Chuyển đổi số: Những vấn đề từ thực tiễn

Cập nhật: 02-03-2023 | 08:27:32

Công tác chuyển đổi số (CĐS) của Bình Dương thời gian qua đã có những bước đi cơ bản, vững chắc theo đúng tinh thần nghị quyết của Tỉnh ủy ban hành. Tuy nhiên, nhìn từ thực tế, từng cấp, từng ngành, địa phương phải quyết tâm, nỗ lực hơn nữa để công tác CĐS đi vào thực chất, nhất là trong việc giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) mức độ 3, mức độ 4.

 Tuổi trẻ TP.Dĩ An ra quân tuyên truyền về chuyển đổi số

 Hỗ trợ người dân chuyển đổi số

Trong những ngày cuối tháng 2-2023, chúng tôi đến Trung tâm Phục vụ hành chính công TX.Tân Uyên và quan sát các đoàn viên trong màu áo xanh tình nguyện hỗ trợ tận tình cho người dân để nộp hồ sơ trực tuyến xin giấy phép xây dựng. Trong 30 phút, người dân đã được hỗ trợ tạo tài khoản và nộp hồ sơ thành công trên môi trường mạng. Ở Trung tâm Phục vụ Hành chính công TP.Thủ Dầu Một, Trung tâm Phục vụ hành chính công TP.Dĩ An cũng vậy, các địa phương đã chủ động thành lập các đội, nhóm tuyên truyền và hướng dẫn người dân, tổ chức nộp hồ sơ trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, nhất là khâu scan hồ sơ nộp trực tuyến.

Người dân, tổ chức đánh giá rất cao cách hướng dẫn nộp hồ sơ của các địa phương, nhất là việc hướng dẫn quy trình tạo tài khoản, cách thức nộp hồ sơ trên môi trường mạng đối với các TTHC mức độ 3, mức độ 4. Ông Nguyễn Thành Thái, một người dân ở phường Khánh Bình, TX.Tân Uyên, cho biết: “Tôi đã nghe tuyên truyền nhiều về hồ sơ nộp trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia và của tỉnh. Tuy nhiên, ở nhà làm mãi không được, điện thoại đường dây nóng thì khó thực hiện thao tác của phần mềm nên tôi quyết tâm lên Trung tâm Phục vụ hành chính công TX.Tân Uyên nhờ hỗ trợ phần scan hồ sơ, mọi việc xong nhanh chóng”.

Từ thực tế ghi nhận của phóng viên cho thấy, nhiều địa phương có tổ chức đội, nhóm, tổ cán bộ, tình nguyện viên hướng dẫn người dân, cũng có nhiều địa phương vẫn còn lơ là, chưa quyết tâm khiến người dân chơi vơi, không biết phải bắt đầu từ đâu, tạo khó khăn cho người dân và làm hạn chế quá trình CĐS. Cụ thể là có nhiều trường hợp người dân phải đi lại nhiều lần vì sự chưa đồng bộ trong quá trình CĐS. Ông Nguyễn Thành Long, ngụ phường An Thạnh, TP.Thuận An kể: “Tôi có nộp hồ sơ trực tuyến xin giấy phép xây dựng nhưng bị vướng ở khâu scan hồ sơ. Cụ thể, tôi in bản vẽ xin giấy phép xây dựng bằng giấy A3. Sau đó, đến nộp thì nơi tôi nộp không có máy scan giấy A3. Tôi phải chạy lên TP.Hồ Chí Minh nhờ kỹ sư xây dựng in lại bản vẻ giấy A4 mới xong chuyện, chưa tiện ích lắm!”, ông Long than phiền…

Trong quá trình thực hiện giám sát, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã kiến nghị, hiện đại hóa nền hành chính công và CĐS đòi hỏi phải tập huấn, nâng cao kiến thức và khả năng sử dụng công nghệ thông tin của cán bộ, công chức, viên chức; đồng thời phải bố trí công chức hoặc thuê người có trình độ chuyên môn về công nghệ thông tin ở tất cả các cấp, các ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước nhằm thực hiện nhiệm vụ tin học hóa dữ liệu, xây dựng quy trình, phần mềm ứng dụng và quan trọng nhất là phải bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin. Tuy nhiên, nguồn lực con người thực hiện hiện nay chưa được bảo đảm. Cụ thể, TP.Thủ Dầu Một, TP.Dĩ An, TP.Thuận An… chỉ có một cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin. Tại các phường, xã có nơi bố trí cán bộ công nghệ thông tin, có nơi không có. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến công tác thực hiện CCHC và CĐS ở cơ sở.

Xây dựng đồng bộ các giải pháp

Trước vấn đề CĐS còn nhiều mới mẻ và bất cập, toàn tỉnh đang ra sức khắc phục những khó khăn chung, nhất là khâu đường truyền dữ liệu, đồng bộ hệ thống trên môi trường mạng. Tuy nhiên, nhìn chung công tác CĐS trong lĩnh vực cải cách hành chính (CCHC) vẫn chưa được một số người dân tán thưởng vì thực tế còn nhiều khó khăn, cần sự trợ giúp đắc lực của chính quyền cơ sở.

Ông Nguyễn Văn Dành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết một trong các giải pháp quan trọng nhất của tỉnh hiện nay là xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp từ cấp tỉnh đến cơ sở, đáp ứng thời kỳ hội nhập 4.0. Cụ thể năm 2023, UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch bồi dưỡng cho hàng ngàn lượt cán bộ, công chức nâng cao trình độ chuyên môn về công nghệ thông tin, xử lý hồ sơ trên nền tảng số, xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Từng cán bộ phải chủ động trong cách tiếp cận và giải pháp hành động CĐS.

Theo ông Nguyễn Văn Dành, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương tập trung tuyên truyền về tiện ích của CĐS, TTHC mức độ 3, mức độ 4 và hiệu quả mang lại của việc CĐS. Từng địa phương phải tuyên truyền thường xuyên, liên tục các TTHC đủ điều kiện thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; tuyên truyền, chia sẻ trên mạng xã hội về chủ trương, chính sách chung, cách thức hướng dẫn nộp hồ sơ, giải quyết TTHC trên môi trường mạng.

CĐS là điều tất yếu, khách quan. Do vậy, mỗi cán bộ, đảng viên, người dân, doanh nghiệp hãy chung tay góp sức để công tác CĐS của tỉnh thành công, thực hiện đúng và đầy đủ những thông tin tại cơ sở đã, đang tuyên truyền, vận động. Điều này sẽ góp phần vào thành công của lộ trình CĐS trên địa bàn tỉnh. Song song đó, các cấp ủy cơ sở cần chỉ đạo quyết liệt thực hiện thành công mục tiêu CĐS của tỉnh, nhất là CĐS trong CCHC.

Ông Ngô Tiến Đạt, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Hưng Định, TP.Thuận An:

“Để góp phần vào thành công chung công tác CĐS toàn tỉnh, UBND phường Hưng Định đã xây dựng kế hoạch với yêu cầu tăng cường quán triệt, tuyên truyền, phổ biến, tập huấn CĐS; thực hiện tuyên truyền các ứng dụng OTT, mạng xã hội, phương tiện truyền thông, nhất là tuyên truyền về giải quyết TTHC mức độ 3, mức độ 4 trên môi trường mạng. Đối với những khó khăn ban đầu như đường truyền mạng của hệ thống “một cửa”, Đảng ủy, UBND phường thường xuyên nắm bắt tình hình, động viên cán bộ phụ trách quyết tâm khắc phục khó khăn chung, tích cực giải quyết TTHC mức độ 3, mức độ 4 bảo đảm đúng quy định cho người dân…”.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Chủ tịch UBND phường Lái Thiêu, TP.Thuận An:

“Toàn phường đang huy động các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức tuyên truyền trên hệ thống Đài Truyền thanh của phường, phát các tờ rơi đến từng ngõ hẻm, khu phố. Nội dung tuyên truyền tập trung về tiện ích của CĐS, những TTHC mức độ 3, mức độ 4 và hiệu quả mang lại của việc CĐS. Phường cũng thành lập các trang mạng xã hội, tuyên truyền, chia sẻ trên mạng xã hội hơn 300 tin, bài và các văn bản liên quan đến thực hiện chủ trương, chính sách, cách thức hướng dẫn về CĐS, về giải quyết TTHC trên môi trường mạng…”.

Bà Bồ Thị Minh T rang, công chức Văn phòng thống kê phường Phú Mỹ, TP.Thủ Dầu Một:

“Thời gian gần đây, toàn phường Phú Mỹ đã tăng cường công tác tuyên truyền về CĐS, tuyên truyền các TTHC đủ điều kiện thực hiện trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên trang Fanpage “Phú Mỹ - Tự hào quê hương tôi”, các nhóm Zalo “Phú Mỹ - Toàn dân đoàn kết, đại đoàn kết”... Phường đã phát hơn 10.000 tờ rơi tuyên truyền, hướng dẫn người dân đăng ký tài khoản và nộp hồ sơ trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; đồng thời thường xuyên treo panô, áp phích tuyên truyền về CĐS trên các tuyến đường, ngõ hẻm; tổ chức các đội - nhóm đến từng khu phố, ngõ hẻm tuyên truyền về CĐS…”

 HỒ VĂN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=512
Quay lên trên