Nhìn lại tổng thể kỳ thi THPT quốc gia, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng còn rất nhiều hạn chế và không nên tiếp tục thực hiện với mục đích vừa xét tốt nghiệp, vừa xét tuyển vào đại học, cao đẳng.
GS Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam (bên phải) bày tỏ mong muốn tách kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học vì là hai hình thức kiểm tra trình độ khác nhau.
Tại hội thảo thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng do Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng tổ chức ngày 28-10, TS Võ Thế Quân, Hiệu trưởng trường THPT Đông Đô (Hà Nội) cho rằng, xét về chuyên môn kỳ thi THPT quốc gia vừa qua còn nhiều bất cập.
Việc tổ chức kỳ thi để vừa xét tốt nghiệp, vừa xét tuyển sinh đại học, cao đẳng là ý tưởng sai lầm vì mục đích của 2 kỳ thi khác nhau. Khi tổ chức thi đã điều lực lượng một cách không hợp lý là các trường đại học phải lo việc tốt nghiệp cho các Sở Giáo dục. Cấu trúc đề thi không hợp lý (60% cho xét tốt nghiệp, 40% nâng cao) nên đánh giá học sinh không chính xác, chất lượng xét đầu vào đại học giảm. Việc cho phép tự chọn một số môn thi khiến học sinh học lệch...
TS Quân cho rằng, cần tách tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học thành 2 việc độc lập. Trong đó, tốt nghiệp giao cho địa phương tổ chức, Bộ Giáo dục chỉ ban hành quy chế, thanh tra, quản lý và ra đề thi chỉ đến 2020. Sau đó, việc tuyển sinh đại học sẽ do các trường tự chủ, Bộ chỉ bộ ban hành quy chế, quản lý chỉ tiêu tuyển sinh và thanh kiểm tra.
GS Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, cũng bày tỏ mong muốn tách kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học vì là hai hình thức kiểm tra trình độ khác nhau. Với thi tốt nghiệp THPT, có thể điều chỉnh một số điều như mục đích là "thi để đạt chứ không phải để tuyển", do đó có thể tổ chức thành nhiều đợt trong năm để giảm áp lực. Về nguyên tắc, học sinh sẽ phải thi hầu hết môn học chứ không theo kiểu 3 môn bắt buộc, một môn tự chọn dẫn đến học lệch như vừa qua.
"Nên giao cho các Sở tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT. Chúng ta cũng không quan tâm lắm tỷ lệ cao hay thấp. Kỳ thi tuyển sinh đại học nên giao cho các trường chủ trì, phía Bộ Giáo dục xây dựng nguyên tắc, quy chế", GS Quân nói.
PGS Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Lương Thế Vinh (Hà Nội), bày tỏ "hoang mang" khi Bộ Giáo dục đánh giá kỳ thi quốc gia 2015 "là chuyện nhỏ", nhưng thực tế đã huy động toàn bộ sức lực của ngành mà vẫn không ổn. Có 3 điểm lớn không đạt được của kỳ thi là: giảm căng thẳng, giảm tài chính, đánh giá đúng năng lực thí sinh. Nguyên nhân là Bộ ôm đồm toàn bộ công việc mà đáng lý phải phân công cho các cấp và tin tưởng người thực hiện.
Thầy Cương lần nữa khẳng định, không có cách gì để một kỳ thi vừa đảm bảo đạt 2 mục đích xét tốt nghiệp và đánh giá năng lực học sinh để xét tuyển đại học. Ông đề xuất tách 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, trong đó thi tốt nghiệp thực hiện rất gọn nhẹ, xem như thi của học kỳ 2. Việc 99% hay 100% học sinh đỗ cũng không có vấn đề gì. Tuy nhiên, tuyển sinh đại học phải làm chặt chẽ, giao cho các trường tự chủ, tự lựa chọn mô hình phù hợp.
GS Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) tán đồng giao các Sở Giáo dục phụ trách việc thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đại học để các trường tự chủ. GS Thiệp và GS Trần Phương, Hiệu trưởng Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đều đề xuất rằng, tuyển sinh đại học không cần có điểm sàn. "Điểm sàn còn có hại. Hàng năm có mấy nghìn học sinh của Việt Nam ra nước ngoài học vì không đủ điểm sàn. Trong khi đó các đại học trong nước thì thiếu sinh viên", ông Phương cho hay.
Chia sẻ về kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, Cục trưởng Khảo thí và Kiểm định chất lượng Mai Văn Trinh cho rằng, nói "2 trong 1" là không phản ánh đúng bản chất của kỳ thi. Bản chất là hết 12 năm học phải có cái thang để xem học sinh đứng ở đâu. Từ thang đó có 2 mục đích tốt nghiệp và làm căn cứ tuyển sinh. Do đó đây không phải kỳ thi tốt nghiệp và không phải kỳ thi tuyển sinh nên không là "2 trong 1".
Ông Trinh và Thứ trưởng Giáo dục Phạm Mạnh Hùng cùng khẳng định, Bộ Giáo dục đã giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường và không ép buộc phải lấy kết quả chung của Bộ. Tuy nhiên, nhiều trường còn chưa sẵn sàng và chưa đủ năng lực thực hiện. "Tôi từng làm quản lý một trường đại học, được giao tự chủ thì rất mừng nhưng cũng rất lo vì phải có năng lực. Đây là việc mà các trường đều phải rất cân nhắc", ông Hùng nói và cho biết, sẽ ghi nhận ý kiến đóng góp của các đại biểu.
Năm 2015, lần đầu tiên Bộ Giáo dục tổ chức kỳ thi THPT quốc gia với hai mục tiêu xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học, cao đẳng. Kỳ thi diễn ra từ ngày 1 đến 4-7 được đánh giá là suôn sẻ, nhưng đến giai đoạn xét tuyển vào đại học, cao đẳng lại có nhiều bất cập.
Theo quy định, có 4 đợt xét tuyển, trong đó đợt 1 kéo dài 20 ngày Bộ cho phép thí sinh được nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển cùng lúc 4 nguyện vọng và được phép rút hồ sơ nếu thấy cơ hội đỗ không cao. Cứ 3 ngày một lần các trường phải công khai danh sách thí sinh đăng ký. Hệ quả là vào những ngày cuối cùng của đợt 1, tại nhiều trường tốp trên đã xảy ra hỗn loạn, thí sinh chen lấn để nộp - rút hồ sơ.
Bộ trưởng Giáo dục Phạm Vũ Luận sau đó đã phải lên tiếng nhận trách nhiệm về những bất cập trong khâu xét tuyển đại học, cao đẳng.
Theo VNE