Từ những ngày đầu đời…
Chúng tôi đến thăm gia đình em Thùy Dương, ở ấp An Quới, xã An Sơn, TX.Thuận An. Con đường đất đỏ dẫn vào nhà với vô số hố nước sau cơn mưa lớn đêm qua dường như làm chùn chân mọi người. Đón tiếp chúng tôi là mẹ của em, chị Võ Thị Hạnh.
Theo lời kể của chị Hạnh, lúc mới sinh ra, Dương vẫn khỏe mạnh bình thường như bao đứa trẻ khác, đến 7 tháng tuổi thì căn bệnh Thalassaemia bắt đầu biểu hiện, em sốt liên tục và da bắt đầu xạm đi. Đến khi được 13 tháng tuổi, căn bệnh bắt đầu trở nặng. Khi nghe bác sĩ chẩn đoán bệnh, chị như lặng người đi vì bệnh Thalassaemia hiện tại không có thuốc chữa, nếu muốn giữ được sự sống thì phải truyền máu thường xuyên cho đến hết đời vì lượng máu trong cơ thể sẽ dần mất đi và biến chứng của bệnh sẽ càng ngày càng nặng, việc đột tử có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Khi nghe hung tin này, chị Hạnh chỉ biết ôm Thùy Dương vào lòng và khóc. Chỉ cần thấy con cười, mọi mệt nhọc của chị Hạnh dường như tan biến
Căn bệnh này được gọi là bệnh nhà giàu nhưng với cha làm thợ hồ, mẹ làm thợ may, mức thu nhập chỉ đủ sống thì càng làm tăng thêm gánh nặng. Nhưng với tình thương của người làm cha, làm mẹ, 14 năm qua, chị Hạnh cùng anh Bùi Văn Sơn (ba Thùy Dương) đã không ngại khó khăn, chạy vạy vay mượn khắp nơi để đủ tiền đưa Thùy Dương đến Trung tâm Truyền máu huyết học Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM truyền máu.
14 năm, giành giật sự sống…
14 năm - khoảng thời gian ấy cũng khiến người ta buông xuôi với những khó khăn nhưng đối với anh Sơn, chị Hạnh luôn cố gắng vượt qua để giữ được mạng sống cho Thùy Dương. Để có tiền lo chi phí truyền máu, anh chị không hề từ chối bất kỳ một công việc nào từ may đồ, làm thuê, phụ hồ, chạy xe ôm… “Khi sinh ra đứa con, đã hạnh phúc biết bao nhưng khi con có bệnh thì lại thương con hơn, một dúm ruột của mình không thể nào bỏ được”, chị Hạnh nói trong nước mắt.
Nhưng sau những cơn đau đớn, vật vã mà Dương đã chịu đựng; có khi rụng hết tóc, vàng da, đau đớn toàn thân, không ăn uống gì được… là Thùy Dương trở nên mạnh mẽ hơn, vẫn hối hả đến trường, học ngày học đêm để theo kịp bạn bè. Thấy con như vậy, chị Hạnh rất vui và xem đó là động lực để tiếp tục giành giật sự sống cho Thùy Dương.
Qua 14 năm, số lượng máu truyền cho Thùy Dương cũng ngày càng tăng, từ 250ml nay tăng lên 2.500ml và các biến chứng của bệnh Thalassaemia đã xuất hiện. Hiện tại da của Thùy Dương đã xạm đen, mũi biến dạng, bụng phù… Bên cạnh việc chịu đựng sự thay đổi tính cách sau mỗi lần truyền máu, hàng ngày Thùy Dương còn phải uống nhiều loại thuốc khác nhau để đào thải chất độc. Chị Hạnh xót xa cho biết: “Theo bác sĩ thì bệnh của Dương đã đến giai đoạn phát bệnh mạnh, việc truyền máu cũng chỉ là giải pháp kéo dài sự sống, còn việc chữa tủy hơn 1 tỷ đồng nhưng xác xuất thành công chỉ 1%. Nhiều lúc chích thuốc cho nó, thấy lớp da chai sần của nó mà không cầm được nước mắt”.
Với căn bệnh của Thùy Dương, gia đình đã dành tất cả tài sản để điều trị. Số tiền ông bà nội cho gia đình em làm nhà cũng đã sạch. Căn nhà cũ đã sập sau cơn bão năm 2012 cũng không có tiền sửa chữa phải ở nhờ nhà bà con. Ước mơ của anh chị giờ đây là muốn có đủ tiền chi trả mỗi lần truyền máu cho Thùy Dương để kéo dài sự sống cho em được ngày nào hay ngày đó. “Mỗi lần nghe nó nói, ba mẹ đừng truyền máu cho con nữa, tốn tiền lắm là tôi không sao chịu nổi và phải cố gắng bằng mọi cách giành lại sự sống cho nó”, chị Hạnh lại rươm rướm nước mắt.
Chia tay chúng tôi, chị Hạnh lại chuẩn bị những vật dụng cần thiết để đưa Thùy Dương đi truyền máu vào rạng sáng hôm sau. Một trận chiến mới với căn bệnh hiểm nghèo lại bắt đầu.
HOÀNG PHẠM