Có điện cũng như không!

Cập nhật: 14-03-2014 | 00:00:00

 Đó là nỗi bức xúc hơn 10 năm nay của hàng chục hộ dân ở tổ 8, khu phố 1B, phường An Phú, TX.Thuận An; bởi khu dân cư này nằm cách trạm điện Bình Hòa chỉ vài bước chân nhưng lại không có đường dây hạ thế tải vào, buộc họ phải mua lại từ điện kế của người khác với giá cao gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần so với giá của Nhà nước. 

 Anh Nguyễn Tấn Trung bức xúc vì máy móc thường xuyên bị hư hỏng vì điện chập chờn!

Thấp thỏm nỗi lo… “cắt điện”!

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Tổ phó Tổ Dân phố khu phố 1B, bức xúc: “Ở đây có điện cũng như không! Nói có thì cũng đúng, mà nói không cũng chẳng sai! Trên đầu khu phố của chúng tôi chằng chịt dây điện; thậm chí trụ điện được dựng sát vách nhà nhưng người dân phải mua điện của các hộ khác để xài với giá cao”. Theo ông cho biết, khu vực này hiện có hơn 60 hộ dân. Năm 2000, khi ông đến đây định cư, cả xóm này chưa tới 10 hộ. Do khu vực này không có đường điện hạ thế đến từng nhà như nơi khác, buộc ông cùng bà con phải xin câu nhờ điện để sử dụng từ những hộ kinh doanh, hộ có điều kiện xài bình hạ thế riêng.

Tuy nhiên, theo bà con thì việc xài điện “ké” như thế luôn xảy ra nhiều bất cập. Thứ nhất là họ phải chịu trả giá điện quá cao. Ông Lĩnh nhớ lại: “Thời điểm năm 2000, giá điện của Nhà nước lúc đó khoảng 800 đồng/Kwh, thì ở đây chúng tôi phải trả với giá từ 1.500 - 1.700 đồng/ Kwh cho chủ điện kế, tùy theo thỏa thuận. Khoảng hơn 1 năm nay, chúng tôi phải trả ở mức 3.000 đồng/Kwh. Tôi vừa nghe bà con cho biết, các chủ điện kế đồng loạt thông báo “sẽ nâng giá điện lên thêm nữa” trong thời gian tới. Cụ thể, mức giá được tăng lên bao nhiêu thì chúng tôi chưa rõ”. Thứ hai là không được “nặng lời” với chủ điện kế! Ông Hà Văn Quynh, người dân trong khu phố tâm sự: “Dù phải luôn trả một giá điện khá cao, nhưng nói thật chúng tôi không bao giờ dám than thở về giá điện, hay nặng lời làm phật lòng chủ điện kế. Cũng đúng thôi, vì không có họ chúng tôi lấy đâu ra điện để xài! Để có được một bình điện hạ thế vào thời điểm này phải bỏ ra hàng trăm triệu đồng thì chúng tôi lấy đâu ra tiền”! Nhiều bà con còn cho biết rằng, họ luôn thấp thỏm âu lo vì sợ chủ điện bất ngờ cắt điện. Ông Lĩnh giải thích: “Các bình hạ thế đều có quy định số kWh, nếu xài quá sẽ gây cháy nổ, hư hỏng. Chính vì vậy, có muốn mua sắm thêm một thiết bị nào trong gia đình, câu thêm bóng đèn, có người thân đến ở nhờ… chúng tôi đều phải báo ngay với chủ điện kế để họ cân nhắc. Ai không tuân thủ thì sẽ bị cắt điện ngay khi chủ điện kế phát hiện sự việc”.

Ngoài ra, để được sử dụng điện, không ít người phải bỏ ra một khoản tiền lớn ban đầu để mua dây điện cùng các trang thiết bị khác. Như gia đình ông Nguyễn Văn Thu là một điển hình; do nhà cách xa chủ điện kế đến 400m, ông Thu buộc phải đầu tư hơn 20 triệu đồng, nặng nhất vẫn là tiền mua dây dẫn điện.

Bao giờ được xài điện lưới ?

Theo bà con, không có điện đã hạn chế đến sự phát triển của cả khu vực này; nhiều gia đình có đất rộng nhưng vì không vốn đầu tư nên chẳng dám xây nhà trọ, hay mở ra làm các ngành nghề, dịch vụ kinh doanh. Ông Lĩnh cho biết, vì điện đóm chập chờn nên có hộ cho mướn nhà rồi họ dọn đi nơi khác sinh sống. Tuy nhiên, không ít người tìm đến mướn ở được vài ba tháng thấy bất tiện rồi cũng bỏ đi. Hôm P.V tìm đến, tình cờ chứng kiến anh Nguyễn Tấn Trung, chủ tiệm cơ khí ở sát nhà ông Lĩnh đang “vò đầu, bứt tai” vì máy móc vừa bị hỏng. Anh Trung tâm sự: “Ở đây chúng em làm ăn cũng được, mặt tiền ngon lành nhưng thuê mướn với giá khá mềm. Chỉ có việc là điện quá yếu nên chúng em liên tục bị hỏng máy móc. Tình trạng này, chắc là phải dọn tiệm đi nơi khác thôi”!

Cách đó không xa, trường Mầm non Bình Minh cũng đang gánh chịu những khó khăn. Đây là trường tư được xây dựng khang trang, rộng rãi với trang thiết bị khá hiện đại. Cách đây khoảng 2 năm, trường có đến hơn 600 học sinh theo học nhưng hiện chỉ còn chừng phân nửa. Theo ông Lĩnh, lúc đầu do trường có gắn máy lạnh ở các phòng học, thu hút được sự quan tâm của các bậc phụ huynh. Về sau, do điện không ổn định, máy lạnh bị tháo dần nên rất nóng, học sinh ít theo học. Các quán ăn, quán cà phê trước kia cũng mở ra tấp nập để phục vụ cho công nhân ở các công ty, xí nghiệp quanh khu vực này nay cũng dẹp dần; vì không chịu nổi cái nắng nóng gay gắt ban trưa khi thiếu điện.

Trao đổi với P.V về những bức xúc của người dân, ông Quản Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND phường An Phú, TX.Thuận An, cho biết: “Qua nhiều lần tiếp xúc cử tri, bà con đã phản ánh rất dữ chuyện này. Chúng tôi cũng đã báo cáo sự việc lên TX.Thuận An. Theo tôi được biết thì, Ban Quản lý dự án TX.Thuận An cũng đã cho người xuống đo đạc để lập dự án thi công đường dây hạ thế; song về thời điểm thi công vào khi nào thì chúng tôi chưa được rõ”. Ông Lê Hoàng Ngôn, cán bộ Ban Quản lý TX.Thuận An cho biết, hiện các bước chuẩn bị đầu tư công trình hạ thế đường điện tại tổ 8, khu phố 1B, phường An Phú đang hoàn thiện. Dự kiến đến tháng 3 này, hồ sơ sẽ được ngành chức năng tiến hành thẩm định, phê duyệt; đến giữa năm 2014 sẽ triển khai việc thi công công trình.

Thông tin này từ Ban Quản lý TX.Thuận An vừa cho biết, chắc chắn sẽ mang lại nhiều niềm vui cho người dân ở nơi đây và họ đang mong đợi từng ngày.

 Q.TÁM - T.DŨNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=282
Quay lên trên