Chuyển hướng thu hút, phát triển sản xuất xanh

Cập nhật: 29-03-2023 | 08:31:18

Với hơn 3 tỷ đô la Mỹ vốn đầu tư nước ngoài (FDI), Bình Dương trở thành điểm sáng về thu hút vốn FDI trong năm 2022. Nổi bật lên là dòng vốn FDI chất lượng cao của các nhà đầu tư hàng đầu thế giới trong việc chọn Bình Dương làm cứ điểm sản xuất. Niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp (DN) về cơ hội, tiềm năng ngày càng được nhân lên.

 Tetra Pak Bình Dương đạt nhiều chứng nhận cho các hoạt động an toàn, chất lượng và về bền vững trong sản xuất

 Kỳ vọng dòng vốn xanh

Nếu năm 2022, vượt qua Đài Loan, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc... Đan Mạch trở thành quốc gia đầu tư lớn nhất vào Bình Dương, thì trong 3 tháng đầu năm 2023, Hà Lan vượt lên dẫn đầu dòng vốn FDI tại tỉnh. Rõ ràng, đây là tín hiệu cho thấy dòng vốn FDI chất lượng cao từ châu Âu đang ngày càng chảy mạnh vào Bình Dương và sẽ còn nhiều triển vọng hơn nữa trong thời gian tới.

Mặc dù tổng vốn FDI vào Bình Dương vẫn chưa nhiều, nhưng trong quý I-2023, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần trên toàn tỉnh đạt 437,7 triệu đô la Mỹ, bằng 120% so với cùng kỳ năm 2022. Đặc biệt, một trong những chỉ số tích cực là trong số 15 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào tỉnh trong 3 tháng đầu năm 2023, Hà Lan là nhà đầu tư lớn nhất với trên 324 triệu đô la Mỹ, chiếm 72,4% tổng vốn đăng ký.

Đáng chú ý, thời gian gần đây Bình Dương đang dịch chuyển dần sang thu hút dòng vốn đầu tư chất lượng cao. Nổi bật là việc nhiều nhà đầu tư châu Âu, trong đó có Đan Mạch đang chọn Bình Dương làm cứ điểm sản xuất. Năm 2022, trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Bình Dương, Đan Mạch dẫn đầu với dự án Lego có quy mô lớn, tổng vốn đầu tư trên 1,3 tỷ đô la Mỹ, chiếm 42,8% tổng vốn đầu tư vào tỉnh. Dự án xanh của Lego được kỳ vọng sẽ mở ra một chương mới trong thu hút FDI của Bình Dương, cũng như mở đầu cho làn sóng đầu tư xanh hơn, chất lượng hơn của DN châu Âu vào tỉnh.

Không chỉ có các nhà đầu tư đến từ châu Âu, mà hầu hết các nhà đầu tư đến từ nhiều quốc gia khác cũng tin tưởng về triển vọng vượt qua mọi khó khăn, thách thức và sự phát triển kinh tế của tỉnh Bình Dương trong thời gian tới. Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh vừa qua, ông Bonnet Huor, Phó Giám đốc Sở Phát triển Kinh tế, Văn phòng Thị trưởng TP.Laval, Quebec (Canada) bày tỏ ấn tượng trước những thành quả cũng như chiến lược, định hướng phát triển toàn diện của Bình Dương.

Ông Bonnet Huor cho biết, Laval là thành phố thuộc tỉnh Quebec, nằm ở phía Tây Nam của tỉnh và phía Bắc Montreal. Đây là vùng ngoại ô lớn nhất của Montreal, thành phố lớn thứ 3 trong tỉnh và là thành phố lớn thứ 13 ở Canada, với dân số hơn 440.000 người. Ông cùng các DN Canada đánh giá cao tiềm năng và môi trường đầu tư của tỉnh và mong muốn sẽ có cơ hội tìm hiểu sâu hơn nhằm thúc đẩy đầu tư, hợp tác lâu dài và bền vững tại Bình Dương.

Phát triển gắn với bảo vệ môi trường

Ông Trịnh Hoàng Tuấn Anh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho biết “xanh hóa” sản xuất đang là xu thế toàn cầu mà DN bắt buộc phải triển khai để đạt mục tiêu phát triển bền vững. Chuyển dịch kinh tế theo hướng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế phát thải carbon thấp đang là xu thế tất yếu. Nhiều DN tại Bình Dương cũng đang hướng đến trách nhiệm với môi trường bằng cách thực hiện mục tiêu chuyển đổi năng lượng xanh trong sản xuất, giảm thiểu phát thải khí nhà kính, hướng đến sản xuất bền vững trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và tăng năng suất lao động.

Mới đây, nhà máy sản xuất hộp giấy đựng đồ uống của Tetra Pak Bình Dương đã đạt chứng nhận BRCGS hạng AA+ về quản lý chất lượng từ Hiệp hội Bán lẻ Anh Quốc và là nhà máy đầu tiên đạt xếp hạng này tại Việt Nam. BRCGS là hệ thống quản lý chất lượng do Hiệp hội Bán lẻ Anh Quốc ban hành vào năm 1996 để bảo vệ người tiêu dùng. Tiêu chuẩn này gồm các tiêu chí về an toàn thực phẩm, chất lượng và quy trình mà các nhà sản xuất cần tuân thủ.

Theo ông Eliseo Barcas, Tổng Giám đốc Tetra Pak Việt Nam, chứng nhận BRCGS hạng AA+ khẳng định sự tuân thủ nghiêm ngặt và chất lượng đồng nhất trong quá trình sản xuất vỏ hộp giấy tiệt trùng của nhà máy Tetra Pak Bình Dương. Bằng việc áp dụng tiêu chuẩn LEED, nhà máy tiết kiệm 2 triệu lít nước, tái sử dụng và tái chế 90% lượng rác thải và giảm phát thải 4.000 tấn CO2 ra môi trường mỗi năm. Công ty đặt mục tiêu loại bỏ triệt để phát thải khí nhà kính từ toàn bộ hoạt động vào năm 2030. Tetra Pak đã đầu tư thêm 5 triệu euro cho nhà máy, với mục tiêu tăng sản lượng hàng năm từ 11,5 tỷ vỏ hộp hiện tại lên 16,5 tỷ vỏ hộp và lắp đặt 2.300 tấm pin mặt trời.

 Bình Dương đang tăng tốc triển khai, thực hiện các nhiệm vụ đặt ra trong nhiệm kỳ 2020-2025 là phát triển kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và tăng năng suất lao động. Tỉnh tiếp tục xây dựng quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu phát triển kinh tế hài hòa với bảo vệ môi trường, chú trọng an sinh xã hội. Trong đó, nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát triển nhanh các ngành kinh tế có giá trị gia tăng cao; phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế xanh.

 NGỌC THANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên