Khi nhắc đến nghề bảo vệ, ai cũng biết đây là nghề đòi hỏi sự linh hoạt, kinh nghiệm sống để giải quyết các tình huống thật nhanh chóng. Khi đã xác định chọn nghề bảo vệ là xác định đối mặt với mọi hiểm nguy...
Bảo vệ kiểm tra xe người lao động sau khi tan ca
Tâm sự chuyện nghề
Khi màn đêm buông xuống, với thời tiết se lạnh đầu mùa mưa không ai còn muốn ra khỏi nhà thì trong bóng tối tại các trung tâm thương mại, công ty, xí nghiệp, hình ảnh người bảo vệ vẫn cần mẫn đi kiểm tra từng ngóc ngách để bảo đảm an toàn. Đổi cuộc sống theo kiểu lấy đêm làm ngày, họ phải đối mặt với việc thiếu ngủ, về lâu về dài ảnh hưởng đến sức khỏe là đặc trưng của những người làm bảo vệ. Thế nhưng họ đến với nghề, trụ với nghề này âu cũng là niềm đam mê.
Tâm sự với chúng tôi, bác Nguyễn Hoàng Hải, bảo vệ Trung tâm thương mại Aeon Mall Bình Dương, cho biết một tổ trực đêm từ 6 đến 7 người, phải lo tuần tra bảo đảm an toàn cho hàng trăm gian hàng trong trung tâm. Vất vả bao nhiêu cũng chịu được vì đã chọn lấy nghề, nhưng khi xui rủi xảy ra sự cố mất mát hàng hóa, ngoài việc phải đền bù thì còn nhận những ánh mắt hoài nghi, thậm chí những lời lẽ không hay. Đó là điều buồn nhất của những người làm nghề bảo vệ.
Hiện nay, Bình Dương với hàng trăm nhà máy, công ty được xây dựng đưa vào hoạt động sản xuất. Bảo đảm an toàn trong quá trình sản xuất, tất cả các công ty, xí nghiệp trên địa bàn tỉnh đều tuyển nhân viên bảo vệ. Bên cạnh giữ gìn an ninh trật tự, nhân viên bảo vệ còn là người giúp chủ doanh nghiệp kiểm tra, hướng dẫn người lao động thực hiện đúng nội dung công ty đưa ra. Trong quá trình làm việc, họ cũng gặp không ít sự phản kháng của người lao động khi bị bắt buộc đeo thẻ, trình giấy ra vào cổng hay đi đúng giờ giấc. Anh Nguyễn Khắc Chính, bảo vệ Công ty TNHH Apparel Far Eastern (Việt Nam), tâm sự: “Bảo vệ trong doanh nghiệp với đông công nhân lao động, chúng tôi phải thật nhẹ nhàng, mềm mỏng. Cũng chính vì phải tiếp xúc với nhiều đối tượng khác nhau nên chúng tôi phải được tập huấn kỹ trước khi nhận nhiệm vụ”.
Nghề bảo vệ là một trong các nghề được đặt vào nhóm những những ngành nghề mà nhân viên gặp nhiều nguy hiểm nhất. Thực tế đó được minh chứng qua những sự việc đã diễn ra khi nhân viên bảo vệ bị tấn công. Mức độ nguy hiểm cao, công việc khá nhiều nhưng thu nhập từ nghề này còn khá thấp (khoảng 4 triệu đồng đến 5 triệu đồng/tháng). Với mức thu nhập như vậy, tiền công vẫn chưa thật sự xứng đáng với công sức họ đã bỏ ra.
Dễ xin việc
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thành Đông, Giám đốc Công ty Dịch vụ bảo vệ Á Châu (phường Phú Thọ, TP.Thủ Dầu Một), cho biết những năm gần đây, dịch vụ bảo vệ “ăn nên làm ra”. Không chỉ có các công ty, xí nghiệp, bệnh viện cần lực lượng bảo vệ mà nhà hàng, khách sạn, thậm chí gia chủ các biệt thự cũng thuê bảo vệ để canh gác. Việc thuê bảo vệ làm công tác bảo đảm an ninh trật tự tại các doanh nghiệp, cơ quan được thực hiện “khoán trắng” theo hợp đồng, giảm chi phí, đơn giản, thuận tiện hơn rất nhiều lần so với việc hợp đồng trả lương bảo vệ hàng tháng theo như truyền thống.
Công ty TM-DV Bảo vệ Âu Việt (phường Phú Mỹ, TP.Thủ Dầu Một) với 300 nhân viên nhưng vẫn không đủ cung cấp cho các doanh nghiệp trong tỉnh. Ông Nguyễn Xuân Văn, Giám đốc Công ty Bảo vệ Âu Việt, cho biết nếu như trước đây, Bình Dương chỉ có vài công ty thì hiện nay số lượng công ty chuyên dịch vụ bảo vệ lên đến hàng trăm. Trước sức ép cạnh tranh khá gay gắt, ông Văn cho rằng phương án phát triển luôn ưu tiên chất lượng dịch vụ. Chính vì thế, khâu tuyển dụng và huấn luyện được đặt lên hàng đầu. Đây cũng là lý do khiến doanh nghiệp của ông nhận được sự tin tưởng của khách hàng.
Không thể phủ nhận, nghề bảo vệ trên địa bàn tỉnh đã và đang góp phần không nhỏ vào việc bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống các loại tội phạm và các vi phạm pháp luật khác... Thế nhưng, ngành nghề này cũng cần phải được quản lý chặt chẽ để bảo đảm tính ưu việt của nó.
TỐ TÂM