Kinh tế tỉnh nhà phát triển, kéo theo một bộ phận người dân cũng giàu lên nhanh chóng. Không ít người sinh sống và làm việc tại Bình Dương có đủ khả năng để mua cho mình một chiếc ô tô để làm phương tiện. Nhưng xung quanh câu chuyện văn hóa ứng xử của chủ nhân chiếc ô tô còn nhiều việc phải bàn.
Ở đây, Sáu Thời Sự muốn nói nỗi ám ảnh của nhiều phụ huynh học sinh đưa rước con vào giờ tan học và gặp “sự cố” từ những chiếc ô tô. Dễ dàng nhận thấy giờ tan trường chen chúc trong những chiếc xe máy là những chiếc ô tô có giá trị. Có người ứng xử rất văn hóa, họ đậu xe cách cổng trường cả trăm mét, đi bộ vào trường đón con. Nhưng không ít chủ nhân của các xe ô tô hạng sang ứng xử hết sức... không bình thường.
Thay vì đậu xe ô tô cách thật xa cổng trường, họ lại ngang nhiên đỗ trước cổng trường, khiến cho tình trạng kẹt xe cục bộ xảy ra thường xuyên. Giờ cao điểm trước cổng trường thường có cả trăm xe máy, lại lọt một hai ông ô tô đậu chình ình... thế là kẹt xe.
Có lần Sáu Thời Sự đi đón cháu tại một trường mẫu giáo, Sáu Thời Sự cũng bất bình không kém. Dòng người tấp nập đang ra vào đón con em, đột nhiên có một ông chạy ô tô xông thẳng vào trường. Bà con một phen hú vía. Anh bảo vệ ba chân bốn cẳng chạy ra chặn đầu xe lại, đám đông la ó dữ dội. Bởi nếu để ông này chạy thẳng vào trường mẫu giáo rất nguy hiểm cho mấy cháu.
Thấy đám đông phản đối dữ dội, chủ nhân ô tô mới hạ kính xuống, thò cái đầu ra ngoài để xin lỗi mọi người. Tuy vậy, có không ít người nóng tính buông những lời khiếm nhã... cũng may không có sự cố ẩu đả xảy ra.
Buổi chiều tan ca, trùng với thời điểm tan học của các em học sinh. Xe cộ chen chúc nhau, một sự cố nhỏ sẽ gây nguy hiểm cho chính bản thân mình và mọi người xung quanh. Rất mong phụ huynh học sinh có ô tô hãy ứng xử có văn hóa và trách nhiệm với mọi người xung quanh.
SÁU THỜI SỰ