Với tâm thế tiếp tục phát huy kinh nghiệm, thế mạnh của mình là “Trung ương mở đường, địa phương kiến tạo, doanh nghiệp (DN) đồng hành, người dân tham gia” như yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong buổi làm việc mới đây tại tỉnh, Bình Dương khát vọng tiếp tục trở thành một trong những đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia với động lực tăng trưởng chính là công nghiệp, dịch vụ, đổi mới sáng tạo, có cơ sở kinh tế vững chắc, sức cạnh tranh cao; người dân được hưởng thụ chất lượng cuộc sống cao, có mức thu nhập tương đương các nước phát triển.
Trong giai đoạn mới, Bình Dương sẽ phát triển khu công nghệ thông tin tập trung, đổi mới sáng tạo gồm 4 phân khu với quy mô khoảng 220 ha tại thành phố mới Bình Dương có chức năng nghiên cứu, phát triển, đào tạo và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, sản xuất thử nghiệm, chuyển giao và thương mại hóa sản phẩm...
Từ nay đến năm 2030 là giai đoạn Bình Dương tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội dựa trên các lợi thế từ hạ tầng giao thông kết nối. Bình Dương cũng xác định rõ, chuyển đổi số sẽ là nền tảng cho các ngành, lĩnh vực phát triển nhanh để tham gia vào hội nhập sâu hơn với toàn cầu. Vì thế, mỗi ngành, địa phương trong tỉnh đều phải có kế hoạch tham gia vào chuyển đổi số. Mục tiêu chính là để hình thành chính quyền số, kinh tế số, xã hội số theo kịp xu hướng phát triển của cả nước và thế giới. Chuyển đổi số cũng là một trong những nhiệm vụ đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội của Bình Dương từ nay đến năm 2030. Cụ thể, Bình Dương xây dựng khu trung tâm đổi mới sáng tạo, khu công nghệ thông tin tập trung, các dự án chuyển đổi số.
Quá trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng thành phố thông minh, Bình Dương luôn lấy người dân làm trung tâm và kết quả đạt được sẽ do người dân thụ hưởng. Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhiều cơ quan, đơn vị, DN, cá nhân trên địa bàn tỉnh đã khai thác nền tảng số, ứng dụng vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, điều hành, quản lý. Kết quả, những cơ quan, đơn vị, DN, cá nhân đi đầu trong chuyển đổi số đem lại hiệu quả hoạt động cao. Để làm được điều này, các DN, cá nhân có thể khai thác các mạng xã hội quảng bá cho sản phẩm, thương hiệu của mình. Thông qua các mạng xã hội nắm bắt nhanh được xu hướng, nhu cầu của người tiêu dùng để có những điều chỉnh kế hoạch sản xuất, nghiên cứu ra những sản phẩm phù hợp với từng thị trường…
KHẢI ANH