Chuyển đổi số: Xu thế tất yếu của sự phát triển

Cập nhật: 06-07-2022 | 22:22:16

Sáng qua (6-7), Tỉnh ủy đã tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt để quán triệt các nội dung nghị quyết của Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy về chuyển đổi số (CĐS) tỉnh Bình Dương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Chỉ thị của BTV Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác cải cách hành chính (CCHC) Nhà nước trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì hội nghị.

Toàn cảnh Hội nghị quán triệt các nội dung Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Bình Dương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Ảnh: QUỐC CHIẾN

Chủ động ứng dụng công nghệ

Quán triệt các nội dung cốt lõi của Nghị quyết 05-NQ/TU, ngày 19-5-2022 của BTV Tỉnh ủy về CĐS tỉnh Bình Dương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đồng chí Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh: Thời gian qua, Bình Dương luôn quan tâm thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) rộng rãi, có hiệu quả trong công tác chỉ đạo, điều hành, trong hoạt động của doanh nghiệp (DN) và người dân. Hạ tầng CNTT được đầu tư, kết nối hoàn thiện. Bên cạnh đó, việc xây dựng chính quyền điện tử (CQĐT), cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ cao cho người dân và DN bước đầu mang lại một số kết quả tích cực. Chỉ số xếp hạng ứng dụng CNTT của tỉnh trong 2 năm liền (2019-2020) xếp hạng cao trong 63 tỉnh, thành phố. Năm 2022 Bình Dương lần thứ tư liên tiếp được vinh danh là một trong 21 vùng có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu của thế giới. Việc xây dựng thành phố thông minh, Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương đã được đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 và các chương trình đột phá của tỉnh để định hướng phát triển trong thời gian tới.

Chỉ thị số 22-CT/TU ngày 22-6-2022 của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác CCHC Nhà nước trên địa bàn tỉnh nhấn mạnh đến 5 giải pháp và nhiệm vụ trọng tâm; trong đó tập trung phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện các nhiệm vụ CCHC. Các cấp ủy, tổ chức Đảng, người đứng đầu phải trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về kết quả công tác CCHC của cơ quan, đơn vị, địa phương...

Song song đó, Cổng DVCTT tỉnh Bình Dương đã triển khai được DVCTT mức độ 3, 4, được cung cấp nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động. Hệ thống thông tin “một cửa” điện tử được triển khai dùng chung cho tất cả 19 sở, ngành, 9 UBND cấp huyện và 91 UBND cấp xã. Hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành được triển khai đến các cơ quan Đảng, Nhà nước và các đơn vị, liên thông 4 cấp, có tích hợp ký số trên hệ thống. Nhân lực CNTT trong cơ quan Nhà nước, các cơ quan Đảng, đoàn thể chính trị - xã hội cơ bản được duy trì ổn định qua các năm. Chỉ số và xếp hạng nguồn nhân lực ứng dụng CNTT trong cơ quan Nhà nước của tỉnh trong các năm gần đây luôn nằm trong tốp cao của cả nước. Việc ứng dụng CNTT trong nhân dân, DN có nhiều chuyển biến tích cực…

Nhiệm vụ cấp bách và lâu dài

Đạt được nhiều kết quả tích cực trong việc chủ động ứng dụng CNTT, tuy nhiên nghị quyết của BTV cũng chỉ rõ nhiều hạn chế trong việc ứng dụng CNTT trong nội bộ cơ quan Nhà nước. Việc xây dựng và hình thành dữ liệu dùng chung còn chậm triển khai; công tác chia sẻ, tích hợp chưa được đẩy nhanh; ứng dụng CNTT trong DN và xã hội phát triển chưa đồng bộ, nguồn nhân lực CNTT còn thiếu hụt cả về chất và lượng gây ảnh hưởng đến quá trình CĐS của DN cũng như các cơ quan Nhà nước trên địa bàn.

Xác định CĐS là xu thế tất yếu của sự phát triển, là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội và phát triển bền vững của tỉnh; đồng thời bám sát quan điểm, mục tiêu của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, BTV Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết về CĐS tỉnh Bình Dương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Các đại biểu dự hội nghị cán bộ chủ chốt để quán triệt các nội dung nghị quyết của BTV Tỉnh ủy về CĐS. Ảnh: QUỐC CHIẾN

Theo đó, nghị quyết nhấn mạnh mục tiêu đẩy mạnh CĐS với các trụ cột chính quyền số (CQS), kinh tế số (KTS), công dân số (CDS) và xã hội số (XHS) để làm thay đổi tổng thể và toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền hiệu lực, hiệu quả, minh bạch; thay đổi hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, gia tăng năng suất lao động, tạo động lực tăng trưởng; thay đổi cách sống, làm việc của người dân, thu hẹp khoảng cách phát triển; các ngành, các lĩnh vực trọng điểm thực hiện CĐS theo hướng tối ưu hóa, thông minh hóa, góp phần thực hiện mục tiêu “Bình Dương phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại” như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đã đề ra.

Trong khuôn khổ hội nghị diễn ra vào sáng qua, Tỉnh ủy đã tiến hành thực hiện quy trình về công tác quy hoạch cán bộ và công bố quyết định về việc thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Bình Dương. Theo quyết định của Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo gồm 14 đồng chí; đồng chí Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh làm Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh.

Nghị quyết xác định các mục tiêu cụ thể đến năm 2025 về phát triển CQS, phát triển KTS, phát triển XHS và xác định các mục tiêu cụ thể đến năm 2030 đối với các trụ cột trên. Để thực hiện mục tiêu đề ra, nghị quyết đã xác định 10 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu đó là: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền trong việc CĐS, xây dựng CQS; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về CĐS; xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, hợp tác thúc đẩy CĐS; phát triển nguồn nhân lực; đầu tư phát triển hạ tầng số đáp ứng yêu cầu CĐS; phát triển dữ liệu, ứng dụng nền tảng số dùng chung và bảo đảm an toàn, an ninh thông tin; xây dựng CQS và đô thị thông minh; phát triển KTS, CDS, XHS...

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Lợi nhấn mạnh, mục đích của CĐS là cải cách thủ tục hành chính, để xây dựng CQĐT, xây dựng đô thị thông minh. Đối tượng phục vụ là người dân và DN làm trung tâm nhằm tạo thuận lợi cho người dân và DN làm các thủ tục, các quan hệ giao dịch xã hội, dân sự, kinh tế... để giảm chi phí, thời gian, công sức tiền bạc, đi đến công khai minh bạch, giảm tiêu cực, xử lý những vấn đề phản ảnh dư luận xã hội thông qua không gian mạng.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị, trước mắt từ tháng 9-2022 cần thực hiện ngay “5 không”, đó là: Làm việc không giấy, văn phòng không giấy; làm thủ tục không cần đến cơ quan công quyền; không dùng tiền mặt; không nhũng nhiễu và không trễ hẹn. Về những công việc sắp tới, đồng chí Nguyễn Văn Lợi cũng yêu cầu xây dựng chương trình thứ tự ưu tiên để đầu tư ngân sách và nguồn nhân lực cho CĐS. Các cấp, các ngành và người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước ngành mình, cấp mình và rà soát lại nội dung nào đã thực hiện rồi, đang thực hiện thì phải hoàn thiện dần, nội dung nào chưa thực hiện thì phải khẩn trương thực hiện. Cải cách thủ tục hành chính, xây dựng CQĐT phải từ trên xuống. Những gì người dân, DN quan tâm thì phải làm trước. Các TP.Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An phải đi đầu trong CĐS, xây dựng CQĐT, cải cách thủ tục hành chính.

“Trong thời gian tới, từng cấp ủy Đảng, các đồng chí đứng đầu từng ngành, từng cấp phải xác định CĐS, cải cách thủ tục hành chính là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên để phục vụ người dân và DN tốt hơn; làm cho địa phương tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa...”, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh.

MỘT SỐ MỤC TIÊU ĐẾN NĂM 2025
* Về CQS: 100% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, cấp huyện và xã được xử lý trên môi trường mạng.
* Về phát triển KTS: KTS chiếm 20% GRDP.
* Về phát triển XHS: Tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt 80%.
* Tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch thanh toán tại ngân hàng hoặc tổ chức được phép khác đạt 80%.
* Hạ tầng mạng internet băng rộng cáp quang, 5G phủ trên 95% hộ gia đình, 100% xã, phường, thị trấn…

TRÍ DŨNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1095
Quay lên trên