Chuyện những người hy sinh thầm lặng

Cập nhật: 24-07-2012 | 00:00:00

Bài 1: “Canh” giấc ngủ cho các liệt sĩ

Bài 2: Chuyện về một liệt sĩ kiên trung...

“Trong những ngày tháng 7, tháng tri ân những người nằm xuống, tôi muốn nói một điều gì đó về bác ruột của mình. Tôi cũng như những người thân của mình muốn có một bài viết kể về cái chết anh dũng của bác...”... Vâng, trong nỗi ước mong giản dị và chân thành đó, tôi đi tìm và viết về liệt sĩ Nguyễn Văn Xạ, một trong những người bị xử bắn ở Suối Giữa vào năm 1946...  Liệt sĩ Nguyễn Văn Xạ lúc sinh thời

Để tìm tài liệu cho bài viết, chúng tôi đến Phòng Chính sách Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Tài liệu chỉ ngắn gọn: Số hồ sơ: 03366, ngày 17-10-1977. Liệt sĩ Nguyễn Văn Xạ, xã Phú Cường, Thủ Dầu Một. Cấp bậc, chức vụ: Trưởng ban Quốc gia Tự vệ cuộc. Hy sinh năm 1946.

Thế là phải lần tìm theo nhân chứng là cô em gái của liệt sĩ để biết thêm. Trên đường đi, chúng tôi ghé thăm phần mộ của ông trước. Một ngôi mộ đơn sơ, bình thường như bao ngôi mộ khác ở tổ 6, ấp Chánh Lộc, xã Chánh Mỹ, TP.TDM. Hỏi sao không quy tập ông về Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh, người nhà ông cho biết: “Chúng tôi muốn bác được “nằm lại” cùng đồng đội. Quanh đó còn có mấy ngôi mộ liệt sĩ nữa. Từ ngày chôn cất bác đến nay, con cháu vẫn cúng giỗ, chăm nom phần mộ đàng hoàng”.

Cô em út của liệt sĩ Nguyễn Văn Xạ là bà Nguyễn Thị Lương, năm nay đã 83 tuổi. Bà còn minh mẫn và khi nhắc đến anh trai, đến cái chết của anh, bà vẫn còn rưng rưng nước mắt. Nhưng bà cũng vô cùng tự hào khi có người anh trai hiên ngang, biết hy sinh thân mình cho quê hương, đất nước.

Theo dòng hồi ức, bà Lương kể: “Hồi anh trai tôi cùng bạn bè thoát ly theo cách mạng, tôi còn là một thiếu nữ. Anh tôi đẹp trai và hiền lành. Anh có hiếu và thương má tôi lắm. Trước ngày bị bắt rồi bị giặc Pháp xử bắn, như có linh tính sao đó, anh tôi gửi cái bóp da  về cho má. Trong đó có ít giấy tờ và 4 viên thuốc ký ninh chống sốt rét rừng...”. Mộ phần liệt sĩ Nguyễn Văn Xạ

 Trong trí nhớ của cô em út, liệt sĩ Nguyễn Văn Xạ là người “đẹp đẽ, giỏi giang nhất nhà”. Ông có 3 năm theo học ở Huế. Học giỏi và rành tiếng Pháp nên ông luôn bị mua chuộc để làm việc cho “phe địch”. Sau khi học ở Huế về, năm 1940, ông Nguyễn Văn Xạ làm việc cho Sở Hỏa xa Sài Gòn. Năm 1941, ông thoát ly theo cách mạng. Gia đình có truyền thống cách mạng, ngoài ông còn có 3 người anh em trai đi theo tổ chức Thanh niên tiền phong. Thế nên nhà cha mẹ ông luôn bị giặc Pháp rình rập. Trong một lần khám xét nhà, vì chúng nghĩ rằng sẽ bắt được ông khi ông về thăm nhà (do có mật thám báo) nhưng cuộc khám xét không được như ý chúng, nên chúng tức tối và đốt nhà của cha mẹ ông vào năm 1945.

Năm 1946, ông Nguyễn Văn Xạ bị bắt. Khi đó, ông vẫn một lòng trung trinh với lý tưởng của người cách mạng, không run sợ trước thủ đoạn của địch dùng để uy hiếp thể xác, tinh thần. Giặc Pháp chuyển sang mua chuộc ông nhưng vẫn không thành. Bởi, ông đã thề một lòng theo cách mạng. Bà Lương kể tiếp về cái chết anh dũng của anh trai mình: “Anh tôi sinh năm 1917 (năm Đinh Tỵ). Tôi nhớ anh bị bắt và bị xử bắn vào tháng giêng năm 1946. Anh cùng đồng chí vào họp ở Khánh Vân (nay thuộc xã Khánh Bình) huyện Tân Uyên, trên đường đi về thì bị giặc Pháp bắt nhốt ở Khám Lớn tại Thủ Dầu Một. Khi đó cả nhà được tin nhưng chúng không cho vào thăm. Một tuần sau thì chúng đem anh ra xử bắn (khoảng 15 giờ) cùng với rất nhiều người khác. Một người chăn vịt trong lều gần đó chứng kiến và kể lại: “Anh tôi là người bị bắn sau cùng vì chúng muốn anh phải chứng kiến cảnh đồng đội của anh bị bắn. Thế nhưng, anh không run sợ mà còn lớn tiếng chửi chúng bằng tiếng Pháp, chúng khóa miệng anh lại bằng loạt súng được bắn từ miệng ra sau gáy. Xác của anh tôi cùng mọi người bị giữ lại, bọn chúng không cho lấy xác về chôn cất. Một trận mưa lớn làm xác anh trôi ra suối, nằm ngửa mặt lên. Đến nửa đêm người nhà tôi lén lút lấy xác anh về chôn cất. Anh mất khi mới 29 tuổi, chưa kịp lập gia đình”...

Những lời tâm sự của bà Lương được kể dưới mái hiên nhà của bà hiện ở ấp 6, xã Tương Bình Hiệp, TP.TDM. Bà Lương nói: “Tui bây giờ còn minh mẫn nên rất muốn kể lại chuyện anh trai mình cho con cháu trong nhà nghe. Chúng phải biết gương hy sinh anh dũng của chú, bác, ông mình mà tự hào, để sống sao cho xứng đáng với tổ tiên, dòng tộc. Tôi lo ngày mình mất đi, những chuyện về anh cũng không còn ai nhớ tới nên hễ có dịp giỗ chạp hay tết  nhất con cháu tề tựu, tôi lại kể chuyện của anh Xạ... Anh tôi thứ tư, tôi là em gái út, thứ mười trong gia đình mà nay đã ngoài 80. Bạn bè chiến đấu của anh cũng không còn ai...”.

Những người thân của liệt sĩ Nguyễn Văn Xạ còn có niềm tự hào bởi ông là 1 trong 46 cán bộ và nhân dân xã Chánh Hiệp, quận Châu Thành, tỉnh Thủ Dầu Một (cũ) bị thực dân Pháp bắn chết. Sau đó, nhân dân xã Chánh Mỹ đã lập bia Cầu Bún để tưởng niệm vào ngày 7-7-1986. Tấm bia tưởng niệm hiện nay được trùng tu vào ngày 15-1-2000.   Bà Lương đang kể về anh trai mình

Để biết rõ hơn về người liệt sĩ kiên trung này, chúng tôi đã lần tìm từ những nhân chứng cũng như tư liệu lịch sử tại các xã, phường: Chánh Mỹ, Hiệp Thành, Phú Cường và Chánh Nghĩa (thuộc địa bàn Chánh Hiệp cũ) nhưng không có tài liệu nào ghi lại danh sách cũng như sự kiện 46 người bị thực dân Pháp “bắn tập thể” vào năm 1946. Cán bộ địa phương đều cho rằng, hầu như họ không có tài  liệu đầy đủ về sự kiện này. Hồ sơ liệt sĩ ở Sở Lao động - Thương binh và Xã hội  cũng ghi ngắn gọn tên, tuổi, năm hy sinh, số bằng Tổ quốc ghi công.  Ở phường Chánh Nghĩa, TP.TDM hiện có lưu tên và người thừa hưởng các chế độ của liệt sĩ Nguyễn Văn Xạ. Để tưởng nhớ đến ông, hàng năm vào dịp 27-7 hay lễ, tết... chính quyền địa phương đều đến gia đình anh em của ông thăm hỏi và động viên.

Cầu Bún là nơi ghi dấu những năm tháng hào hùng kháng chiến chống ngoại xâm của nhân dân Thủ Dầu Một. Nơi đây biết bao người con đã nằm xuống vì dân tộc, vì đất nước. Hôm nay, chúng tôi đã đến đây, cùng gia đình lần tìm một trong những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh anh dũng cho độc lập của Tổ quốc. Âu cũng là chút tri ân của thế hệ sau với người đã khuất. Mộ phần ông nằm lại với đất mẹ, căn nhà từ đường của dòng họ khá khang trang tại phường Chánh Nghĩa, TP.TDM cũng là nơi thờ tự liệt sĩ Nguyễn Văn Xạ. Theo những người thân của ông, sự hy sinh của liệt sĩ Nguyễn Văn Xạ sẽ như một tấm gương lớn cho con cháu, cho mọi người biết sống vì nghĩa lớn, biết hy sinh cho quê hương, đất nước thanh bình...

Chúng tôi cũng đã tìm đến ông Nguyễn Hậu Tài, nhà ở phường Phú Cường, TP.TDM, cán bộ cách mạng lão thành nay đã 98 tuổi để hỏi thêm về 46 người bị giặc Pháp bắn năm 1946. Ông Tài cho biết: “Hồi đó, suýt chút nữa tôi cũng bị chung số phận với họ. Tôi làm thư ký Ban Tuyên truyền và trước đó một hôm, được lệnh vào căn cứ gặp đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh (phụ trách Ban Tuyên truyền) để nắm tình hình. Chiều tối hôm trước, xong việc, tôi trở về tá túc gần cầu Ông Cộ. Hôm sau nghe tin giặc Pháp vào bắt và bắn giết hàng loạt cán bộ nhân dân ở Suối Giữa. Nghe kể lại, có một người giả làm phụ nữ, bồng đứa con chạy thì thoát chết. Có lẽ đó là nhân chứng biết rõ nhất về vụ thảm sát. Nhưng, bao năm dâu bể như thế, biết tìm đâu ra người này?...”.

QUỲNH NHƯ

Bài 3: Một biểu hiện của sự tri ân

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên