Chuyện về một nghệ nhân trồng lan

Cập nhật: 30-07-2019 | 09:30:20

Ông Nguyễn Văn Te, ngụ phường Dĩ An, TX.Dĩ An gắn bó với nghề trồng lan như một cơ duyên. Trong khoảnh sân rộng 300m2 của khu đất quý như vàng của gia đình, ông dành để trồng lan, gắn bó với lan.


Những chậu lan của ông Nguyễn Văn Te.
Ảnh: TIỂU MY

Thiên duyên

Chúng tôi tìm đến nhà ông Te trong buổi trưa nắng in tròn bóng người cùng anh Lê Minh Thiện, Phó Chủ tịch Hội Nông dân phường Dĩ An. Vừa đi anh Thiện vừa kể về vườn lan hơn 300m2 của ông ngay giữa trung tâm TX.Dĩ An - nơi mà giờ đây một mét vuông đất lên đến vài chục triệu đồng.

Dừng xe trước một quán cà phê nhỏ với nhiều giỏ lan, chúng tôi gọi cửa đến ba lần vẫn không thấy chủ nhân trả lời. Anh Thiện quay sang trấn an chúng tôi: “Chú Te trồng cây cảnh, chơi lan nổi tiếng nhưng rất kiệm lời, ngại tiếp xúc… Nếu ở đây không có người tiếp em sẽ dẫn chị đi nơi khác”. Có lẽ lời giới thiệu của anh Thiện trên suốt đường đi làm tôi càng mong muốn gặp nghệ nhân trồng lan nổi tiếng của vùng đất này.

Sau một hồi chờ đợi, ông Te mở cửa tiếp chúng tôi. Thấy anh Thiện, ông cười nói: “Gì đó mày, lại nghệ nhân hả? Chú đã bảo rồi, chú chỉ chơi cho vui, có gì mà cứ vận động tham gia này nọ…”. Biết chúng tôi là phóng viên đến tìm hiểu viết về mô hình trồng lan, ông trầm ngâm một hồi rồi “miễn cưỡng” nói: Chú thích lan, chơi lan như nhiều người khác, không có gì để kể cả.

Một hồi tâm tình, rồi ông cũng mở lòng. Ông kể, ông chơi lan đã 40 năm, từ hồi 17 - 18 tuổi. “Ba tui thích cây kiểng, bông hoa, nhà lúc ấy lại có tí điều kiện nên nghe nói ở đâu có giống lan quý, lan lạ là ổng tìm đến trao đổi, giao lưu. Tôi cũng theo lan từ đó”, ông nói.

Ông Nguyễn Văn Te chưa bao giờ nhận mình là nghệ nhân nhưng theo anh Lê Minh Thiện, Phó Chủ tịch Hội Nông dân phường Dĩ An thì ông Te là một trong những nghệ nhân tạo dáng cây cảnh nổi tiếng ở địa phương. Hiện nay, thu nhập chủ yếu của ông là từ cây cảnh, cho thuê phòng trọ, mỗi tháng hàng trăm triệu đồng. Còn vườn lan ông trồng chủ yếu vì là niềm đam mê, để có dịp cùng chia sẻ với những người yêu lan.

Ông Te nhớ lại, ngày trước thú vui còn ít, chơi lan thì lâu lâu được lên Vĩnh Phú, Thủ Đức đàm đạo, trao đổi nên con trai mới lớn như ông cũng muốn theo. Khi bắt đầu thích hoa lan, ông tìm đọc sách viết về hoa lan, sưu tầm lan, rôi ông… “yêu” cây lan từ lúc nào không biết. Nhưng rồi “tình yêu” hoa lan của ông cũng có lúc gián đoạn khi ông lập gia đình.

Đó là những năm 80 của thế kỷ trước. Khi đó, đời sống của nhiều gia đình rất khó khăn, riêng ông phải lo làm lụng để nuôi vợ con, đâu còn cơ hội để chơi hoa lan như trước. Rồi gia đình ông gặp sự cố. Ông thoáng buồn khi kể về câu chuyện chia ly với lý do giận hờn chồng vợ như một câu chuyện số phận để hai con người độc thân như hai đường thẳng song song, dù khoảng cách địa lý chưa đầy 1km. Cái tự ái tuổi trẻ đã đẩy hai người xa ra và cứ thế không ai tự kéo gần khoảng cách. “Nói vậy thôi chứ từ ngày nội tôi mất bả với con gái tôi vẫn đem thức ăn qua mỗi ngày. Bả bịnh tôi vẫn qua chở đi khám, chỉ là không ở với nhau thôi”, ông chia sẻ.

Sau chuyện buồn gia đình, ông lại tìm về cây cảnh - hoa lan như vơi đi khoảng trống tình yêu ông vừa trải qua. Trong những khó khăn đó, ông về “gầy dựng” hoa lan trên mảnh đất 300m2 của ông bà nội. Ngày ngày tạo dáng cây, ghép lan, chăm lan… ông ngày càng gắn bó với vườn lan. Hàng ngày ra vào đều nhìn thấy hoa lan, chậu lan đua nhau khoe sắc, ông cảm thấy ấm áp, tươi mới tâm hồn. “Tôi bén duyên với nghề tạo dáng cây cảnh, bonsai và sống với nghề trồng lan từ đó đến giờ…”, ông Te tâm tình.

Rồi ông say sưa “bật mí” cho chúng tôi nghe về từng đặc tính của các loại lan hiếm của vườn nhà, cách phân biệt từng loại lan quý như kiếm, các đa da, đen rô, dã hạ… Ông lý giải vì sao gọi là lan quý; trong giới chơi lan truy lùng lan quý ra sao; cách phân biệt những loại lan ghép nhập từ nước ngoài và lan rừng quý như thế nào. Ông cũng kể về những kỷ niệm với nghề trồng lan của mình, về những người “nghiện” lan ở tận Hà Nội vào chỗ ông chỉ vì nghe vườn lan của ông có loại lan quý; rồi cả những câu chuyện anh em trong hội khát khao một giống lan quý, chia nhau từng giống lan quý như thế nào…

Mấy năm nay, tuổi ngày một cao nên sức khỏe không còn như trước, ông giảm dần cây cảnh song vẫn giữ lại vườn lan. Ông thuê cả người bán cà phê phục vụ hội chơi lan, có thời điểm ông chỉ… huề vốn.

Trồng lan không chỉ để bán

Đang say sưa câu chuyện về hoa lan, ông bỗng nhiên buông tiếng thở dài… “Tiếc là thú chơi tao nhã này rồi cũng vướng vào cám dỗ của đồng tiền”, ông nói. Ông tâm tình, ông cảm thấy buồn khi đâu đó vẫn có những người chơi lan lừa nhau, đánh tráo. “Lan chỉ có giá cao khi nó là giống tự nhiên, loài quý hiếm. Có lúc người ta đăng lên tìm được loài lan quý, hét giá đến vài trăm triệu đồng nhưng hóa ra chỉ là giống ghép từ nước ngoài đem về. Với giống ghép này, chỉ thời gian ngắn là được nhân giống tràn lan, thế là người mua bị hố nặng với giá ảo”, ông thở dài chia sẻ.

Ông cho hay, giới chơi lan không lạ gì với câu chuyện cùng nhau mua một củ lan quý vài chục triệu đồng rồi nhân lên chia nhau; hay say mê một loại lan nào đó thì cũng tìm cách mua cho bằng được, rồi trao đổi với nhau. Người ngoài nhìn vào thấy bán một chậu lan quý vài chục triệu đồng xuýt xoa lợi nhuận, nhưng ai đã trong nghề đều biết chẳng ăn thua gì vì có thể ngày mai đã bỏ ra ngần ấy tiền mua lấy một nhành lan khác.

Khi chúng tôi hỏi về những câu chuyện có chậu lan lên đến bạc tỷ thì ông lắc đầu nguầy nguậy: Đó chỉ là cách làm giá ảo dựa vào thói ngông cuồng của một số ít giới nào đó. Giới chơi lan thật chẳng bao giờ bỏ ra ngần ấy số tiền để mua lan. Câu chuyện giá cả đó ông từng nghe nhưng sự thật bao nhiêu phần trăm thì chỉ có người bán và người mua mới hiểu.

Nhiều người trồng lan để kinh doanh, nhưng với ông thú chơi lan để lấp đầy, đắp đổi với tình yêu loài hoa thanh tao này. Ông với lấy một cây lan thân thòng (giã hạt) màu vàng quý khoe với chúng tôi vừa mua được từ nhóm bạn ở Thủ Đức (TP.Hồ Chí Minh) sau bao ngày săn tìm như một minh chứng về sự tận tụy, nhiệt thành phụng sự “tình yêu” của những người chơi lan thứ thiệt. Ông cho biết thu nhập chính của gia đình ông là từ trồng cây kiểng, tiền cho thuê phòng trọ. Còn vườn lan, chủ yếu là để ông thưởng thức, chia sẻ, đàm đạo cũng những người có sở thích về lan.

Tạm biệt ông ra về, trong lòng chúng tôi dâng lên một sự thán phục về loài hoa thanh tao vượt lên trên những toan tính vật chất và những câu chuyện thường nhật. Tôi chợt nhận ra cuộc đời đâu chỉ có áo cơm…?!

Nhìn vào ngôi nhà nhỏ của ông không bóng dáng phụ nữ đã lâu, mọi người dễ nhận thấy mọi thứ vẫn sạch sẽ, ngăn nắp, tinh tươm, bày trí đẹp mắt. “Cái sự kỹ lưỡng, tỉ mỉ và cả duy mỹ này của tui xuất phát từ nghề trồng lan. Vì khi đã “nặng lòng” với lan thì đi đâu tui cũng muốn đẹp, ngồi đâu cũng muốn nhìn cái đẹp và sự hoàn mỹ. Bao nhiêu năm nay, tui lập ra quán cà phê này cũng là để đón những người có cùng đam mê đến đàm đạo chuyện nghề, chia sẻ cái thú vui tao nhã mà họ trót dấn thân”, ông Te nói.

 TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1773
Quay lên trên