Chuyện không của một ngày...

Cập nhật: 09-06-2010 | 00:00:00

Ngày Môi trường thế giới 5-6 đã qua với rất nhiều hoạt động, nhiều lời tuyên bố từ cơ quan chức năng, lời cam kết từ phía doanh nghiệp (DN), chủ các cơ sở sản xuất - kinh doanh và các tầng lớp nhân dân...

Tuy nhiên, thời gian qua có rất nhiều vụ vi phạm gây ô nhiễm tác động tiêu cực đến môi trường. Ở các khu vực lân cận, Vedan vẫn đang mặc cả với người dân về tiền đền bù... Trên địa bàn Bình Dương, trong năm 2009, kết quả kiểm tra khắc phục ô nhiễm cho thấy, có 25 cơ sở gây ô nhiễm môi trường (ONMT) và 54 cơ sở gây ONMT nghiêm trọng; trong đó đa số là các DN sản xuất - kinh doanh chưa thực hiện đúng yêu cầu về bảo vệ môi trường. Có cơ sở cũng đã thực hiện xong, nhưng có nơi lại vẫn vậy. Người dân luôn đặt dấu hỏi là tại sao cơ quan chức năng lại khó xử lý đến như thế!

Chúng ta hô hào, tìm đủ mọi cách tuyên truyền, vận động nhân dân hưởng ứng bảo vệ môi trường từ việc làm nhỏ nhất. Thế nhưng, những vụ xảy ra gây ONMT nghiêm trọng thì chưa hề có một hình thức phạt nào cho xứng đáng, chẳng hạn như khởi tố hay hình phạt tù. Luật pháp chỉ mới dừng lại mức xử phạt hành chính tối đa (mới được điều chỉnh) là 500 triệu đồng. Mức này không thấm tháp gì so với lợi nhuận từ việc các đơn vị, DN bỏ qua đầu tư hệ thống xử lý chất thải an toàn.

ONMT đã đến mức báo động trầm trọng. Những hoạt động bề nổi, những tuyên bố, những cam kết trong Ngày Môi trường thế giới dù sao cũng có ý nghĩa về mặt tuyên truyền, cũng có tác động nhất định tới ý thức cộng đồng. Tuy nhiên, để môi trường sống không bị đầu độc bởi những hành vi âm thầm khác của người vi phạm thì vẫn còn rất nhiều việc phải làm, phải điều chỉnh. Trong đó, trước hết là việc cần sớm ban hành Luật Thuế bảo vệ môi trường, cùng với các chế tài xử lý đủ mạnh, đủ để răn đe những hành vi vi phạm.

Đội ngũ cán bộ chức năng làm công tác này cũng cần được rà soát và bố trí đủ lực lượng để có thể kiểm soát tốt địa bàn với mục tiêu hàng đầu là phòng ngừa những vi phạm, chứ không phải chỉ phát hiện những việc đã rồi và chạy theo như hiện nay. Trách nhiệm của lực lượng chức năng cũng cần phải được quy định rõ ràng để phòng ngừa những tiêu cực có thể xảy ra trong lĩnh vực này... Tất cả những công việc đó, có việc cần phải làm ngay, có việc phải tính toán tới lộ trình triển khai, có như vậy mới tránh được tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”. Và, cần nhận thức rằng, trong việc bảo vệ môi trường, không phải điều gì đã mất đều có khả năng khôi phục. Nói cách khác là phòng bệnh vẫn tốt hơn là chữa bệnh.

MAI HUY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên