Chuyện tình buồn của Mark Twain

Cập nhật: 24-04-2010 | 00:00:00

Vào tháng 4 năm nay, nước Mỹ kỷ niệm 100 năm ngày mất của Mark Twain, nhà văn cổ điển nổi tiếng trên toàn thế giới. Nhân dịp này, lần đầu tiên người ta sẽ công bố hồi ký của ông, trong đó chứa đựng câu chuyện tình buồn thảm.

100 năm ngày mất của tác giả cuốn truyện mà hầu như ai cũng đọc - Tom Sawyer, cũng đúng vào thời gian mà theo ý nguyện của Mark Twain, hậu thế được phép công bố cuốn hồi ký của ông.

Mark Twain

Cần nhắc lại rằng, vào những năm cuối đời, Mark Twain viết hồi ký và để lại di chúc trước khi chết, trong đó nói rõ chỉ 100 năm sau mới được công bố nó. Trường Đại học tổng hợp Berkeley (California), nơi lưu giữ các trang viết của Samuel Langhorne Clemens (tên thật của Mark Twain) sẽ đảm trách việc in ấn, công bố hồi ký của ông.

Toàn bộ hồi ký của Mark Twain gồm 5.000 trang và sẽ được in thành 3 tập. Những nhà lưu trữ và các nhà phê bình nghiên cứu văn học đặc biệt lưu ý một phần trong hồi ký gồm 429 trang. Đây là phần mà Mark Twain già yếu dọa dẫm cô thư ký và là người tình của mình - Isabel Lyon.

Câu chuyện tình giữa nhà văn và Isabel Lyon có thể tóm tắt ngắn gọn như sau: Vào năm 1902, vợ của Mark Twain là Olivia Clemens nhận giúp đỡ người phụ nữ quý tộc bị phá sản Isabel Lyon. Sau đó 2 năm -1904, Olivia Clemens qua đời, chung sống 34 năm với Mark Twain. Trước khi đi qua bên kia thế giới, Olivia Clemens nhờ Isabel Lyon chăm sóc đứa con gái út của mình là Gin, vốn bị bệnh phong.

Sau khi vợ mất một thời gian, Mark Twain và Isabel Lyon (lúc này đã là thư ký của nhà văn) bắt đầu có quan hệ yêu đương. Nhà nghiên cứu Laura Trombley - tác giả cuốn sách Người đàn bà khác của Mark Twain (Mark Twain’s Other Woman) – khẳng định: Quan hệ giữa hai người rất tuyệt vời. Nhà văn còn gọi đùa Lyon là “sư tử cái” và nói bà (khi đó 38 tuổi) có vóc dáng như gái 17 tuổi. Cuối cùng thì hai người cưới nhau.

Tuy nhiên, sau đó quan hệ tình cảm giữa hai người bị đổ vỡ. Mark Twain thay đổi hẳn thái độ đối với Lyon và gọi người phụ nữ này bằng đủ thứ tên: “Người nói dối, kẻ lừa đảo, quân trộm cắp, giả nhân giả nghĩa, nát rượu, hèn nhát, tống tiền, phản bội, bẩn thỉu, con điếm dâm dục”. (a liar, a forger, a thief, a hypocrite, a drunkard, a sneak, a humbug, a traitor, a filthy-minded and salacious slut pining for seduction). Ngoài ra, nhà văn còn tước quyền sở hữu ngôi nhà nhỏ của Isabel Lyon, mà trước đó ông đã tặng bà nhân dịp Giáng sinh. Cuối cùng thì Mark Twain cho Isabel Lyon xem 429 trang - “hồ sơ dọa dẫm” (blackmail dossier) - trong đó cáo buộc người thư ký của mình quyến rũ ông để chiếm đoạt tiền của. Nhà văn dọa nếu Isabel Lyon tiếp tục vòi vĩnh tiền của ông hoặc của gia đình ông thì ông sẽ công bố hồ sơ này. Sau scandal này ít lâu thì Mark Twain qua đời.

Các nhà lưu trữ và các nhà sử học có những đánh giá khác nhau về mâu thuẫn giữa Mark Twain và Isabel Lyon. Chẳng hạn, nhà nghiên cứu Trombly cho rằng, mọi chuyện xảy ra là do con gái thứ tên là Carla của nhà văn. Vốn dĩ không được Mark Twain cưng chiều, nên khi Lyon xuất hiện, Carla cho đó chính là đối thủ đã cướp đi tình cảm, lòng yêu thương mà lý ra cô phải được hưởng từ bố. Carla bắt đầu tìm mọi cách để đẩy xa Lyon ra khỏi bố mình. Cô kể với Mark Twain rằng, Lyon đã lấy cắp 2.000 USD của gia đình (Crala dựng chuyện hay đó là sự thật thì không ai biết chính xác). Tuy nhiên theo Trombly, cô thư ký và là người tình Lyon chỉ là nạn nhân của câu chuyện do chính Carla dàn dựng. Dường như ngay cả khi Mark Twain qua đời, Crala vẫn tiếp tục cuộc chiến với Lyon. Cô gái này bình thản chờ đợi đến ngày Lyon chết trước mình để công bố chuyện lục đục giữa bố và cô ta - Trombly nhận định. Thực tế diễn ra đúng như vậy. Carla sống lâu hơn đối thủ của mình 4 năm, và lời lẽ cuối cùng thuộc về người phụ nữ này.

Những chuyên gia khác chuyên nghiên cứu về tiểu sử Mark Twain cho rằng, cáo buộc đối với Lyon là có cơ sở. Theo họ, người nữ thư ký này quả là có ý đồ chia rẽ Mark Twain với các cô con gái của ông, kể cả với người con gái út - Gim, bị chết vào năm 1909. Nhà nghiên cứu gia phả Karen Lystra - tác giả cuốn Những quan hệ tình dục nguy hiểm (Dangerous Intimacy) - cho rằng, “hồ sơ dọa dẫm” là tác phẩm quan trọng trong những năm cuối đời của Mark Twain. Trong đó có thể thấy về mặt tình cảm, nhà văn thừa nhận đã rời bỏ con gái ruột của mình - Lystra viết.

Khó có thể tin rằng, một tài liệu cá nhân, gây nhiều tranh cãi như thế lại là tác phẩm văn học quan trọng. Tuy nhiên, có thể khẳng định “hồ sơ dọa dẫm” là tài liệu cực kỳ quý giá. Thông qua đó, các nhà nghiên cứu có thể tìm hiểu sâu hơn một quãng đời của nhà văn, người được độc giả yêu mến qua những tác phẩm đầy sức hút của ông.

Mark Twain tên thật là Samuel Langhorne Clemens, sinh ngày 30-11-1835 tại bang Missouri, Mỹ và là nhà văn, nhà báo, nhà hoạt động xã hội. Các tác phẩm của ông có nhiều thể loại: hiện thực, lãng mạn, hài, châm biếm, trinh thám… Nhưng dù ở thể loại nào, Mark Twain vẫn luôn thể hiện quan điểm của nhà nhân đạo và nhà dân chủ.

Khi tài năng đạt đến độ chín, ở đỉnh cao sáng tạo, Mark Twain đã chinh phục toàn nước Mỹ. Nhà văn Mỹ - William Faulkner (1897 - 1962) viết: “Mark Twain là nhà văn Mỹ đầu tiên mà từ trước đến nay chúng ta đều là những người kế tục ông”. Còn Ernest Hemingway nói: “Tất cả văn học đương đại Mỹ đều khởi nguồn từ một tác phẩm The Adventures Of Huck Finn (Cuộc phiêu lưu của Huck Finn). Mark Twain mất ngày 21-4-1910.

(THEO THANH NIÊN)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=494
Quay lên trên