Hiện các nội dung, nhiệm vụ chuyển đổi số liên quan ngành y tế rất nhiều nhưng quá trình triển khai thực hiện vẫn còn nhiều chỉ tiêu chưa đạt. Sau 2 năm thực hiện chuyển đổi số, đến nay ngành y tế tỉnh vẫn còn nhiều việc phải làm!
Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương hội chẩn ca mổ qua thiết bị y tế đấu nối với phần mềm bệnh án điện tử
Hồ sơ bệnh án điện tử chỉ đạt mức 5
Thực hiện chuyển đổi số (CĐS) lĩnh vực y tế, 2 năm qua ngành y tế tỉnh đã triển khai nhiều phần việc, phấn đấu đến năm 2025 có 90% người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử và 30% dân số trưởng thành dùng dịch vụ tư vấn sức khỏe trực tuyến, khám chữa bệnh từ xa.
Mục tiêu là vậy nhưng thống kê tại thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh chưa có cơ sở y tế nào triển khai thành công bệnh án điện tử theo quy định. Chỉ có một số cơ sở y tế (phần lớn ngoài công lập) đạt mức 5 hoặc ngấp nghé tiệm cận mức 4 (mức quy định chung bệnh án điện tử) như: Bệnh viện Đa khoa Mỹ Phước, Bệnh viện Quốc tế Becamex, Bệnh viện Hoàn Mỹ, Bệnh viện Phương Chi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Tính đến nay, các cơ sở y tế đã tạo lập được trên 2,4 triệu hồ sơ sức khỏe điện tử. Những dữ liệu này được tạo lập từ giai đoạn trước năm 2022, chưa được xác thực với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Do đó dù toàn tỉnh có 2,4 triệu hồ sơ sức khỏe điện tử nhưng thực tế tỷ lệ dân cư có hồ sơ sức khỏe điện tử cá nhân đã được xác thực định danh mức 2 chỉ khoảng 1,1 triệu hồ sơ, đạt tỉ lệ 37,5% dân số. Sở Y tế đã phối hợp với Trung tâm Thông tin Y tế quốc gia, Bộ Y tế triển khai nền tảng hồ sơ sức khỏe điện tử, phiên bản Version 2.0. Các chức năng đánh giá, tổng hợp phục vụ cho công tác quản lý đang trong giai đoạn kết nối, bổ sung và hoàn thiện dữ liệu.
Bác sĩ Dương Tấn Tài, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương, cho biết quá trình triển khai bệnh án điện tử, bệnh viện đã gặp không ít khó khăn. “Một số thiết bị khám chữa bệnh không có hệ thống đấu nối hoặc không tương thích với phần mềm bệnh án điện tử nên nhân viên y tế buộc phải cập nhật dữ liệu thủ công. Nhiều kết quả chỉ định không thể tải, xem được bằng điện thoại mà buộc phải sử dụng laptop nên rất bất tiện”, bác sĩ Tài cho biết.
Bác sĩ Trung tâm Y tế Thuận An đọc phim chụp cho bệnh nhân
Trong khi đó, tại Bệnh viện Đa khoa Mỹ Phước, toàn bộ kết quả chẩn đoán hình ảnh đều được kết nối, lưu trữ trên hệ thống phần mềm chẩn đoán hình ảnh không in phim. Bác sĩ CKI. Phan Công Lý, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Mỹ Phước, cho biết: “Theo quy định của BHYT phải có phim thì mới được thanh toán các dịch vụ chẩn đoán hình ảnh nên đơn vị vẫn phải tiến hành in phim. Quy trình này không chỉ gây lãng phí mà còn khiến chi phí vận hành gia tăng”.
Còn nhiều khó khăn
Hiện nay, hầu hết các cơ sở y tế không đủ điều kiện và nền tảng để triển khai bệnh án điện tử. Theo đó, cơ sở hạ tầng và phần mềm không đạt yêu cầu quy định; cơ sở pháp lý chưa đủ vững chắc, an toàn để triển khai. Bộ Y tế chưa có kho cơ sở dữ liệu chung cho toàn ngành nên việc tích hợp, liên thông, chia sẻ, khai thác sử dụng dữ liệu y tế còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Nhất là hiện nay, tất cả các nền tảng, cơ sở dữ liệu đều phải được đối sánh, xác thực, liên thông với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư… Đây là những nguyên nhân dẫn đến công tác triển khai bệnh án điện tử trên địa bàn diễn ra chậm.
Chia sẻ về khó khăn của ngành trong quá trình CĐS, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế tỉnh, cho biết các nội dung, nhiệm vụ CĐS liên quan y tế rất nhiều nhưng việc phân bổ, bố trí nguồn lực còn nhiều bất cập, đặc biệt là nhân lực phụ trách lĩnh vực công nghệ thông tin. Mỗi đơn vị y tế chỉ có 1 cán bộ phụ trách công tác ứng dụng công nghệ thông tin, CĐS nhưng lại kiêm nhiệm nhiều việc. “Để triển khai, thực hiện các nhiệm vụ CĐS đạt kết quả cao, ngành kiến nghị cơ quan chức năng ban hành bổ sung cơ chế, chính sách tuyển dụng, đào tạo cán bộ công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước, để các đơn vị có cơ sở bố trí nguồn nhân lực phục vụ tại chỗ” .
KIM HÀ