Chuyên gia khuyến cáo châu Á tìm động lực tăng trưởng mới

Cập nhật: 07-05-2011 | 00:00:00

Châu Á cần tăng đầu tư cho cơ sở hạ tầng; tăng cường khả năng tiếp cận tài chính và củng cố các mạng lưới an sinh xã hội; hướng nhiều hơn đến tiêu dùng nội địa và có thêm nhiều các chính sách khuyến khích giao dịch thương mại trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương (TBD). Đây là những nội dung chính của hội thảo với chủ đề: “Nuôi dưỡng những động lực mới cho tăng trưởng” được ADB IMF phối hợp tổ chức ngày 6-5, trong khuôn khổ Hội nghị thường niên lần thứ 44 của ADB.

 An sinh xã hội, tiêu dùng nội địa và thương mại nội khối, đầu tư cơ sở hạ tầng là những khuyến cáo nổi bật của các chuyên gia kinh tế với các nền kinh tế đang phát triển châu Á.  Cần tăng cường đầu tư cho cơ sở hạ tầng

Đây là vấn đề được tất cả các diễn giả tham gia hội thảo trên hoàn toàn nhất trí.

Kinh nghiệm của các nước đã phát triển cho thấy, cơ sở hạ tầng (CSHT) tốt là điều kiện tiên quyết cho phát triển bền vững và lâu dài. Vì vậy việc tập trung cho phát triển CSHT - cả hạ tầng cứng (cầu cảng, đường sá, sân bay…) và hạ tầng mềm (dịch vụ, hậu cần, giáo dục, xã hội…) tại các nền kinh tế đang phát triển là rất quan trọng. 'Chúng ta đã thấy vấn đề phát triển CSHT là rất quan trọng, nhưng bằng cách nào? Theo tôi bên cạnh vai trò của khu vực công, chúng ta nên có cơ chế khuyến khích khu vực tư nhân tham gia' - ông Anoop Singh, Vụ trưởng Vụ châu Á-Thái Bình Dương của IMF gợi ý.

Ông Changyong Rhee - Chuyên gia kinh tế trưởng của ADB cũng cho rằng: 'Tham gia của khu vực tư nhân, nhất là hoạt động hợp tác đối tác công - tư (PPP) chưa được tốt lắm và cần được thúc đẩy hơn nữa trong thời gian tới'.

Còn ông Gerard Lyons, Chuyên gia kinh tế trưởng, kiêm Trưởng nhóm nghiên cứu toàn cầu tại Standard Chartered lại lưu ý rằng, mặc dù việc phát triển CSHT đã được nhiều nước châu Á trú trọng, tuy nhiên ông vẫn cho rằng: 'Dường như sự tập trung đang chủ yếu được dành cho phát triển hạ tầng cứng. Chúng ta cần đầu tư cả cho phát triển hạ tầng mềm… Nên có cái nhìn cân bằng về đầu tư của khu vực công và khu vực tư nhân trong phát triển CSHT, không nên nhìn theo cách là chỉ có đầu tư theo hình thức này mới tốt, còn hình thức khác thì không' - ông Gerard Lyons đề xuất.

Hướng nhiều hơn đến tiêu dùng nội địa

Theo các diễn giả, nhiều nền kinh tế tại khu vực tăng trưởng trong những năm qua dựa chủ yếu vào xuất khẩu sang các nền kinh tế phát triển. Tuy nhiên trong những năm trở lại đây, đặc biệt kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu cuối năm 2008, các điểm yếu của sự phụ thuộc này đã bộc lộ rõ nét cho thấy sự tăng trưởng phải dựa nhiều hơn vào tiêu dùng nội địa và giao thương nội khối. 'Các nước đang phát triển ở châu Á cần điều chỉnh mô hình phát triển dựa nhiều vào xuất khẩu của mình và tìm kiếm những động lực tăng trưởng mới nếu muốn duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ đã đạt được trong những thập kỷ gần đây' - Chủ tịch ADB Haruhiko Kuroda khuyến nghị.

Nhất trí với quan điểm trên, ông Naoyuki Shinohara, Phó Giám đốc Điều hành IMF khẳng định: 'Những thành tựu kinh tế ngoạn mục của châu Á trong những thập kỷ gần đây chủ yếu bắt nguồn từ các hoạt động sản xuất hàng xuất khẩu cho các nền kinh tế phát triển. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, sự tăng trưởng chậm của các nền kinh tế G7 đã nhấn mạnh đến nhu cầu của khu vực châu Á là phải phát triển các thị trường trong nước và khuyến khích giao dịch thương mại nội vùng'. Một đại diện khác của IMF là ông Anoop Singh cũng cho rằng, tuy mức tiết kiệm ở các nước trong khu vực là khác nhau nhưng nhìn chung mức tiết kiệm trong khu vực là khá cao. Vì vậy cần có cách chính sách khuyến khích tiêu dùng nhiều hơn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Củng cố các mạng lưới an sinh xã hội

Theo ông Shinohara, tăng trưởng ở khu vực châu Á cần phải tạo ra đủ công ăn việc làm trong khu vực tư nhân nhằm thu hút lực lượng lao động thất nghiệp đang gia tăng nhanh chóng về số lượng. 'Tăng trưởng ở khu vực này cũng cần phải thúc đẩy sự công bằng trong tiếp cận với cơ hội kinh tế cho mọi người dân nhằm hỗ trợ họ nhận thức được giá trị tiềm năng của mình, cũng như cung cấp an sinh xã hội cho đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội” - ông Shinohara nói.

Trong những năm qua, các nước châu Á đã dành nhiều sự quan tâm cho việc phát triển các mạng lưới an sinh xã hội. Điều này rất quan trọng và cần thiết, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu chưa thực sự thoát ra khỏi khủng hoảng và suy thoái một cách bền vững, khiến tình trạng mất việc làm tiếp tục gia tăng và tỷ lệ thất nghiệp ở hầu hết các quốc gia vẫn đứng ở mức cao. Trong khi đó, giá lương thực, dầu mỏ tăng cao khiến áp lực lạm phát ngày càng lớn, tác động đến đời sống của người dân, đặc biệt là người dân nghèo ở các nước đang phát triển.

'Trong một vài năm trở lại đây, tôi thấy nhiều nước trong khu vực như Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ… đã tăng cường củng cố các mạng lưới an sinh xã hội. Đây là những dấu hiệu rất tích cực giúp cho tăng trưởng bền vững hơn' - ông Anoop Singh nhìn nhận. Tuy nhiên, hầu hết các học giả cũng cho rằng, việc xây dựng và củng cố các mạng lưới an sinh xã hội là những hoạt động mang tính thường xuyên, lâu dài và cần được các nước trong khu vực thúc đẩy hơn nữa. Có như vậy thì quá trình tăng trưởng kinh tế mới bền vững và những hệ lụy của tăng trưởng như khoảng cách giàu - nghèo, bất bình đẳng xã hội… mới được giảm bớt.

Theo Nhân Dân

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=334
Quay lên trên