Chúng tôi quay trở lại xã An Bình, huyện Phú Giáo vào những ngày đầu tháng 3. Thỉnh thoảng, cơn gió nhẹ thoáng qua, xua đi cái nóng của tiết trời mùa khô. Những con đường giao thông nông thôn mới khang trang, sạch đẹp kết nối, đưa chúng tôi đến thăm các mô hình làm kinh tế nông nghiệp của những nông dân (ND) tỷ phú ở làng quê này…
Với nghị lực làm giàu ông Đinh Ngọc Khương (bên trái) hiện đang sở hữu cơ nghiệp tiền tỷ, chia sẻ với chúng tôi về ý chí vượt khó vươn lên làm giàu chính đáng
“Có chí thì nên…”
Ông Đinh Ngọc Khương được người dân ở xã An Bình gọi bằng cái tên trìu mến là “Khương gà”. Khác với những suy nghĩ ban đầu về những người ND lam lũ, ông Khương có phong cách của một doanh nhân thời đại ứng dụng kỹ thuật cao. Dẫn chúng tôi đi tham quan trang trại nuôi gà, vườn cây sầu riêng, ông Khương cho biết, trước đây cuộc sống nhiều khó khăn, để có thể trang trải cuộc sống, ông phải làm đủ nghề, sau đó gom góp được ít vốn và vay mượn thêm mua được 2 hécta đất vườn để trồng khoai mì, trồng cây nhãn và chăn nuôi. Rồi từ đó đi lên phát triển, hiện nay gia đình ông có tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp hơn 12 hécta, trong đó có 4 hécta trồng sầu riêng đang cho trái, 4 hécta cao su đang cho khai thác, còn lại diện tích 5 hécta dùng để xây chuồng trại chăn nuôi.
Dẫn chúng tôi tham quan khu vực chăn nuôi gà, ông Khương kể, từ năm 2005, gia đình đã bắt đầu chăn nuôi heo với quy mô nhỏ, ban đầu là 10 con heo nái, sau đó mở rộng mua thêm 30 - 40 con heo thịt để nuôi, nhưng vẫn ở quy mô hộ gia đình. Đến năm 2010, khi là hội viên Hội ND xã An Bình, được tiếp cận những mô hình hay, cách làm hiệu quả, được tham gia các lớp tập huấn kiến thức về làm kinh tế nông nghiệp hiệu quả, ông bắt đầu áp dụng triển khai, nuôi thêm gà thịt, ban đầu số lượng chỉ khoảng 20.000 con, sau đó phát triển dần quy mô đàn gà song song với nuôi heo. Vào thời điểm ấy heo thịt được giá, đầu năm 2017, gia đình ông đầu tư xây trang trại nuôi heo với quy mô lớn hơn để phát triển đàn heo.
Hiện nay, tổng đàn gà của ông Khương thông qua đầu mối là hơn 600.000 con, có đầu ra ổn định. Nhờ chủ động được con giống nên mô hình chăn nuôi gà của gia đình ông mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, có sức lan tỏa trong và ngoài tỉnh. Tổng cộng các mô hình sản xuất đã mang lại cho gia đình doanh thu trên 90 tỷ đồng/năm với mức lợi nhuận khoảng 5 tỷ đồng/năm. |
“Tuy nhiên năm 2019, do bệnh dịch tả heo châu Phi bùng phát đã gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi, trong đó gia đình tôi cũng đã chịu nhiều thiệt hại, trại nuôi heo phải tạm thời bỏ trống, đồng thời khả năng phát triển lại đàn heo cũng gặp rất nhiều khó khăn do khan hiếm về con giống, bệnh dịch chưa có vắc-xin phòng ngừa và có khả năng bùng phát trở lại cao. Sau biến cố này, gia đình tôi quyết định không nuôi heo nữa mà chuyển hướng tập trung vào nuôi gà vì nhận thấy nuôi gà có đầu ra ổn định, tuy một số thời điểm giá xuống thấp nhưng nhìn chung vẫn cho hiệu quả kinh tế ở mức trên trung bình”, ông Khương chia sẻ.
Việc nuôi gà mở ra hướng làm ăn mới. Để chủ động được đầu vào và hạ giá thành sản phẩm, tăng tính cạnh tranh trên thị trường, sau khi tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm, ông Khương quyết định đầu tư thêm trại sản xuất gà giống với quy mô lớn. Trại gà giống được gia đình xây dựng năm 2019 có vốn đầu tư 28 tỷ đồng, ứng dụng công nghệ cao với quy trình khép kín, từ khâu nuôi gà lấy trứng, chọn trứng, ấp trứng và chăm sóc gà con. Trong trại gà giống nuôi 20.000 con gà hậu bị (chuẩn bị cho gà bố mẹ) và 20.000 con gà bố mẹ để lấy trứng ấp, sử dụng 18 máy ấp trứng tự động với công suất mỗi máy 19.200 trứng, công suất tối đa của trại là 600.000 con giống/tháng.
Đến nay, gia đình ông đã tự sản xuất con giống cho các trại gà thịt và cung cấp giống cho các hộ nuôi gà trong và ngoài huyện. Về gà thịt, tổng đàn của gia đình là 200.000 con gà, thời gian nuôi 60 ngày xuất bán, khối lượng mỗi con gà khi bán bình quân 1,7kg, mỗi năm nuôi 4 lứa, cho sản lượng bình quân 1.800 tấn/ năm, với giá bán vào thời điểm 42.000 đồng/1kg gà có thể mang lại lợi nhuận khoảng 5.000 đồng/1kg…
Cũng là một trong những ND sản xuất giỏi của xã An Bình, ông Nguyễn Tấn Liêm nhiều năm nay trồng 4 hécta cây sầu riêng và đang cho khai thác trái với hiệu quả kinh tế cao. Ông Liêm cho biết nhiều năm trước, ông trồng cao su nhưng do giá mủ liên tục giảm thấp, không còn hiệu quả. Sau đó, gia đình ông chuyển qua trồng cây nhãn, nấm linh chi, tuy nhiên hiệu quả kinh tế mang lại cũng không cao vì “được mùa thì mất giá, được giá thì mất mùa”. Được tiếp cận tìm hiểu các mô hình trồng cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, năm 2018 gia đình ông chuyển qua trồng sầu riêng. Với giá bán tại vườn 100.000 đồng/1kg cho thương lái như hiện nay, trừ các chi phí đầu tư gia đình ông thu về lợi nhuận 1 tỷ đồng/vụ. Để nâng cao hiệu quả khai thác kinh tế từ sầu riêng, ông Liêm đã thử nghiệm thành công việc cho sầu riêng ra quả trái vụ, dự kiến mùa vụ sang năm sẽ áp dụng kỹ thuật này cho toàn vườn…
Trách nhiệm, nghĩa tình
Từ hai bàn tay trắng nhưng bằng ý chí nghị lực dám nghĩ, dám làm, khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực như vốn, đất đai, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, những người ND trên địa bàn huyện Phú Giáo như ông Khương, ông Liêm… đã vượt khó vươn lên làm giàu chính đáng với cơ nghiệp tiền tỷ. Không chỉ làm giàu cho bản thân, họ còn biết chia sẻ, giúp đỡ và nêu cao tinh thần sống có trách nhiệm, nghĩa tình với cộng đồng.
Ông Nguyễn Tấn Liêm giới thiệu về việc áp dụng kỹ thuật, giúp cây sầu riêng cho trái trái vụ
Nói về các tỷ phú ND, ông Trịnh Đức Dũng, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Giáo, cho biết những tỷ phú ND trên địa bàn huyện không chỉ tạo doanh thu cao cho gia đình, còn tạo việc làm cho lao động địa phương, góp phần tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Đơn cử, mô hình sản xuất, kinh doanh của gia đình ông Đinh Ngọc Khương đã tạo việc làm cho hơn 50 lao động thường xuyên, với thu nhập thấp nhất là 7 triệu đồng/người/tháng và cao nhất 15 triệu đồng/người/ tháng, tùy vào công việc cụ thể. Mô hình đã được nhiều ND đến tham quan học tập. Một số hộ khó khăn còn được gia đình bán con giống trả chậm không tính lãi để phát triển kinh tế gia đình. Các tỷ phú ND còn sống có trách nhiệm, nghĩa tình với cộng đồng, tích cực đóng góp cho Quỹ vì người nghèo, Quỹ hỗ trợ ND, ủng hộ đồng bào bị thiên tai…
“Đặc biệt, trong thời gian dịch bệnh Covid-19 bùng phát, gia đình ông Khương đã ủng hộ công tác phòng, chống dịch bệnh bằng tiền và nhu yếu phẩm trị giá 130 triệu đồng. Ngoài ra, gia đình còn tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, như tự nguyện chặt cây giải phóng mặt bằng, đóng góp tiền để sửa chữa và làm mới đường giao thông nông thôn và các công trình kết cấu hạ tầng nông thôn với số tiền trên 150 triệu đồng...”, ông Dũng nói.
KHÁNH PHONG