Những trận lũ đi qua để lại hậu quả nặng nề cho người dân miền Trung gánh chịu. Trong đợt lũ cuối tháng 10 đầu tháng 11 vừa qua, người dân ở các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận bị thiệt hại nặng nề, có những mất mát mà không bao giờ khắc phục được!
Đoàn cứu trợ của Bình Dương đến với người dân vùng lũ Ninh Thuận
Đau thương bên dòng sông Cái
Ủng hộ tiền và quà trị giá hơn 1 tỷ đồng cho Khánh Hòa và Ninh Thuận
Trong đợt đi cứu trợ đồng bào miền Trung bị lũ lụt ở 2 tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận, Đoàn công tác cứu trợ của Bình Dương do Ủy ban MTTQVN tỉnh chủ trì đã trao 2.000 phần quà trị giá 1 tỷ đồng cho các hộ dân bị thiệt hại nặng trong lũ. Ngoài ra, đoàn còn trao số tiền 3 triệu đồng/gia đình có người chết, 2 triệu đồng cho người bị thương nặng ở 2 tỉnh. Đồng thời trao 2,5 tấn hàng hóa gồm gạo, đường, bột ngọt, dầu ăn, quần áo... cho người dân ở tỉnh Ninh Thuận. Đây là số tiền, hàng hóa do cộng đồng các doanh nghiệp và nhân dân Bình Dương quyên góp được. Bà Đào Ngọc Nữ, Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh cho biết sẽ tiếp tục tổ chức các đoàn đi cứu trợ nhằm trao tận tay người dân miền Trung những món quà của nhân dân Bình Dương đóng góp, ủng hộ.
Trong chuyến đi cứu trợ đồng bào bị lũ lụt ở 2 tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận mới đây, chúng tôi đã đến thăm một số gia đình có người thân bị chết trong lũ. Mỗi gia đình là mỗi hoàn cảnh khác nhau và có những cái chết cũng rất hy hữu. Bà Lê Thị Khanh (56 tuổi, xã Phước Thiện, huyện Ninh Phước, Ninh Thuận) có chồng là ông Phạm Kính (56 tuổi) bị lũ cuốn chết. Chúng tôi đến thăm nhà bà Khanh vào đúng dịp bà cúng hương hồn chồng sau 21 ngày. Con đường trước nhà bà đã được đổ bê tông nối thông với những tuyến đường khác. Thế nhưng bà Khanh ngậm ngùi kể lại cái chết của chồng bà cũng chính trên con đường này, đó chính là cái ngày nước lũ cuồn cuộn đổ về, dâng lên gần ngập mái nhà. Ông Kính dắt con bò đi tránh lũ, nào ngờ ông Kính bị nước lũ cuốn đi, còn con bò thì bơi được vào bờ. Có người hàng xóm đã nhìn thấy ông Kính bị lũ cuốn, nhưng tiếc thay, người này lại bị cụt chân, không thể cứu vớt được.
Khi kể về cái chết của cha mình, anh Nguyễn Văn Tâm (36 tuổi, xã Vĩnh Ngọc, TP. Nha Trang, Khánh Hòa) không cầm nổi những giọt nước mắt, anh nói: “Không còn đau đớn nào bằng khi tôi nhìn thấy cha bị lũ cuốn đi mà cả hai anh em tôi đành bất lực”. Tiếp xúc với chúng tôi, anh Tâm nhớ rất rõ cái ngày định mệnh đó, anh cùng với người em là Nguyễn Văn Thảo và cha là ông Nguyễn Văn Quế (57 tuổi) cùng đi trên chiếc đò vượt sông Cái để mang gạo đến cho gia đình người chị ở bên kia sông đang bị lũ cô lập. Khi đò đi đến giữa sông thì mưa to, gió lớn đã thổi lật thuyền. Nước lũ cuồn cuộn cuốn cả 3 người và nhấn chìm con đò. Anh Tâm và anh Thảo cố nắm lấy tay cha để cho nước khỏi cuốn đi và dìu vào bờ. Thế nhưng, mưa càng lớn, nước lũ càng cuồn cuộn, trong cái tình thế “thập tử, nhất sinh” đó, ông lão đành nhường sự sống lại cho 2 đứa con. Anh Tâm kể: “Lúc đó chỉ còn có mình tôi nắm được cánh tay, nhưng ông cụ nhất quyết buông ra và thúc giục hai chúng tôi bơi vào bờ. Lúc này tôi cũng đã đuối sức và không còn biết cha tôi bị nước cuốn đi lúc nào nữa”. 4 ngày sau, xác ông Quế được người dân tìm thấy ở hạ lưu sông Cái, cách nơi bị nạn chừng vài cây số.
Mất trắng sau lũ
Người dân bị ảnh hưởng lũ thuộc 2 tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận chủ yếu là những người nuôi trồng thủy sản. Trong đỉnh lũ, nơi ngập sâu nhất lên đến 2m nước, toàn bộ tôm, muối của người dân bị cuốn trôi hoàn toàn. Nhà anh Nguyễn Bình (thôn 1, xã Phương Hải, huyện Ninh Hải, Ninh Thuận) bị đổ sập hoàn toàn sau lũ. Hôm chúng tôi đến xã Phương Hải, anh Bình than thở: “Nhà có 4 đứa con, giờ thì nhà sập, tôm bị lũ cuốn, lại còn nợ ngân hàng nữa, biết lấy gì để mà sống”. Có thể nói, những trường hợp bị mất mát, thiệt hại như anh Bình là rất nhiều. Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Ngọc Điền - Phó Chủ tịch UBMTTQVN huyện Ninh Hải (Ninh Thuận) nói: “Cho đến bây giờ, người dân xã Phước Hải vẫn được gọi là dân “ốc, củi” vì là vùng ven biển và có núi nên cuộc sống của họ chủ yếu là hái củi và bắt ốc, mới đầu tư vào sản xuất được vài vụ thì bị lũ lụt cuốn trắng tay”. Cũng theo ông Điền, cái khó khăn nhất của người dân vùng lũ bây giờ là thiếu vốn để khôi phục sản xuất vì hầu hết đìa tôm, lồng cá đều bị lũ đánh hư hỏng, sạt lở nặng.
Tại thành phố Nha Trang, 4 xã, phường mà chúng tôi đã từng được đi qua là những nơi bị thiệt hại nặng nề nhất. Ngoài việc người dân bị sập nhà, tốc mái và ngập lụt bị hư hỏng tài sản thì những hộ nuôi tôm, nuôi cá ở vùng ven biển gần như bị mất trắng hoàn toàn. Theo ông Đào Thanh Tùng, Trưởng phòng Kinh tế, thành phố Nha Trang (Khánh Hòa) cho biết toàn thành phố đã có hơn 200 ha nuôi tôm thẻ chân trắng của người dân đã bị ngập, mất trắng. Một số lồng bè trên vịnh Nha Trang và khu vực Hòn Rớ, xã Phước Đồng do mưa lớn đã làm ngọt hóa nên tôm hùm và cá bị chết rất nhiều, một số hộ nuôi ốc hương cũng bị thiệt hại nặng.
Vẫn chưa hết lo!
Trước hết là lo cái ăn, cái mặc, sau đó là lo công ăn việc làm trong những ngày sắp tới. Đó là tâm sự của chị Phạm Thị Thanh Dung (32 tuổi, xã Phương Hải, Ninh Hải, Ninh Thuận). Nhà chị Dung không có ruộng để trồng lúa và hoa màu, chỉ có ruộng để làm muối. Nước lũ về, ruộng muối đỏ quạch phù sa, các bờ ngăn đều bị hư hỏng, chị Dung cho biết nếu khôi phục sản xuất bây giờ cũng rất khó vì nước còn ngập cao và phải đầu tư nhiều công sức và vốn liếng. Ngoài lo cái ăn, cái mặc là nỗi lo dịch bệnh. Chị Phạm Thị Nhàn (xã Phương Hải, Ninh Hải, Ninh Thuận) lo ngại: “Sau lũ, các bệnh tiêu chảy có nguy cơ bùng phát cao do môi trường và nguồn thức ăn, nước uống bị ô nhiễm, nặng. Người dân chủ yếu là dùng nước sông, suối, ao, hồ để sinh hoạt. Nếu trời mưa thì mới hứng được nước mưa để sử dụng”.
Khác với ở Ninh Thuận, một số người dân ở các xã thuộc thành phố Nha Trang từ sau đợt lũ lại nơm nớp lo sợ bởi nạn sạt lở đất đá từ trên núi xuống. Trong mưa lũ, thành phố Nha Trang có 7 điểm bị sạt lở núi, tuy không ảnh hưởng đến nhà dân và không có thiệt hại về người, nhưng ảnh hưởng đến giao thông là rất nghiêm trọng. Tại các núi ở thành phố Nha Trang như: núi Cô Tiên, núi Sạn, đồi La San... đều bị sạt lở nặng, thế nhưng sau lũ rồi người dân vẫn còn lo vì những mảng đất đá hoặc những phiến đá to có thể rơi xuống bất kỳ lúc nào. Núi Hòn Thơm, xã Vĩnh Ngọc (TP. Nha Trang) là điểm bị sạt lở khá nặng, khoảng hơn 300m với hàng trăm khối đất đá đổ xuống. Chị Trần Thị Tuyến (xã Vĩnh Ngọc, TP. Nha Trang) nói: “Mặc dù đã qua đợt lở núi lần trước nhưng chúng tôi vẫn còn rất sợ, nhất là trong những lúc đi làm đồng, hay đi ngang những nơi đã bị lở. Nếu có một đợt mưa lớn, tôi tin chắc những khối đất đá tiếp tục lại đổ xuống từ trên núi”.
ĐỖ TRƯỜNG