Chuyên gia: Nếu chủ quan, nguy cơ dịch bùng phát trở lại là hiện hữu

Cập nhật: 22-11-2021 | 16:28:34

Điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bộ Y tế nhận định đến nay, dịch COVID-19 cơ bản đã được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc, tuy nhiên dịch có xu hướng tăng trở lại trong những ngày gần đây. Tại một số tỉnh phía Nam, mầm bệnh đã có sẵn trong cộng đồng dẫn tới nhiều khó khăn trong việc khống chế nhanh các ổ dịch.

Giáo sư Nguyễn Văn Kính - nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam cho hay hiện cả nước tuy đã khống chế được dịch nhưng nguy cơ vẫn còn đó. Tâm chấn của dịch COVID-19 đang quay lại châu Âu và sau đó có thể đến các quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam.

5K + tiêm vaccine: “Chìa khóa” phòng bệnh

Gần đây, có thông tin 86% bệnh nhân nhập các bệnh viện điều trị COVID-19 tầng 2 tại Thành phố Hồ Chí Minh đã tiêm ít nhất một mũi vaccine và có 17 trường hợp tử vong dù đã tiêm đủ 2 mũi (thống kê trong hai ngày 10-11/11) được ngành y tế Thành phố Hồ Chí Minh công bố khiến nhiều người dân tỏ ra lo lắng.

Đề cập đến lo ngại trên, Giáo sư Nguyễn Văn Kính cho biết dịch COVID-19 đã tràn ra khắp 223 quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn cầu, với hơn 253 triệu người mắc, trên 5 triệu ca tử vong.

Hiện nay, Việt Nam đã ghi nhận nhiều biến thể virus COVID-19 mới. Trước đây, virus COVID-19 lây qua tiếp xúc gần do các giọt bắn nước bọt hoặc do tiếp xúc với dịch cơ thể. Tuy nhiên, các chủng virus mới như chủng Delta có thể lây nhiễm qua đường không khí.

Giáo sư Nguyễn Văn Kính nhấn mạnh nếu chu kỳ lây nhiễm của chủng virus Vũ Hán là từ 7-14 ngày thì chủng Delta chỉ có 2 ngày. Như vậy, cùng một lúc trong cộng đồng có thể có nhiều người nhiễm hơn. Vì vậy, dịch COVID-19 thường bùng phát tại các khu công nghiệp hay những gia đình đông người có không gian sống chật, các hẻm, ngõ nhỏ của Thành phố Hồ Chí Minh. Nhiều căn hộ chỉ có diện tích từ 9-10 m2 nhưng có tới 4-5 người sinh sống khiến tốc độ lây truyền bệnh tăng mạnh.

Theo giáo sư Kính, tỷ lệ bảo vệ của vaccine đối với COVID-19 không phải là 100%. Người tiêm vaccine vẫn mắc chủng mới bình thường, tuy nhiên tỷ lệ diễn biến nặng và tử vong có thấp hơn. Song nếu những người đã tiêm vaccine phòng COVID-19 khi mắc bệnh có chỉ số CT-Value ở ngưỡng trên 30 thì không có khả năng lây nhiễm cho người khác (Chỉ số CT>=30 trong tiêu chuẩn xuất viện tức là người đó đã có tải lượng virus rất thấp, khó lây).  Đó là những lợi ích của việc tiêm phòng vaccine mang lại.

“Còn nhiều trường hợp đã tiêm vaccine nhưng có các bệnh lý nền, khi mắc thêm bệnh COVID-19 họ có thể tử vong do bệnh lý nền chưa được kiểm soát tốt, chẳng hạn như những người mắc bệnh tim mạch, tiểu đường…” giáo sư Kính nhấn mạnh.

Vì vậy, để giữ vững thành quả đã đạt được trong phòng chống dịch bệnh COVID-19, mọi người dân vẫn cần thực hiện nghiêm 5K + tiêm vaccine và điều trị hiệu quả cần thực hiện tổng thể, không riêng lẻ là giải pháp trong tình hình hiện nay.

Giáo sư Nguyễn Văn Kính - nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Giáo sư Kính nhấn mạnh: “Điều cần lưu ý là tiêm vaccine có lợi ích là giảm nguy cơ tử vong, nhưng không giảm được mắc và lây nhiễm. Quan trọng nhất là phát hiện sớm ca bệnh. Khi dịch vẫn ở cấp độ 1,2,3 thì vẫn nên duy trì điều trị tập trung, thay vì cách ly F0 tại nhà, như thế mới cắt đứt được nguồn lây nhanh nhất.”

Theo thống kê của Bộ Y tế, đến nay đã tiếp nhận và phân bổ 93 đợt vaccine phòng COVID-19, với tổng số 134.919.895 liều vaccine phòng COVID-19. Tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vaccine là 90% và tỷ lệ tiêm đủ 2 liều là 57% dân số từ 18 tuổi trở lên.

Nỗi lo điểm lửa sẽ làm cháy cả cánh rừng lớn

Đến nay, tình hình dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, số ca mắc cộng đồng đang có xu hướng gia tăng ở nhiều địa phương trên cả nước (trong tuần số mắc cộng đồng tăng tại 35 tỉnh, thành phố) do mầm bệnh đã tồn tại trong cộng đồng, nhiều ca bệnh không có triệu chứng, không rõ nguồn lây và có liên quan đến người trở về từ vùng dịch. Các ổ dịch tập trung tại các địa bàn tập trung dân cư, lây nhiễm thứ phát ngoài cộng đồng, nhất là tại các địa phương có mật độ dân cư cao, giao thương, đi lại lớn.

"Tổ chức Y tế Thế giới đang cảnh báo châu Âu sẽ có một đợt sóng mới. Như vậy, tâm chấn của dịch sẽ quay lại châu Âu. Về nguyên tắc, khi châu Âu bùng nổ thì sau 1-2 tháng dịch sẽ bùng lên tại châu Á, trong đó có Việt Nam," Giáo sư Kính phân tích.

Tại Việt Nam, dịch lan tràn rất nhanh trong đợt bùng phát lần thứ 4. Đến nay, cả nước đã ghi nhận hơn một triệu ca trong đợt dịch lần thứ 4 này, với hơn 23.000 ca tử vong. "Đây là điều không ai lường trước được trong bối cảnh dịch ào qua như cơn đại hồng thủy, đặc biệt là tại Thành phố Hồ Chí Minh và 19 tỉnh phía Nam," Giáo sư Kính cho hay.

Điều đáng nói là sau khi Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam mở cửa đã kéo theo "làn sóng" người dân về quê và theo đó rất nhiều người đã mang mầm bệnh về và trở thành các "điểm lửa" ở địa phương.

"Nếu chúng ta không khống chế tốt thì những điểm lửa này sẽ làm cháy cả cánh rừng lớn. Chúng ta đang phải chuẩn bị cho một chiến lược để ngăn chặn việc bùng phát của dịch trong đợt mới này trên diện rất rộng, với kịch bản toàn quốc 63 tỉnh, thành đều có ca mắc,” giáo sư Kính bày tỏ lo ngại.

Vì vậy, thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ, các địa phương sẽ phân cấp để cách ly có hiệu quả hơn, cách ly ổ dịch (một nhà, một đoạn đường) thay vì cả xã, huyện. Có 3 tiêu chí để thực hiện là tỷ lệ người nhiễm trên 100.000 dân trong một tuần, tỷ lệ bao phủ vaccine và chuẩn bị của cơ sở y tế cho việc tiếp nhận, điều trị các ca bệnh.

Theo ông Kính, nguyên tắc chống dịch ứng dụng trong xây dựng chiến lược vẫn phải là ngăn chặn, phát hiện sớm, tổ chức cách lý hiệu quả, điều trị hiệu quả và kết hợp tạo miễn dịch cộng đồng bằng vaccine./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên