Chúng tôi vừa có dịp rong ruổi trên những cung đường Dầu Tiếng, tìm đến nhà của ông Chín Ngừng - người có 38 năm cống hiến cho ngành cao su Việt Nam. Tiếp chúng tôi tại khuôn viên Khu giải trí Đọt - Champa tại ấp Bàu Khai, xã Định An, người đàn ông trạc ngoại lục tuần với dáng dấp và phong cách đậm chất miền Đông hồ hởi kể về thời rực lửa của tuổi thanh xuân.
Ông Chín Ngừng (trái) trao đổi với phóng viên Báo Bình Dương
Người hùng thầm lặng…
Chín Ngừng là tên thường gọi mà người dân ấp Bàu Khai, xã Định An, huyện Dầu Tiếng dùng để gọi ông Hồ Văn Ngừng, một người con của quê hương Thanh An anh hùng. Nghe tin chúng tôi từ Thủ Dầu Một lên thăm, ông đã chuẩn bị sẵn bữa cơm trưa với những món ăn đồng quê dân giã để cùng nhau dùng bữa và ngược dòng thời gian trở về những ngày tháng không thể nào quên của tuổi trẻ.
Năm 1971, khi vừa tròn 16 tuổi, người thanh niên Chín Ngừng với tinh thần yêu nước và căm thù giặc sục sôi đã rời quê vào rừng tham gia kháng chiến. Với Chín Ngừng, khi quyết định ra đi vào ngày đó, thanh xuân và tính mạng đã gắn liền với màu cờ Tổ quốc. Thời gian đó, Chín Ngừng còn nhỏ nên được tổ chức phân công tham gia công tác vận lương và thông tin liên lạc giữa bộ đội chủ lực và lực lượng kháng chiến tại chỗ. Sau bốn năm kháng chiến trường kỳ cùng đồng đội ở khu vực rừng Dầu Tiếng - Dương Minh Châu, hòa bình lập lại, Chín Ngừng và những người đồng đội của mình lại tiếp tục nhiệm vụ rà soát, gỡ bỏ bom mìn chiến tranh để lại. Phải đến cuối năm 1976, khi bom mìn trên mảnh đất quê hương được gỡ bỏ hết, Chín Ngừng và những người đồng đội của mình mới trở về đơn vị chờ lệnh công tác mới.
Nhận thấy Chín Ngừng là người có tư duy sáng tạo nên từ cuối năm 1976, đơn vị đã phân công ông chuyển công tác qua lĩnh vực kiến quốc, bắt đầu hành trình 38 năm cống hiến không mệt mỏi cho ngành cao su Việt Nam. Cụ thể, năm 1976 Chín Ngừng được phân công về Công ty Cao su Dầu Tiếng, công tác ở đây được 8 năm, năm 1984 Chín Ngừng được tổ chức điều lên Gia Lai để phát triển Công ty Cao su Chư Sê. Bản lĩnh người miền Đông được Chín Ngừng thể hiện rõ nét khi chính tay ông và những người đồng đội được điều động tăng cường hỗ trợ từ Sông Bé đã tạo nhiều đột phá giúp những cánh rừng cao su được phủ xanh trên những ngọn đồi trọc ở cao nguyên nắng gió Gia Lai. Sự thành công của Công ty Cao su Chư Sê vào thời điểm đó đã ghi lại dấu ấn Chín Ngừng với vai trò “thuyền trưởng”, người có nhiều kinh nghiệm, sáng tạo và tư duy đột phá đưa công ty trở thành một trong những đơn vị kinh tế làm ăn hiệu quả.
Sau sự thành công của Công ty Cao su Chư Sê, năm 1991 Chín Ngừng lại được Tập đoàn Cao su Việt Nam điều chuyển công tác về Công ty Cao su Phước Hòa để xây dựng thương hiệu, đưa Cao su Phước Hòa trở thành một trong những doanh nghiệp có đóng góp lớn cho ngành. Và sau này ông được điều chuyển công tác về Tập đoàn Cao su Việt Nam (2000-2004) và Công ty Cao su Việt - Lào (2004-2015). Dù ở bất kỳ đơn vị và vị trí công tác nào, Chín Ngừng đều thể hiện tinh thần đổi mới sáng tạo, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cho đơn vị và vùng đất nơi công tác. Điều đó được Đảng và Nhà nước ghi nhận khi ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới vào ngày 10-10-2009.
Ông Chín Ngừng giới thiệu thời hoa đỏ của mình với những hình ảnh chân thật
Tha thiết với quê hương
Chính thức nghỉ hưu vào năm 2015 khi đã ở tuổi 61, lão thành 45 tuổi Đảng Chín Ngừng trở về sinh sống ở ấp Bàu Khai, xã Định An, nơi mà xưa kia ông và những người đồng đội của mình đã có những tháng ngày chiến đấu oanh liệt để giành từng tấc đất cho quê hương. Khi được nghe hỏi tại sao không về phố thị sống cho an nhàn, ông Chín Ngừng trả lời thẳng thắn: “Đồng đội tôi còn nằm đây, tôi về phố thị sống một mình coi sao đặng!”. Theo ông, ông chọn ở lại xã vùng sâu vùng xa Định An ngoài việc bản thân không thích sự xô bồ của phố thị, ông còn muốn xây dựng và duy trì nhang khói cho những người đồng chí, đồng đội đã ngã xuống nơi đây.
Định An là một trong những địa phương có nền kinh tế thuần nông với phần lớn diện tích được sử dụng làm nông nghiệp theo hướng truyền thống, có hiệu quả kinh tế không cao. Đó cũng là lý do vì sao vùng quê này bao năm tính mãi bài toán thoát nghèo mà vẫn chưa xong. Ông Chín Ngừng cho biết, vào những năm 2015-2016 khi ông mới về hưu và trở về sinh sống tại Định An, ngoại trừ một vài tuyến đường được tỉnh, huyện đầu tư thì phần lớn những con đường dân sinh đều còn nhỏ hẹp, là đường đất, đường sỏi đỏ.
Nhìn những con đường sình lầy vào mùa mưa, bụi mịt mù vào mùa nắng, ông Chín Ngừng càng thêm yêu thương, tha thiết hơn với quê hương Định An. Khi chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động người dân tham gia chương trình Nhà nước và nhân dân cùng làm đường giao thông nông thôn, ông tìm gặp lãnh đạo Đảng ủy, UBND xã Định An để xin được đóng góp 2,5 tỷ đồng vào kinh phí thực hiện giao thông nông thôn trên địa bàn xã. Sau khi ông Chín Ngừng quyên góp một số tiền lớn, nhiều người dân Định An cũng thể hiện quyết tâm xây dựng quê hương tươi đẹp bằng việc tự nguyện hiến tặng đất, tài sản trên đất và tiền để chung tay xây dựng những con đường.
Những ngày cuối mùa khô năm 2021, khi có dịp trở lại Định An, vẫn trên những con đường ấp, liên ấp đó nhưng cảm giác khó chịu vì bụi xộc lên từ mặt đường đã không còn nữa. Với phong trào làm đường giao thông nông thôn đang được đầu tư ngày một mạnh mẽ và sự chung sức, chung lòng của Đảng bộ, Chính quyền, doanh nghiệp và nhân dân, nông thôn Định An đã và đang thay da đổi thịt từng ngày. Chia tay ông Chín Ngừng, trong đầu tôi còn vang mãi câu nói thấm thía của ông: “Làm được một con đường tốt là đã giúp biết bao nhiêu hộ gia đình có cơ hội đổi đời. Trong năm nhu cầu quan trọng của cuộc sống (ăn, ở, đi lại, học hành và chữa bệnh) thì đi lại (đường sá thuận tiện, dễ lưu thông) là yếu tố dẫn đầu. Chỉ khi việc di chuyển, lưu thông hàng hóa… thuận lợi thì các yếu tố kinh tế, xã hội mới phát triển theo được”.
ĐÌNH THẮNG