Nếu ai đó đã đi qua tuyến đường ĐT749B (xã Minh Hòa, Dầu Tiếng) thì đều bằng lòng với “danh hiệu” mà chúng tôi tạm đặt. Bởi, tuyến đường dài hơn 10km này đang xuống cấp trầm trọng với nhiều ổ gà, ổ voi và một lớp dày đất đỏ bụi mù. Nhiều năm qua, tuyến đường này là nỗi ám ảnh của bà con nơi đây.
Anh Nguyễn Trung (Hòa Lộc) chỉ nơi ông Khiêm bị té ngã
Bức xúcĐường ĐT749B, đoạn từ Trung tâm hành chính xã Minh Hòa đi qua các ấp Hòa Cường, Hòa Thành, Hòa Lộc có bề ngang 8m và chiều dài khoảng 13km. Theo ghi nhận của chúng tôi, tuyến đường này đã hư hỏng một cách trầm trọng với hàng loạt ổ gà, ổ voi và nhiều chỗ trũng sâu hơn nửa mét.
Bà Nguyễn Thị Thu Minh, ấp Hòa Lộc tỏ ra rất bức xúc: “Nhà tôi ở TX.TDM, tôi lên đây mua rẫy để làm trang trại từ nhiều năm qua. Đường ĐT749B là con đường mà tôi thường xuyên qua lại. Phải nói đi cả tỉnh không có tuyến đường nào xấu hơn tuyến đường này. Mùa nắng thì bụi mịt mù, mùa mưa thì vô cùng lầy lội. Hàng ngày, tôi chứng kiến không biết bao vụ tai nạn, phần lớn là tự té vì đường quá xấu. Vừa nói, bà Minh vừa giơ chân lên chỉ, chính tôi cũng đã nhiều lần bị té, lần nặng nhất bị gãy chân phải nằm viện gần tháng trời. Nghỉ một lúc, bà Minh nói tiếp, mong ước của bà con nơi đây là mong muốn Nhà nước sớm làm con đường để bà con không còn chịu cảnh khổ cực khi lưu thông...”.
Theo chỉ dẫn của bà Minh, chúng tôi tìm đến nhà của ông Hai Khiêm (ấp Hòa Thành), người mới được điều trị ở bệnh viện về cũng với lý do tự té ngã khi lưu thông trên tuyến đường này.
Ông Khiêm vẫn còn tỏ ra đau đớn với chiếc xương sườn bị gãy chưa lành hẳn kể lại với chúng tôi: “Bản thân ông là người ở địa phương nêu khá rành về địa hình của tuyến đường này thế mà cũng trở thành nạn nhân. Hôm đó, ông đi rất chậm nhưng vì có chiếc xe ben chở cát chạy qua, ông lách vào lề để tránh nhưng vì bụi quá nên không thấy gì, thế là đâm thẳng vào một ổ voi. Hậu quả là xe bị ngã và ông bị gãy 3 chiếc xương sườn phải điều trị tại bệnh viện hơn tháng với chi phí lên tới vài chục triệu đồng.
Ông Khiêm nói tiếp, mình lớn thì còn chịu được nhưng nhìn những đứa trẻ con đi học mới thấy tội nghiệp làm sao. Sáng bước ra khỏi nhà với quần xanh, áo trắng thật đẹp. Đến trường thì quần và áo đã chuyển sang màu đỏ và khi học xong quay lại về nhà thì ngoài quần áo có màu đỏ còn có tóc tai và mặt mày cũng dính đầy đất đỏ.
Nghỉ học vì đường xấu
Minh Hòa là xã xa nhất của huyện Dầu Tiếng, ở Minh Hòa cũng tập trung khá đông đồng bào dân tộc thiểu số và dân nhập cư đang sinh sống bằng nghề làm trang trại và đánh bắt cá trên lòng hồ Dầu Tiếng. Nhờ những chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nên những năm qua người dân ở xã Minh Hòa nói chung đã có những sự thay đổi rõ rệt. Cuộc sống khá giả hơn, nhiều gia đình đã cho con học tới đại học.
Tuy nhiên, ở các ấp Hòa Lộc, Hòa Thành còn rất nhiều trẻ em nghỉ học sớm vì lý do con đường quá xấu nên trẻ chán nản và dẫn đến bỏ học.
Anh Nguyễn Văn Đỏ, tổ 7, ấp Hòa Lộc cho biết: Anh có 5 đứa con nhưng cả 5 đều chỉ học tới lớp 5 thì nghỉ với lý do đường xa và quá xấu nên không thể đi học được. Anh Đỏ nói: “Công việc hàng ngày của tôi là đánh bắt cá trên lòng hồ Dầu Tiếng nên không thể đưa đón con đi học được. Trước đây, khi còn học cấp I, các cháu có thể tự đi vì trường còn gần. Bây giờ lên cấp 2 thì học ở xa hơn, cách nhà hơn 10km. Đường thì quá xấu nên các cháu đều bỏ học. Thôi thì nối nghiệp cha vậy”.
Và hiện tại, 5 đứa con của anh Đỏ (3 trai - 2 gái) đều theo cha làm nghề đánh bắt cá trên lòng hồ Dầu Tiếng.
Còn chị Lâm Thị Tới (ấp Hòa Lộc) cho biết: Con chị học xong lớp 5 bước sang lớp 6 học được một học kỳ thì xin nghỉ học vì không đủ sức học tập để theo học.
Chị Tới nói: “Hàng ngày, con trai tôi phải thức dậy lúc 5 giờ, ăn sáng và đạp xe vượt qua gần 10km để đến trường. Nếu đường đẹp thì không có gì để nói, đằng này con đường quá xấu, xe ben chở cát thì chạy liên tục mà chạy ẩu nữa chứ, nên mỗi lần con tôi ra khỏi nhà là tôi vô cùng lo lắng. Học xong, hơn 12 giờ cháu mới về tới nhà. Thấy cháu về tôi mới yên tâm. Học xong học kỳ I, cháu xin nghỉ vì không chịu nổi nữa. Nghe con xin nghỉ, tôi buồn lắm nhưng cũng đành chấp nhận vì hoàn cảnh không cho phép tôi đưa đón con đi học hàng ngày hoặc chuyển đến sinh sống tại khu vực gần trường”.
Tại ấp Hòa Lộc số trẻ em đi học cấp 2 và 3 là khá ít. Gia đình có điều kiện thì gửi con đến ở gần trường hoặc đưa đón con đi học. Gia đình khó khăn thì phó mặc cho bọn trẻ. Các em tự đi học bằng chiếc xe đạp, khi nào đuối sức thì xin nghỉ học và cha mẹ cũng không thể ép con vì họ biết có ép gì thì trước sau các cháu cũng nghỉ học.
Đã có kế hoạch làm đường!
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Cảm, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Minh Hòa cho biết: “Cứ mỗi lần họp dân ở các ấp Hòa Cường, Hòa Thành, Hòa Lộc là mỗi lần người dân đem chuyện con đường ĐT749B ra bàn và hỏi lãnh đạo khi nào thì làm. Lãnh đạo xã chỉ biết ghi nhận và kiến nghị lên cấp trên vì đây là tuyến đường do tỉnh quản lý.
Lãnh đạo địa phương cũng thừa nhận là tuyến đường này đã hư hỏng trầm trọng trong nhiều năm qua. Ông Cảm nói: “Tuyến đường này rất xấu, quá nhiều ổ gà, ổ voi và hàng loạt chỗ trũng. Hàng ngày còn có rất nhiều xe ben chở cát chạy qua lại. Trên tuyến đường này đã xảy ra nhiều vụ tai nạn, trong đó có nhiều em học sinh.
Cũng theo ông Cảm, trong cuộc tiếp xúc với cử tri tại xã Minh Hòa vừa qua, đại biểu HĐND tỉnh có trả lời cử tri là tuyến đường trên đã được HĐND tỉnh phê duyệt và sẽ tiến hành làm trong năm 2010.
Lãnh đạo UBND huyện Dầu Tiếng cũng khẳng định với phóng viên báo Bình Dương: “Tuyến đường ĐT749B đã có quyết định chính thức được nhựa hóa và sẽ được thi công trong năm 2010”.
Theo ghi nhận của chúng tôi thì tuyến đường ĐT749B chưa có những dấu hiệu gì cho thấy đang chuẩn bị được thi công. Quý I-2010 sắp hết, quyết định đã có nhưng không biết đến khi nào hơn 700 hộ dân nơi đây, trong đó có rất nhiều học sinh được đi trên con đường bằng nhựa. Câu trả lời này dành cho các cơ quan chức năng.
NHÂN QUANG