Chuyện mài dao, kéo dạo!

Cập nhật: 29-03-2011 | 00:00:00

“Mài dao kéo cũng cần có tên riêng cho dễ nhớ, nhưng phải có sự khác biệt để không bị nhầm lẫn với các đồng nghiệp bình thường khác. Do nghề này không có trường lớp đào tạo chính quy, người làm nghề cũng không muốn gắn bó lâu dài vì hàng hóa bây giờ dễ mua,  giá rẻ, người tiêu dùng cũng ít ai chịu tận dụng xài đi xài lại nhiều lần như hồi trước! Muốn sống được với nghề mình phải mày mò tìm ra cách làm mới, độc đáo, nhanh chóng nhưng phải bảo đảm chất lượng để không ảnh hưởng đến độ bền cây dao, cây kéo. Nhờ đó mà mình đã tìm ra được thị trường mới, không chỉ sống được mà còn hứa hẹn nhiều tiềm năng”!

 

Thợ mài dao kéo Nguyễn Văn Đáng trên đường hành nghề

Nghèo khổ không làm thay đổi phẩm chất

Nghề mài dao kéo giờ đây đã dần bị mai một vì sản phẩm làm ra vừa rẻ vừa tốt nên ít ai mang dao kéo của nhà đi mài làm chi cho mất thời gian, tốn tiền. Ban đầu người dân xã Hòa Lợi (Bến Cát), xã Tân An, phường Hiệp An (TX.TDM) thấy anh thợ mài dao kéo với bộ dạng hơi khác người, lại còn treo trên xe cây kéo khổng lồ với lưỡi kéo bén ngót người ta cứ xì xầm: “Cha thợ này chắc có vấn đề nên mới chọn cái nghề không còn khách để làm kế sinh nhai, còn không thì đụng vô sẽ bị nó cắt ngọt như lưỡi kéo kia”? Những người đa nghi, giàu trí tưởng tượng còn “đế” vô thêm “coi chừng nó giả dạng mài dao kéo để luồn lách vô xóm vô làng nhằm dò xét tình hình, tìm kiếm ai để gì sơ hở là lượm, là thổi”. Bên cạnh những suy nghĩ dè dặt, bất lợi theo kiểu “an toàn là trên hết” của các cư dân đô thị thì vẫn có nhiều người có nhu cầu và thích sự thể hiện cá tính nên đã kêu thợ mài vô đưa đồ làm thử, để ngồi đó xem, tận mắt kiểm tra chất lượng. Qua một vài lần thấy an tâm, người này giới thiệu người kia, riết rồi bà con trở nên thân thiện với mình và trở thành khách hàng ruột. Không chỉ mài dao kéo mà gặp cái gì có thể làm được mình sẵn sàng làm hộ như sửa ống nước, bếp gas, quạt điện... nên bà con thương lắm. Có chuyện cần gấp thì gọi điện thoại, còn không thì chờ đến ngày mình đi qua thì đem ra nhờ làm vì mình đã quen với thời dụng biểu: thứ hai đi Hòa Lợi, thứ ba đi Hiệp An, Tân An, thứ tư vô công ty làm cả ngày... Anh thợ mài dao kéo Nguyễn Văn Đáng từ tốn kể.

Sinh ra và lớn lên ở vùng sông nước Cửu Long, chàng trai Nguyễn Văn Đáng (SN 1967) được làm quen và biết nhiều nghề, nhiều việc qua các buổi vần đổi công, tương trợ nhau như đi cắt lúa, cuốc đất, đốn tre, cất nhà... cái gì cũng biết, nhờ sáng dạ, chịu tò mò, không sợ khó. Nhưng khổ nỗi ai cũng nghèo chứ không riêng gì mình, nên cái mình biết chỉ để đi làm dùm, giúp nhau khi cần chứ làm thuê, làm muớn thì ít lắm, vì vậy mà nghèo thì cứ nghèo hoài. Nhờ gia đình có truyền thống, tuy ít học nhưng có lòng nhiệt tình, nên địa phương nhận vào làm trong xã. Làm được một thời gian thì lấy vợ, sinh con. Gánh nặng ngày một nhiều mà đồng lương thì cứ đứng một chỗ, cộng với việc làm thuê mướn ngày một ít dần, năm 2005 vợ chồng thống nhất dắt dìu nhau lên Bình Dương tìm công việc mới nhằm thay đổi cuộc sống.

Lần đầu cả gia đình xa quê mình lo sợ lắm, tuy không biết ngày mai sẽ ra sao nhưng tất cả đều động viên nhau: “Ở quê mình tuy nghèo nhưng không ai dám khinh rẻ, coi thường vì mình sống đàng hoàng, tử tế. Bây giờ đến xứ lạ quê người dù có khó khăn cũng không được làm điều gì sai trái, làm ảnh hưởng đến dòng họ, uy tín quê hương”. Từ cái sự thật thà, chất phác ấy mà anh chàng Nguyễn Văn Đáng đã được ông chủ Khu du lịch Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến trực tiếp tuyển dụng vào làm “thợ điện” kiêm luôn việc trồng cây, cắt cỏ trong khu du lịch. Ở nhà trọ người ta thấy thương nên giới thiệu cho vợ lãnh mít về nhà bốc vỏ, lặt hạt. Vợ chồng đều có việc nên cũng yên tâm chọn Bình Dương là quê hương mới.

Thương hiệu “Thằng mài dao kéo dạo”!

Công việc thuận lợi được mấy năm thì bất ngờ vợ bị tai biến, Đáng phải bỏ hết công việc ở nhà lo chăm sóc, thuốc thang cho vợ, cơm nước cho hai đứa nhỏ tiếp tục đi học. May mà hai đứa lớn đã đến tuổi lao động nên được ông chủ Khu du lịch Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến nhận vào làm tài xế, sửa chữa điện thay cha. Những ngày ở nhà làm lặt vặt, lo bệnh cho vợ con Đáng cứ ray rứt “Sao không tìm một công việc gì phù hợp để làm cho có tiền và đỡ chán”? Suy nghĩ rồi đứng nhìn người ta làm, cuối cùng Đáng quyết định chọn nghề mài dao kéo cho phù hợp với sức khỏe và thời gian. Với sự hiểu biết sẵn có kết hợp với sự chịu khó tìm tòi học hỏi, anh mua chiếc máy mài thủ công về rồi gắn thêm bộ phận “làm lạnh” vào để khi mài có độ ma sát lớn không phát sinh nhiệt làm “non” lưỡi dao, lưỡi kéo của khách.

Sau khi đã mài bén xong bằng máy thủ công thì phải xử lý lưỡi dao, lưỡi kéo lại bằng đá bùn để tránh bị “sốc” khi sử dụng. Đây là khâu rất quan trọng, vì nếu chỉ bén mà không nhẵn thì khi cắt sẽ phát sinh nhiều chuyện không như ý muốn. “Thấy mình làm được cô bác tin tưởng giới thiệu vô công ty may mặc cho mài thử vài cây kéo cắt chỉ. Có niềm tin rồi thì công ty quy định mỗi tuần quay trở lại mài một lần cả mấy trăm cây kéo. Những ngày khác mình chạy ra ngoài làm dạo theo lịch đã định sẵn. Để tạo sự khác biệt, thu hút sự chú ý của khách mình nghĩ phải làm hình ảnh gì đó cho dễ nhớ và phải ấn tượng, khác lạ so với các đồng nghiệp! Về nhà cũng chính dụng cụ có sẵn mình tạo ra cây kéo khổng lồ có lưỡi kéo bén ngót trưng trên xe để bà con chú ý, chứ xưa nay làm nghề này ai mà đặt tên, đặt hiệu gì. Mình không có tên nên bà con cứ gặp là gọi thằng mài dao kéo dạo, riết rồi nó thành tên gọi chính thức luôn” - Đáng phấn khởi kể.

Do chỉ tốn công, chịu khó mà dễ kiếm tiền so với đi làm những chuyện phổ thông khác nên nhiều người cũng bắt chước Đáng sắm xe máy, mua đồ nghề ra làm nhưng người ta chỉ mài nóng, lưỡi dao lưỡi kéo tuy có bén nhưng khi cắt thì bị sượng, vấp, lại mau cùng vì sức nóng của đá mài làm non lưỡi dao, lưỡi kéo. Nhờ làm quen, lượng dao kéo ngày một nhiều nên phải nghĩ ra cách gì làm nhanh hơn, rút ngắn thời gian để làm được nhiều hơn. Đáng lân la đến các chợ lạc-son tìm mua mô-tơ điện về chế lại để kéo máy mài. “Khi thử thì chạy ngon lắm nhưng khi làm thật thì bị sự cố. Do phải dùng nước để “mài lạnh”, mà nước thì dẫn điện nên bị điện giật mấy lần tưởng đâu chết rồi đó. Cứ mỗi lần bị điện giật lại mở ra nghiên cứu, tìm hiểu xem chỗ nào là nguyên nhân phát sinh điện để khắc phục. Cuối cùng mọi chuyện cũng xong. Tới đây mình sẽ thay mô-tơ bằng cả chiếc máy xe honda cũ cho đỡ tốn kém lại bắt mắt, dễ cạnh tranh” - Đáng bộc bạch.

Sau mấy năm làm lụng, con cái bắt đầu lớn, đã làm ra tiền. Dành dụm mấy năm trời cũng được vài chục triệu đồng, tuy không đủ để mơ có đất, có nhà nhưng cả gia đình đều quyết tâm chọn Bình Dương là quê hương nên phải mua được đất cất nhà dù thời gian còn khá xa! Hai đứa con lớn nay đã làm ra tiền lại rất ngoan, cứ hết giờ là chạy về nhà với cha mẹ. Tuy ở nhà trọ nhưng vợ chồng cũng ráng sắm cho con chiếc tivi để vừa giải trí vừa học tập. “Mình thiếu học, khổ quá! Con cái có đứa được học có đứa không, đứa nào kém may mắn nghỉ học sớm thì xem đài để học cách sống, cách làm ăn. Hai đứa nhỏ còn đi học thì cả nhà phải cố gắng chung lo hết sức. Tuy vất vả những khi hết việc về nhà chúng tôi trò chuyện, vui đùa rất vui. Mấy cha con tôi cứ động viên nhau nếu sau này trời cho khá giả chúng tôi sẽ làm một bộ phim về chính cuộc đời mình”, Đáng lạc quan kể.

DUY CHÍ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1651
Quay lên trên