Sáng 12-8, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tổ chức hội nghị tập huấn quy định về thực hiện Dự án theo cơ chế phát triển sạch (CDM). Để hiểu thêm về cơ chế CDM tác động đến môi trường sống, đến con người, phóng viên Báo Bình Dương đã phỏng vấn ông Nguyễn Khắc Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu Bộ TN&MT xung quanh vấn đề này?
- Xin ông cho biết thuật ngữ cơ chế phát triển sạch là gì? Lý do vì sao phải thực hiện cơ chế phát triển sạch?
- Cơ chế phát triển sạch hay gọi tắt là cơ chế CDM (Clean Development Mechanism) là cơ chế hợp tác giữa các nước phát triển với các nước đang phát triển trong khuôn khổ Nghị định Thư Kyoto của công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC), có hiệu lực pháp lý từ năm 2005. Việc thực hiện cơ chế CDM chính là việc mục tiêu giảm thiểu phát thải khí nhà kính định lượng và bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất khỏi tác động của con người. Thực hiện Dự án CDM, các nước đang phát triển sẽ nhận được nguồn đầu tư mới từ nước ngoài và tiếp nhận các công nghệ cao, thân thiện với môi trường, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững, bảo vệ môi trường (BVMT), bảo vệ hệ thống khí hậu.
- Thực trạng thực hiện cơ chế này ra sao, nếu thực hiện cơ chế này, Việt Nam cần có những điều kiện gì?
- Cơ chế CDM là cơ chế hợp tác nên nó có quy định của quốc tế. Quy định quốc tế đối với việc tham gia các hoạt động về cơ chế CDM rất đơn giản, gồm 3 điều kiện: Hai nước thực hiện chung dự án (một nước đang phát triển và nước phát triển) phải được phê chuẩn theo Nghị định thư Kyoto; phải chứng minh được dự án đó là dự án hỗ trợ cho việc phát triển bền vững của một nước đang phát triển; việc tham gia dự án trên cơ sở tự nguyện.
Tính đến thời điểm hiện nay, Việt Nam có 254 dự án CDM được quốc tế công nhận và lượng tín chỉ sản xuất này được công nhận thông qua 254 dự án trên 120 triệu tấn CO2. Với những con số như vậy, Việt Nam được xếp thứ 4 trên thế giới về số lượng dự án CDM đã được quốc tế công nhận, xếp thứ 13 trên thế giới về số lượng tín chỉ các CO2.
- Theo ông, việc triển khai các dự án CDM ở Việt Nam còn vướng mắc ở khâu nào?
- Thiếu rõ nhất là chiến lược quốc gia. Việt Nam cần phải hiểu và coi chương trình CDM như là chính sách, chiến lược hành động để đạt được mục tiêu phát triển sạch và bền vững. Điều đang diễn ra hiện nay ở Việt Nam là Nhà nước giao phó cho các địa phương hoặc những dự án riêng lẻ. Hiện tại, một số các địa phương đã ký thỏa thuận hoặc hợp đồng với các công ty (nước ngoài hoặc liên doanh) cho các dự án này. Tuy nhiên còn rất nhiều nơi không đủ trình độ hay năng lực hoặc tin tưởng để thực hiện, nên họ bỏ qua. Khi tôi đặt vấn đề với một số lãnh đạo địa phương, họ nói cái đó rất hay, rất thiết thực nhưng không biết nên bắt đầu từ đâu. Họ cũng sợ phải nhập những máy móc thiết bị tốn tiền và không tin rằng rác thải có thể xử lý từ đầu nguồn!
- Sắp tới Việt Nam sẽ làm như thế nào để phát triển cơ chế này, thưa ông?
- Chúng ta biết rằng, Việt Nam được đánh giá là nước rất có tiềm năng trong vấn đề giảm thiểu phát thải khí nhà kính. Việt Nam sẽ tăng cường các biện pháp để khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, cũng như các nhà đầu tư trong nước với việc giảm thiểu phát thải khí nhà kính thông qua các dự án khác ngoài Dự án CDM. Việt Nam sẽ có những kế hoạch phát triển, để phát huy hết các tiềm lực của mình; tích cực nâng cao nhận thức của cộng đồng, các nhà hoạch định chính sách về lợi ích của các dự án giảm thiểu phát thải khí nhà kính và thích ứng biến đổi khí hậu. Việc này đã được xác định trong chiến lược của Việt Nam, chiến lược biến đổi khí hậu và chương trình mục tiêu quốc gia. Như vậy mới huy động toàn bộ hệ thống trong vấn đề thực hiện yêu cầu giảm thiểu phát thải khí nhà kính và thích ứng biến đổi khí hậu.
- Ông có thể đánh giá việc triển khai Dự án CDM ở Bình Dương?
- Chúng tôi có tham dự nhiều khóa tập huấn nâng cao nhận thức về BVMT tại Bình Dương. Tôi thấy, Bình Dương rất tích cực trong việc nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu qua việc tập huấn với sự tham dự của hàng trăm cán bộ công chức.
Hiện nay, trong số 254 dự án CDM cả nước, Bình Dương thực hiện 3 dự án. Chúng tôi nhận thấy Bình Dương rất có tiềm năng trong các dự án giảm thiểu phát thải khí nhà kính qua việc sử dụng phế thải, phế phụ phẩm nông nghiệp từ các trang trại nuôi heo để có thể thu khí Metan (CH4) phát điện tại chỗ, sử dụng sinh khối thay thế hóa thạch đốt dầu, sử dụng nồi hơi. Ngoài ra, để phát triển năng lượng tái tạo, Bình Dương nên xem xét sử dụng bình nước nóng năng lượng mặt trời, tòa nhà xanh, sử dụng bóng đèn tiết kiệm điện…
THIÊN LÝ (thực hiện)