Chiều 23-8, tại Học viện CSND, Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước (HĐCDGSNN) dưới sự chủ trì của GS Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên TW Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch HĐCDGSNN, đã họp nhiệm kỳ 2009-2014, kỳ họp thứ VI. Đến dự còn có GS Phạm Vũ Luận, Ủy viên TW Đảng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT; các đồng chí lãnh đạo, Ủy viên HĐCDGSNN và các đồng chí chủ tịch hội đồng ngành...
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đang chủ trì kỳ họp lần thứ VI của Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước.
GS.TSKH Trần Văn Nhung, Tổng thư ký HĐCDGSNN báo cáo kết quả đã thực hiện và phương hướng triển khai xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS 2011. Số ứng viên GS, PGS đạt phiếu tín nhiệm tại các hội đồng cơ sở năm nay đạt 86,68%, trong khi các năm trước tỷ lệ này chỉ đạt 60%.
Trong tháng 8-2011, HĐCDGSNN đã bổ nhiệm bổ sung, miễn nhiệm thành viên một số hội đồng chức danh giáo sư ngành, liên ngành, trong đó bổ nhiệm bổ sung Thiếu tướng, GS.TS Bùi Quảng Bạ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh I, Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học Công an làm Ủy viên Hội đồng chức danh GS ngành khoa học an ninh…
Tại cuộc họp, các thành viên HĐCDGSNN đã nêu vấn đề: Những ứng viên đề nghị xét công nhận chức danh lần này nếu đang công tác ở nước ngoài thì có nên cho bảo vệ qua mạng hay không? Với những hội đồng quá đông ứng viên như hội đồng y học, kinh tế, nghệ thuật có nên chia tách thành hai hội đồng? Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết, hiện mọi hoạt động công nhận, bổ nhiệm chức danh đều theo Quy chế 174 hiện hành, không nên tách hội đồng vì về mặt chuyên môn khó tạo ra sự đồng đẳng về chất lượng. Trong Quy chế 174 cũng không có quy định cho các ứng viên bảo vệ từ xa qua mạng, do đó cũng không nên mở ra tiền lệ này, trừ trường hợp ngoại lệ thật đặc biệt sẽ do Chủ tịch Hội đồng xem xét quyết định.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị các thành viên hội đồng khẩn trương nghiên cứu sửa đổi Quy chế 174 hiện hành, sao cho việc xét công nhân chức danh đảm bảo chất lượng cao nhất, phù hợp với thông lệ quốc tế…
Theo CAND