Chuyện trồng người của bóng đá Bình Dương

Cập nhật: 04-07-2013 | 00:00:00

 Cách đây gần 1 tháng, trên diễn đàn của Hội Cổ động viên bóng đá Bình Dương từng đăng tải một chủ đề dù cũ, nhưng lại gây chú ý. Đó là chuyện các tài năng trẻ đầy hứa hẹn trong tương lai của bóng đá Bình Dương đang được đào luyện tại Học viện Bóng đá Arsenal - HAGL JMG với những Nguyễn Trung Tín, Lê Đức Lương (báo Bình Dương đã từng đăng tải) hoặc đã từng lọt vào vòng chung kết toàn thế giới trong chương trình tìm kiếm tài năng của Học viện Bóng đá Aspire Qatar (Nguyễn Minh Hùng và Nguyễn Phong Hồng Duy)… Nói chung, Bình Dương không thiếu những tài năng nhí - được xem như những hạt giống tốt. Nhưng vấn đề là làm sao phát hiện, không bỏ sót, ngăn chặn tình trạng “chảy máu tài năng trẻ”; tập hợp được những hạt mầm này về một mối để chăm bón, đào tạo trở thành những cầu thủ giỏi sau này cho bóng đá Bình Dương và nước nhà?   Tài năng trẻ Lê Đức Lương (phải) gốc Bình Dương trong đội hình thi đấu cho U19 HAGL tại VCK U19

Đây là câu hỏi mà Chủ tịch LĐBĐ Bình Dương Vũ Đức Thành cũng như những ai tâm huyết với bóng đá đất Thủ đều rất trăn trở. Đã rất nhiều lần, vấn đề xây dựng học viện đào tạo bóng đá hoặc trung tâm đào tạo tài năng trẻ giống như mô hình Học viện Bóng đá Arsenal - HAGL JMG hay Trung tâm đào tạo PVF đã được đặt ra. Tuy nhiên, sau gần 3 năm, mọi kế hoạch mới chỉ dừng lại ở ý tưởng hoặc chỉ được triển khai ở dạng đề nghị hợp tác song phương với một đối tác nào đó. Ông Cao Văn Chóng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần CLB Bóng đá Bình Dương (BFC), đơn vị quản lý và điều hành CLB Becamex Bình Dương đang tranh tài tại V-League cũng rất quan tâm đến vấn đề này. Ông Chóng chia sẻ rằng, hầu như tháng nào công ty cũng nhận được những email đề nghị hợp tác xây dựng học viện hoặc trung tâm đào tạo bóng đá trẻ từ khắp nơi trên thế giới gửi đến. Tuy nhiên, qua kiểm tra năng lực, mục đích thật sự thì thấy phía đề nghị vẫn còn nhiều vấn đề nên chúng tôi vẫn đang chờ đợi những dự án hợp tác thật sự nghiêm túc và khả thi.

Hiện nay, Tổng Công ty Becamex IDC giao phần đào tạo trẻ cho Công ty TDC, Công ty BBF chỉ tập trung lo mặt trận V-League với đội bóng B.BD. Có thể, đây là lý do mà công tác đào tạo trẻ chưa phát huy hiệu quả do không có sự thông suốt một mối từ trên xuống.

Lãnh đạo Tổng Công ty Becamex IDC và BFC không ngồi chờ người ta tìm đến nhà gõ cửa mà đã tự tìm kiếm cơ hội hợp tác. Trong tháng 6 vừa qua lãnh đạo Tập đoàn Tokyu và Công ty Quản lý CLB bóng đá nhà nghề Kawasaki Frontale (giải J-League, Nhật Bản) đã có những đồng ý về nguyên tắc, trong đó có việc xem xét thành lập học viện đào tạo cầu thủ giữa 2 đối tác trên, được đặt tại Bình Dương. Điểm mà 2 phía đang quan tâm là hiệu quả và chuyển giao, tránh đi vào lối mòn hoặc vết xe đổ của những mô hình từng ra đời trước đó ở châu Á. Sao cho, khi dự án hình thành và đi vào hoạt động thì Học viện bóng đá của Becamex Bình Dương sẽ không thua kém mấy so với Học viện Bóng đá Arsenal - HAGL JMG về mức độ hiệu quả trong công tác nuôi trồng nhân tài - cầu thủ.

Hy vọng, nếu học viện bóng đá nói trên sớm được triển khai và đi vào hoạt động vào cuối năm 2014 thì dự kiến đến năm 2022, bóng đá Bình Dương sẽ không còn khắc khoải với việc đổ hàng đống tiền mua cầu thủ từ khắp nơi về thi đấu, mà không thật sự mang lại hiệu quả như trong 4 năm vừa qua do thiếu tính chuyên nghiệp, phù hợp với lối chơi của toàn đội và nhất là thiếu tính màu cờ sắc áo. Chẳng những vậy, chúng ta hoàn toàn có thể nghĩ đến trong vòng 7 đến 9 năm tới, bóng đá Bình Dương sẽ xuất khẩu cầu thủ giỏi cho Manchester United, Chelsea hay AC Milan? Mong đây chẳng phải mãi mãi là giấc mơ với bóng đá Bình Dương!

 CHÍ THANH
Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên