Chuyện một con đường “đau khổ” ở Dĩ An!

Cập nhật: 15-10-2010 | 00:00:00

Một con đường, vạn nỗi lo!

Chuyện đường sá lầy lội, ngập nước trong mùa mưa ở những đô thị mới phát triển là chuyện không mấy xa lạ với người đi đường hiện nay. Nên khi nghe bè bạn, người quen phản ánh tuyến đường A ngập nặng, đường B sạt lở, những người tiếp nhận thông tin thường hỏi lại: “Có gì mới không, có nguy hiểm, chết người không”? Không phải cánh nhà báo chúng tôi vô tâm, thờ ơ trước bức xúc của dân, mà vì trước đó đài, báo đã phản ánh quá nhiều rồi! Mới đây chúng tôi đã liên tiếp nhận được nhiều cuộc điện thoại “Đến đường liên xã Tân Đông Hiệp - Tân Bình (đường Tân Linh) phản ánh dùm tình trạng xe liên tục sụp ổ gà, người bị tai nạn phải đi cấp cứu, trẻ con đi học bị nước bẩn bắn đầy người nên không chịu đến trường”... Chúng tôi đã có mặt để ghi nhận và không ngờ chỉ hơn 5 phút đứng chụp hình ngay trước một trong hai “lô” ổ gà ổ voi nặng nhất của tuyến đường đã chứng kiến tận mắt 3 vụ tai nạn, ngã xe. Em Lê Thúy Vy đi làm từ nhà ở xã Tân Bình ra thị trấn Dĩ An thì bị sụp hố ướt hết cả người phải quay về. Ông Bảy Hòa chạy xe ba gác bị sụp ổ gà, đầu xe cắm xuống hố, đuôi xe nhỏng lên hất văng người lái ra đường. “Rất may không có xe tải đi ngang, chứ không thì hốt xác về làm đám rồi” - Ông Bảy hốt hoảng than! Hai người trước vừa đi thì chị Nguyễn Tường Oanh, cán bộ kinh doanh của một công ty gần đó cũng bị sụp hố, văng túi xách ra một bên, người nằm một bên. “Tôi đi về tuyến đường này thường xuyên nên biết có nhiều ổ gà, ổ trâu. Nhưng mấy hôm nay mưa lớn liên tục ngập hết mặt đường không còn thấy đâu là bờ, đâu là hố” - chị Oanh nói. Cùng nhiều trường hợp tai nạn khác như con trai ông Chín Long bị té bể nát mặt phải nằm nhà cả tháng trời. Anh Nguyễn Minh Thảo ngụ 1/17, khu C, Tân Phú, Tân Bình, Dĩ An bị sụp ổ gà gãy hai răng bất tỉnh phải đưa đi cấp cứu ở bệnh viện huyện, đến khi xuất viện thì phát hiện thêm bị gãy xương hàm phải chuyển lên tuyến trên điều trị.

Chị H. chủ tiệm sửa xe máy bên đường cung cấp thông tin: “Có đêm mới 2 giờ sáng trong nhà nghe tiếng xe ngã chạy ra thì thấy một cô gái nằm ngay bên đường. Thấy nguy hiểm nhưng chúng tôi chỉ biết gọi điện báo Công an xã  đưa đi cấp cứu chứ biết làm sao vì đường rất vắng”! Ông Chín L. một chủ thầu xây dựng đang làm việc trên tuyến đường này giải bày: “Do mật độ giao thông lớn, xe tải nặng ra vào nhiều đã làm cho con đường vừa cũ vừa yếu nhanh chóng xuống cấp. Cấp xã tuy không đủ kinh phí nhưng cũng nhiều lần chữa cháy bằng cách đổ cát, đá dăm tại những nơi nguy hiểm. Nhưng làm sao khắc phục hết với mức độ xe qua lại lớn như thế này”. Phó Chủ tịch UBND xã Tân Đông Hiệp Trần Quốc Tuấn cũng không giấu được băn khoăn: “Trước bức xúc, phản ánh của bà con cử tri, địa phương đã có công văn đề nghị Phòng Quản lý đô thị, UBND huyện Dĩ An nhanh chóng dặm vá, nâng cấp tuyến đường để tránh tai nạn cho bà con, mà chưa thấy trả lời. Địa phương cũng đang lo”!

Giải pháp tình thế

Nếu như người dân dọc tuyến đường dùng các thùng caton dựng chướng ngại để cảnh báo nguy hiểm cho người đi đường là giải pháp tình thế thì lãnh đạo UBND xã Tân Đông Hiệp cũng không thể làm khác hơn là tìm kiếm mạnh thường quân, doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả trên địa bàn để vận động đóng góp công sức, phương tiện hoặc tài chính để địa phương khắc phục tạm thời những nơi quá nguy hiểm. “Chúng tôi đã vận động chủ đầu tư KCN Tân Đông Hiệp kinh phí để dặm vá tạm thời, bên đó yêu cầu địa phương khảo sát, chiết tính để sớm tiến hành. Nhưng sợ lãng phí, hiệu quả không cao vì làm thủ công, lu lèn qua loa thì vài bữa cũng bong tróc. Một giải pháp tạm thời khác là địa phương đã phát hành văn bản kiến nghị trên xem xét hạ tải tuyến đường từ 18 tấn xuống còn 10 tấn để hạn chế lưu lượng xe và đã được đồng ý giao Phòng Quản lý đô thị phối hợp triển khai” - Một lãnh đạo địa phương cho biết.

Chúng tôi không bàn sâu về cách làm trên, nhưng thử trao đổi với tài xế xe tải Tống Văn Tùng đang ngồi chờ rửa xe nơi đầu đường, chúng tôi nhận được câu trả lời: “Cách làm hiệu quả nhất là đầu tư làm mới con đường này, vì đây là tuyến huyết mạch nối các khu công nghiệp đến trung tâm huyện, đến các tuyến quốc lộ, các tỉnh thành khác nên không thể hạn chế lưu lượng xe bằng cách hạ tải. Bởi vì không thể có đủ nhân sự, phương tiện để cân đo, xử phạt ở một tuyến đường chật hẹp như thế này được”.

Lối ra...

Tại buổi làm việc của lãnh đạo tỉnh với UBND huyện về tình hình đầu tư xây dựng cơ bản vừa qua, Trưởng Phòng Tài chính huyện Dĩ An Lê Thị Thành đã thẳng thắn kiến nghị: “Hiện nay địa phương có nhiều công trình, dự án không nằm trong kế hoạch nhưng rất cần được thi công sớm và hoàn toàn trong tầm tay của địa phương, rất mong tỉnh xem xét cấp hoặc tạm ứng vốn”. Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lê Thanh Cung đã không ngần ngại trả lời: “Trách nhiệm của tỉnh khi địa phương thiếu, lên tiếng thì cho tạm ứng để giải quyết, nhưng phải bảo đảm làm được không, trả bằng cách nào”? Lãnh đạo tỉnh cũng nhiều lần phân tích, chỉ đạo: “Rất chia sẻ với cái khó của Dĩ An là có rất nhiều công trình, dự án không chỉ của tỉnh, huyện, xã như các địa phương khác mà còn có dự án tầm quốc gia như Đại học Quốc gia TP.HCM, đường Mỹ Phước - Tân Vạn và liên tỉnh... Nên phải nắm bắt, tham gia theo khả năng của mình. Đối với những công trình, dự án thuộc thẩm quyền địa phương thì tập trung trí tuệ, công sức để giải quyết dứt điểm nhằm đáp ứng nhu cầu thiết thực của địa phương. Đừng vì thành tích, số lượng mà phải tập trung giải quyết, hoàn thiện từng phần nhỏ sẽ góp phần làm tốt những việc lớn tiếp theo”.

Với tinh thần chỉ đạo này của UBND tỉnh, trên địa bàn tỉnh đã có kết quả ở tuyến đường ĐT744 đang được triển khai ở ba huyện, thị: TX.TDM, Bến Cát và Dầu Tiếng. Thời gian lập, triển khai dự án này rất lâu do nhiều nguyên nhân khác nhau. Nhưng khi đã thống nhất ý chí, chia nhỏ công trình ra để thi công theo hướng “giải tỏa đến đâu thi công đến đó”. Cụ thể như gói thầu số 3 thuộc địa phận xã An Tây (Bến Cát) chủ đầu tư đã cho phép nhà thầu thi công ngay phần đường hiện hữu để bảo đảm giao thông thông suốt. Sau khi thi công phần hiện hữu xong thì tiếp tục thi công phần đã giải tỏa hai bên đường. Kinh nghiệm này nếu được nghiên cứu, áp dụng cho Dĩ An sẽ góp phần giải tỏa bức xúc không chỉ của các địa phương mà còn góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông do đường xấu, nhiều ổ gà, ổ trâu như đã nêu.

DUY CHÍ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=504
Quay lên trên