Xã Thạnh Phước, Tân Uyên là một trong 11 xã điểm được tổ chức thực hiện chương trình truyền thông dân số. Chị Phạm Thị Thu Thủy, cán bộ chuyên trách dân số của xã cho biết: “Năm nay, xã sẽ triển khai thành công chiến dịch truyền thông dân số trong đó tập trung vào người dân ngoại tỉnh đến Thạnh Phước lập nghiệp tại các lò gạch. Với 4 y tế ấp và 6 cộng tác viên dân số, chúng tôi sẽ phối hợp với các đoàn thể tổ chức tuyên truyền, vận động ở cả 4 ấp của xã. Trong đó tập trung cho đối tượng chị em là người dân tộc Khơ-me đến làm thuê tại các lò gạch và công nhân làm việc trong các công ty, xí nghiệp trên địa bàn”. Theo chị Thủy, các hoạt động cụ thể như nói chuyện về sức khỏe sinh sản, khám bệnh phụ khoa, vận động kế hoạch hóa gia đình, không sinh con thứ 3… sẽ có kết quả khi được lồng ghép với những lần sinh hoạt đoàn thể khác. Cán bộ y tế và cán bộ Đoàn - Hội cũng rất tích cực trong việc tuyên truyền về dân số, giảm dần tỷ lệ sinh con thứ 3.
Theo ông Huỳnh Ngọc Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Phước phụ trách văn hóa - xã hội thì khó khăn trong công tác tuyên truyền dân số là nhiều người dân tộc thiểu số không “mặn mà” lắm với chuyện sinh đẻ có kế hoạch. Với công nhân thì đi làm suốt ngày nên cán bộ truyền thông cần phải chịu khó, tận tình. Phải đi đến nhà từng người dân, “nhỏ to tâm sự” về chuyện tránh thai, sức khỏe sinh sản… mới có được hiệu quả như mong muốn.
Thực tế cho thấy là những người dân nhập cư khá thiếu thốn trong kiến thức y tế. Họ không biết tự chăm sóc mình và con cái khiến rất dễ dẫn đến mắc bệnh. Thế nên, cán bộ dân số ở đây luôn lồng ghép hoạt động của CLB dân số với các đoàn thể khác để tuyên truyền càng nhiều càng tốt. Bản thân những người dân nơi đây cũng rất cần sự quan tâm của ngành y tế để hiểu biết hơn về sinh đẻ có kế hoạch, nuôi dạy con khỏe…
H.CẦN