Có cơ sở tin tưởng sẽ hoàn thành mục tiêu

Cập nhật: 12-09-2011 | 00:00:00

Trong bối cảnh tình hình kinh tế chung cả nước gặp nhiều khó khăn thì việc hoàn thành mục tiêu như kế hoạch đầu năm đề ra quả là khó khăn. Tuy nhiên, tình hình phát triển kinh tế qua 8 tháng qua của tỉnh cho thấy vẫn có cơ sở để tin tưởng sẽ hoàn thành mục tiêu đề ra dù tăng trưởng có chậm.

Có cơ sở

Trong khi chỉ số sản xuất công nghiệp của cả nước tháng 8-2011 tăng 4,3% so với tháng trước và tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2010 thì giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh Bình Dương trong tháng 8 ước thực hiện 10.981 tỷ đồng, tăng 6% so với tháng trước. Còn chỉ số sản xuất công nghiệp tính cả 8 tháng năm nay của cả nước tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước thì Bình Dương lại tăng 17,8%, ước thực hiện 74.362 tỷ đồng. Trong các ngành có chỉ số sản xuất tháng 8 tăng cao trong cả nước thì có những ngành Bình Dương lại là thế mạnh như: gốm sứ, giày dép, dệt may... Bên cạnh đó, các sản phẩm chủ yếu của Bình Dương tăng trong tháng 8 còn có nước tinh khiết (10,8%), thủy sản chế biến (6,3%), thuốc lá (31,1%), thép cán (6%)... Sản xuất công nghiệp đã tăng đều hơn trong những tháng về sau của tám tháng qua. Trong ảnh: Sản xuất tôn thép ở Hoa Sen Group

Tuy nhiên, trong 6 tháng trước đó, giá trị sản xuất công nghiệp của Bình Dương dù có tăng trưởng nhưng với tốc độ khá chậm. Cụ thể như, trong tháng 2 không tăng, tháng 3 tăng 23,1%, tháng 4 chỉ tăng 4,1%, tháng 5 tăng 6,1%, tháng 6 tăng 6,6%, tháng 7 tăng 5,9% và tháng 8 tăng 6%. Có thể thấy, giá trị sản xuất công nghiệp trong những tháng đầu năm tuy có tăng trưởng nhưng vẫn thấp so với cùng kỳ năm 2010 là có nguyên nhân cơ bản như: hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong thời gian qua vốn đã gặp rất nhiều khó khăn, giá nguyên vật liệu đầu vào tăng (dao động 20 - 30%), chi phí sản xuất tăng (từ 15 - 20%), lãi suất ngân hàng tăng (20 - 22%/năm), các doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn vay để dự trữ nguyên liệu, đầu tư cho sản xuất, tình hình thiếu lao động, đình lãn công... Tuy vậy, nhìn chung theo thống kê này thì chỉ số giá trị sản xuất công nghiệp đã có mức tăng trưởng dần đều, trong đó từ tháng 5 đến tháng 8, giá trị sản xuất công nghiệp tháng sau luôn cao hơn tháng trước. Đây là cơ sở quan trọng để Bình Dương tiếp tục phát huy trong những tháng còn lại để hoàn thành mục tiêu của cả năm 2011 như kế hoạch đã đề ra.

Một cơ sở quan trọng nữa để có thể tin tưởng rằng giá trị sản xuất công nghiệp trong những tháng cuối năm sẽ tăng trưởng cao hơn là việc Ngân hàng Nhà nước ban hành chỉ thị quy định cho phép trần lãi suất huy động vốn ở mức 14% và đi kèm với đó là các chế tài nghiêm, sẽ đình chỉ lãnh đạo những tổ chức tín dụng nào không thực hiện đúng quy định. Với việc giảm trần huy động lãi suất thì việc lãi suất cho vay cũng sẽ được kéo giảm xuống. Mới đây, một số ngân hàng đã công bố các gói với lãi suất thấp dành cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đã cho thấy tín hiệu đáng mừng cho nền kinh tế trong những tháng cuối năm.

Một số chỉ tiêu đã gần cán đích

Theo dự báo của ngành công thương thì, mục tiêu giá trị sản xuất công nghiệp năm 2011 của Bình Dương tăng trưởng 21% là điều có thể thực hiện được. Bởi, tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện nay bắt đầu có dấu hiệu khả quan. Một số doanh nghiệp có thị trường tiêu thụ ổn định đã phục hồi sản xuất, sản lượng tăng từ 10 đến 15% so tháng trước, tập trung ở các ngành sản xuất bao bì, in ấn phục vụ ngành may mặc, da giày, sản xuất hóa chất, sơn công nghiệp, linh kiện điện tử. Một số doanh nghiệp khu vực trong nước có giá trị sản xuất công nghiệp tăng so với cùng kỳ. Thị trường xuất khẩu và thị trường nội địa cũng có nhiều thuận lợi. Một số doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc, da giày, linh kiện điện tử tiếp tục có thêm nhiều đơn hàng xuất khẩu đến cuối năm 2011 như: Công ty TNHH MTV May mặc Bình Dương, Công ty TNHH Esquel Garment VN, Công ty TNHH Shyang Hung Cheng, Công ty Cổ phần Đầu tư giày Thái Bình, Công ty TNHH Điện tử Foster VN...

Một số chỉ tiêu kinh tế năm 2011:

+ Tổng sản phẩm trong tỉnh (GGP) tăng 14,5% so với năm 2010. Cơ cấu kinh tế của tỉnh năm 2011 là công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp với tỷ lệ tương ứng là 62,8% - 33,2% - 4%. GDP bình quân đầu người dự kiến khoảng 36,1 triệu đồng.

+ Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 20 - 21%, nông lâm ngư nghiệp tăng 4,5 - 5% và GDP dịch vụ tăng 25- 26% so với năm 2010.

+ Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 30% so với năm 2010.

+ Kim ngạch xuất khẩu tăng 21% so với năm 2010.

+ Tổng thu ngân sách đạt 21.000 tỷ đồng. Tổng chi ngân sách đạt 7.500 tỷ đồng, trong đó chi đầu tư phát triển 3.500 tỷ đồng.

+ Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trên 1 tỷ đôla Mỹ.

Trong tháng 8, lĩnh vực thương mại, dịch vụ cũng tiếp tục tăng trưởng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 4.497 tỷ đồng, tăng 1,6% so với tháng trước và tăng 28% so với cùng kỳ. Lũy kế 8 tháng năm 2011 đạt 35.062 tỷ đồng, tăng 28,5% so với cùng kỳ. Điều này cũng cho thấy hướng phát triển phù hợp với việc chuyển dịch cơ cấu trong nền kinh tế là tăng dần tỷ trọng thương mại và dịch vụ. Cùng với đó, kim ngạch xuất khẩu trong tháng 8 và lũy kế 8 tháng đầu năm đều tăng theo tỷ lệ tương ứng là 22,1% và 19,6% so với cùng kỳ.

Trong một số chỉ tiêu chủ yếu của lĩnh vực kinh tế theo mục tiêu đề ra của năm 2011 thì một số lĩnh vực đã gần đạt mặc dù chỉ mới đến thời điểm đầu tháng 9 của năm. Cụ thể như, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đề ra mức tăng 30% so với năm 2010 thì hiện đã tăng 28%; kim ngạch xuất khẩu đề ra mức tăng 21% so với năm 2010 thì hiện đã tăng 19,6%; Tổng thu ngân sách đạt mức đề ra 21.000 tỷ đồng thì hiện đã đạt 15.000 tỷ đồng trong 8 tháng... Còn thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài mặc dù có nhiều khó khăn do ảnh hưởng chung của nền kinh tế thế giới, là khách quan nhưng môi trường đầu tư của tỉnh Bình Dương vẫn luôn thuận lợi do cơ sở hạ tầng đã được đầu tư xây dựng khá cơ bản, liên tục cải cách hành chính và có sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của lãnh đạo tỉnh. Trong bối cảnh đó, tháng 8 Bình Dương vẫn thu hút được 52,6 triệu USD, trong đó có 7 dự án mới với số vốn 18,9 triệu USD và 10 dự án tăng vốn  thêm 33,75 triệu USD, trong đó riêng các khu công nghiệp đã thu hút được 45,9 triệu USD. Bình Dương tiếp tục đứng vị trí thứ 9 trên bảng tổng sắp của cả nước về số vốn đầu tư FDI.

TRUNG ĐỒNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên