương huyện Dầu Tiếng
Hướng tới một cộng đồng số
Chuyển đổi số không thể thành công nếu không có sự tham gia và hỗ trợ từ chính cộng đồng. Vì vậy, công tác tuyên truyền, đào tạo và nâng cao nhận thức về CĐS luôn được các địa phương quan tâm thực hiện.
Theo ông Lê Minh Đức, Phó Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin TP.Thuận An, thành phố đã đặc biệt chú trọng đến việc tổ chức các lớp tập huấn cho các cán bộ công chức và thành viên của các tổ công nghệ số cộng đồng. Việc tổ chức các khóa học về an toàn thông tin, sử dụng phần mềm quản lý văn bản, chữ ký số và các ứng dụng CĐS đã giúp các cơ quan hành chính và người dân nắm vững các kỹ năng cần thiết để tận dụng tối đa các tiện ích số.
Thành ủy Dĩ An tổ chức hội nghị triển khai thực hiện công tác chuyển đổi số trên địa bàn năm 2024
Mô hình “Hành chính công lưu động” hỗ trợ giải quyết thủ tục hành chính cho người dân ở TP.Dĩ An
Trong khi đó, tại huyện Bắc Tân Uyên, Tổ chỉ đạo Chuyển đổi số đã phối hợp với Trung tâm Chuyển đổi số tỉnh tổ chức hơn 14 lớp tập huấn cho hơn 1.600 cán bộ, công chức và viên chức, cũng như các thành viên trong các Tổ công nghệ số cộng đồng.
Các lớp học này không chỉ nâng cao kiến thức về CĐS mà còn giúp xây dựng một đội ngũ nhân lực vững vàng, có thể hỗ trợ người dân trong việc làm quen và sử dụng các dịch vụ số.
Từ những con số và thành quả ban đầu, có thể thấy rõ được nỗ lực mạnh mẽ của chính quyền các cấp tại Bình Dương trong triển khai CĐS. Các địa phương không chỉ tập trung vào việc trang bị công nghệ cho các cơ quan hành chính mà còn đặc biệt quan tâm đến việc lan tỏa các ứng dụng số trong cộng đồng, giúp người dân có thể dễ dàng tiếp cận và sử dụng những tiện ích này.
Chuyển đổi số tại Bình Dương đang từng bước thay đổi bộ mặt của chính quyền địa phương, tạo sự thay đổi trong cách người dân tương tác với nhà nước. Những con số ấn tượng như 89 tổ công nghệ số cộng đồng tại Dầu Tiếng, 43 tổ tại Dĩ An hay 56 tổ tại Thuận An, là những minh chứng rõ ràng cho sự phát triển mạnh mẽ của công tác chuyển đổi số ở các địa phương này. |
THỤC VĂN