Gia đình anh Nguyễn Văn Thành sống chật vật bên căn nhà tạm bợ
7 năm trước chúng tôi đến làng chài Minh Hòa (tổ 7 ấp Hòa Lộc, xã Minh Hòa huyện Dầu Tiếng) viết bài mong chính quyền xem xét giúp đỡ cho những hộ dân vô gia cư sinh sống bằng nghề chài lưới tại đây. Sau 7 năm được trở lại, làng chài có nhiều thay đổi. Nhưng những thay đổi đó không phải là những gì mà nhiều người kỳ vọng.Thay đổi lớn nhất là người dân không còn những năm tháng lênh đênh trên hồ, họ đã lên bờ mưu sinh. Con đường sỏi đỏ về đây đã được nâng cấp phẳng phiu. Song đó là tất cả những gì mà 7 năm qua chính quyền ở đây đã hết sức nỗ lực. 23 hộ dân xóm Đầu Bò vẫn sống trong cảnh không điện, không trường, không trạm, không hộ khẩu, không nước sạch... Trước mặt họ chỉ là con cá của lòng hồ Dầu Tiếng.
Đìu hiu
Hiện tất cả 23 hộ đều được lên bờ nhờ vào nỗ lực của chính quyền làm giảm ô nhiễm cho lòng hồ. Và cũng nhờ vậy 23 hộ gia đình được bố trí ở một vùng đất bán ngập của lòng hồ, mỗi hộ 60m2, họ cất nhà san sát cạnh nhau như một dãy phố, người dân cũng tự đặt cho xóm của mình một cái tên khá lạ và ấn tượng để thay hai từ “làng chài”, đó là: Đầu Bò.
Con đường đến xóm Đầu Bò phẳng phiu là tài sản ý nghĩa nhất, quý giá nhất. Nhưng buồn thay, bên cạnh con đường đẹp đẽ ấy là một xóm nghèo xơ xác, đìu hiu. Đã 7 năm ròng kể từ khi Nhà nước bố trí đất ở cho dân làng chài chỉ có 2 hộ xây nổi căn nhà tạm kiên cố. Còn lại là những mái lều tranh xiêu vẹo.
Chài lưới không đủ ăn các hộ dân đang tiếp tục với nghề nuôi cá bè
Tiếp chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Duyên than thở: Xóm Đầu Bò nghèo lắm chú ơi! Chẳng nhà nào lành cả. Cả xóm chỉ nhờ chài lưới mà cá lòng hồ đâu có nhiều đâu mà giàu! Từ ngày được lên bờ mưu sinh những tưởng cuộc sống thay đổi nhưng nghèo vẫn nghèo. Sao 7 năm lên được bờ không xây lại nhà? Không chần chừ trước câu hỏi của tôi ông trả lời ngay: “Mỗi ngày lưới được có vài kg cá đâu có tiền mà xây nhà nổi. Căn nhà này hồi trước là mái che bè nuôi cá, khi Nhà nước cho lên bờ chúng tôi cũng chuyển nó lên bờ che mưa. Vả lại được Nhà nước cho lên bờ, bố trí cho mỗi hộ ngoài 60m2 nhưng không làm sổ đỏ được chú ơi, vì đất bán ngập không cấp sổ đỏ được!”.Ngồi trong căn nhà lá xơ xác của ông Duyên tôi cứ ngỡ thời gian như ngưng đọng lại mấy mươi năm về trước. Trong chốc lát một cơn gió nhẹ của buổi chiều tà hắt đến mùi tanh nồng nặc đến buồn nôn. Thấy khách chịu không nổi mùi tanh ông Duyên giải thích: “Đó là mùi tanh của cá khô đấy, thực phẩm của chúng tôi đấy, ngon lắm! Hôm trước cả nhà tôi lưới được ít cá ngon, bán giá rẻ quá tiếc đem muối phơi khô làm thức ăn. Ở xóm này nhà nào cũng muối cá bởi thế mùi tanh bốc lên”.
Thất học, đông con
Rời nhà ông Duyên, tôi cố tình lân la tìm ra căn nhà nào đó khá nhất xóm để trốn tránh đi cái không khí ngột ngạt ở đây. Nhưng đi từ đầu đến cuối xóm không căn nhà nào lành lặn, nhà kiên cố nhất là của tổ phó tổ 7, Nguyễn Văn Đỏ. Một căn nhà tường kiên cố có tivi, một cái tủ lạnh. Anh Đỏ cho biết: “Mỗi đêm cả 6 cha con tôi đánh 40kg cá mới được chút của dư đấy. Nhà tôi có 6 thằng, thằng nào gỡ lưới được là tôi cho nghỉ học theo lưới cá. Ở cái xóm chài này học không ra tiền, đi chài mới có tiền, bởi thế hầu hết trẻ em đều bỏ học sớm. Đứa nào “chiếm bảng vàng” chỉ hết lớp 5”. Em Nguyễn Văn Xung con anh Nguyễn Văn Đỏ là người học cao nhất - đang học lớp 6 mấy ngày nhưng cũng nghỉ để theo nghề chài.
Tiếp chúng tôi tổ phó Nguyễn Văn Đỏ cố lật từng trang giấy đếm: “Cả xóm có 23 hộ 104 khẩu”. Thật không thể tưởng tượng nổi với một cái xóm nhỏ bé tí này số khẩu đông đến kinh ngạc. Anh Đỏ nhẩm tính, nhà anh Nguyễn Văn Thành 8 con, anh Phan Văn Long 9 con, anh Duyên 6 con, anh Đỏ là hộ trung bình 5 con. Ở cái làng nghèo khó này ai có đông con thì cuộc sống ổn định hơn, bởi gia đình có nhiều lao động đi kéo cá. Sinh đẻ hoài mới 52 tuổi mà vợ chồng ông Long như đã ngoài 70.
Trăm sự nhờ con cá
Lần trước về đây, thấy người dân hân hoan, mừng tíu tít cuộc sống từ đấy sẽ thay đổi. Có đất họ sẽ có sổ đỏ, sẽ có hộ khẩu. Nhưng những mong đợi đó xa vời. Đã hơn 7 năm không gia đình nào có được tấm hộ khẩu lận lưng. Không hộ khẩu, không giấy chứng minh đến bước ra khỏi làng cũng không ai dám. Bởi thế nhiều lần các gia đình đưa con về các khu công nghiệp làm công nhân, không có giấy chứng minh họ bị trả về. Nhìn thấy cuộc sống khó khăn có mấy cán bộ xã tâm huyết muốn giúp họ làm sổ hộ nghèo để được trợ cấp, nhưng sổ hộ nghèo cũng cần chứng minh, thế nên họ đành bó tay.
Bởi thế 104 khẩu này nghiệt ngã thay không thoát được cảnh chài lưới. Niềm hy vọng duy nhất là con cá trên lòng hồ. Miếng cơm xóm Đầu Bò bây giờ gắn liền với con cá. Ngay cả con cá họ làm ra cũng bị thương lái cò kè từng đồng. Cả gia đình 6 người như anh Nguyễn Văn Duyên trung bình chỉ lưới 8kg cá. Vậy mà bán ra 7.000 đồng/kg cho thương lái. Mỗi đêm đi kéo về tiền chỉ đủ mua 2kg gạo nuôi gia đình 8 miệng ăn.
Trong nỗ lực mưu sinh, những năm trước đây họ là những người nuôi cá cừ khôi. Có gia đình mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng từ con cá điêu hồng, cá lóc, cá lăng. Thế nhưng thu hoạch xong trả nợ gốc lẫn lãi (tiền vay nóng) thì huề. Nhưng kể từ khi chuyển lên bờ sinh sống họ chủ yếu nhờ vào đánh bắt. Sản phẩm đánh bắt của họ được bày bán tại chợ Minh Hòa, tiểu thương bán đến 23.000 đồng/kg. Người dân chài ai cũng biết điều đó. Sao trong làng không ai đứng ra thu gom để đem ra chợ bán? Bà Trần Thị Mun cho biết, biết là thu có lời nhưng do dốt tính, không biết chữ, chỉ biết lưới cá, nuôi cá chớ không biết buôn bán.
23 hộ dân này có nguồn gốc từ Campuchia, sinh sống trên Biển Hồ. Do cuộc sống khó khăn nơi xứ lạ quê người, năm 1998 họ trôi dạt về lòng hồ Dầu Tiếng thuộc xã Minh Hòa, sinh sống bằng nghề chài lưới và nuôi cá bè.
Chúng tôi đem chuyện của xóm Đầu Bò kể lại cho Phó Chủ tịch UBND xã Trịnh Đình Toan. Ông Toan cho biết, gần 10 năm nay đã mấy lần xin ý kiến của huyện về việc cấp hộ khẩu cho 23 hộ dân này. Tuy nhiên huyện trả lời đất bán ngập không thể cấp sổ đỏ, không có đất, không thể nhập hộ khẩu đó là quy định chung của pháp luật ngoài khả năng của địa phương. Quả thật, việc có thể cấp sổ đỏ cho 23 hộ dân ở vùng đất bán ngập này hay không là ngoài khả năng của địa phương và cần phải có một quyết định “dũng cảm” từ huyện đến tỉnh. Có sổ đỏ, có đất họ mới nhập được hộ khẩu, có giấy chứng minh, con em họ mới đến được nhà máy, xí nghiệp còn nếu không 23 hộ dân này sẽ tiếp tục bị bỏ quên. Chúng tôi ghi lại những khó khăn trên của bà con xóm Đầu Bò mong các cấp, ngành có liên quan có giải pháp giúp đỡ họ.HÒA NHÂN - NHÂN QUANG