Cô gái xương thủy tinh và lớp học “5 không”

Cập nhật: 28-03-2023 | 16:06:41

Cô giáo Ngọc Tâm thủy tinh hướng dẫn học sinh làm bài tập tại lớp học “5 không.”

Chị Nguyễn Thị Ngọc Tâm, 33 tuổi, ở trại 4, xã Yên Quang, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định, đã vượt lên căn bệnh xương thủy tinh để thực hiện ước mơ làm cô giáo bằng việc sáng lập và duy trì lớp học "5 không" 19 năm qua.

Ngoài dạy học, cô gái chỉ nặng khoảng 20kg, cao tầm nửa mét này đã thành lập không gian đọc và Quỹ học bổng mang tên Ngọc Tâm thủy tinh để giúp học sinh nghèo trong vùng. Những việc làm của Ngọc Tâm đã truyền cảm hứng, nghị lực cho các bạn trẻ.

Vượt lên số phận

Mắc căn bệnh xương thủy tinh bẩm sinh khiến cuộc sống, sinh hoạt và việc theo học, nhất là hiện thực hóa ước mơ trở thành cô giáo của Nguyễn Thị Ngọc Tâm gặp muôn vàn khó khăn. Căn bệnh xương thủy tinh ngày càng nặng khiến cho số lần gãy xương của cô cũng tăng dần. Vì vậy, số ngày nghỉ học trong một năm để điều trị bệnh tăng theo.

Những đau đớn vì bệnh tật bủa vây nên đến năm 8 tuổi (năm 1998), Ngọc Tâm mới bắt đầu đi học. Từng có thời điểm, khi còn học Tiểu học, gia đình đã có ý định cho Tâm nghỉ học sớm nhưng cô gái này vẫn nhất mực đến lớp. Những ngày khỏe mạnh cô chăm chú lắng nghe thầy, cô giảng bài và luôn hoàn thành tốt nội dung bài học. Những ngày đau ốm phải nằm viện hoặc điều trị ở nhà chỉ cần đỡ mệt Ngọc Tâm lại mang sách ra học, đọc bù lại thời gian không thể đến trường.

Người thân cho biết từ nhỏ, Ngọc Tâm luôn tự tin, ít khi thấy cô ủ rũ, buồn bã hay có ý định từ bỏ ước mơ của mình. Ngọc Tâm cứ sống và cháy hết mình với niềm tin sẽ vượt qua tất cả để làm được điều mình muốn. Cứ như thế, cô đã vượt lên số phận, vượt qua những cơn đau đớn, hoàn thành 9 năm học với kết quả các năm đều đạt loại khá, giỏi.

Ngọc Tâm chia sẻ trong suốt những năm học tại trường, cô không thể nhớ nổi số lần mình bị gãy xương và phải nghỉ học. Tuy nhiên, bản thân không cảm thấy buồn, thấy đau vì bệnh tật, chưa bao giờ có ý định bỏ cuộc khi gặp gian khó. Thay vào đó, Tâm chấp nhận số phận, luôn tin rằng mình có thể làm nhiều việc có ích cho đời.

Tâm chỉ rơi nước mắt khi thấy bố mẹ, gia đình, nhất là mẹ phải vất vả để Tâm có cuộc sống, niềm vui như bạn bè cùng trang lứa. Bố đi làm ở thành phố Nam Định, cách nhà hơn 30km, mẹ một mình làm 7 sào ruộng (360m2/sào) và chăm sóc hai anh em. Tâm không thể đi lại được nên để có thể đến trường học là nỗ lực của cả gia đình. Ngày hai lần, buổi sáng và buổi chiều ông, bà, bố, mẹ đưa đón cô đến lớp, về nhà.

Học xong lớp 9, Ngọc Tâm và gia đình đối diện với thách thức gấp bội. Nếu Tâm tiếp tục theo học lên Trung học Phổ thông, trường học cách nhà 15km trong khi sức khỏe của Tâm yếu đi thấy rõ. Việc đi lại, sinh hoạt là bài toán khó, gần như không có lời giải.

Ngọc Tâm tâm sự, tình thế bắt buộc Tâm phải nghỉ học. Khi không còn lựa chọn nào khác, cô đành chấp nhận. Thay vì buồn bã, cô tận dụng thành tựu khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ thông tin cho việc tự học, tự nghiên cứu, bổ sung kiến thức cho bản thân để có thể theo đuổi ước mơ làm cô giáo của mình.

Trở thành người có ích

Ngọc Tâm cho biết cô dạy kèm cho học sinh bắt đầu từ năm 2004. Năm học lớp 6, Tâm đã nhận dạy kèm cho hai học sinh lớp 2 là người cùng làng. Ban đầu, ba "cô trò" ngồi học tại bàn học của Tâm. Vừa học bài, Tâm vừa kèm các em học tập.

Tiếng lành đồn xa, việc Tâm dạy học cho một số em không ngừng tiến bộ, đạt kết quả cao trong học tập khiến nhiều phụ huynh đến xin cho con theo học. Số học sinh ngày càng đông, nhất là sau khi Ngọc Tâm nghỉ học ở nhà. Nhiều học sinh trong làng, trong xã, ngoài xã, trong huyện, có một số học sinh tỉnh Ninh Bình, Thái Bình cũng xin vào học lớp cô Tâm.

Bố mẹ Ngọc Tâm đã dành căn phòng đẹp nhất của gia đình, rộng khoảng 15m2, mua ba bộ bàn ghế dài để cô dạy học. Từ đó, lớp học “5 không” (không phấn, không bảng, không bục giảng, không giáo án, không học phí) tại nhà của cô giáo Ngọc Tâm thủy tinh chính thức có tên gọi.

Lớp học Ngọc Tâm thủy tinh thường đông học sinh nhất vào ngày cuối tuần và dịp các em nghỉ hè, nghỉ học trên lớp. Có thời điểm đông, khoảng 20 học sinh, cô Tâm phải chia ra thành hai ca một ngày. Những ngày bình thường, em nào không phải học trên lớp, có nhu cầu học hoặc đến hỏi bài cô Tâm vẫn dạy học bình thường.

Thăm lớp học Ngọc Tâm thủy tinh vào một ngày cuối tuần, dịp cuối tháng 3/2023, chúng tôi không khỏi bất ngờ bởi sự tận tình, nghiêm túc của cô Tâm và không khí học tập sôi nổi của lớp học này. Hôm ấy, lớp học Ngọc Tâm thủy tinh có 10 học sinh từ lớp 2 đến lớp 8. Cô Tâm ngồi lọt thỏm trên cái ghế cao ở chính giữa, đang hướng dẫn các em làm bài tập.

Tranh thủ thời gian cho học sinh nghỉ giải lao ít phút, cô Tâm cho hay ngay từ ngày đầu tiên nhận dạy kèm đến nay, dù thời điểm có hai học sinh hay 20 học sinh cô vẫn không lấy tiền công vì các em thiếu thốn đủ thứ, không có điều kiện học tập như bạn bè cùng trang lứa ở thành phố. Việc làm của Tâm luôn được bố mẹ và gia đình ủng hộ.

Tâm không thể đứng trên bục giảng, không thể cầm phấn viết bảng nhưng Tâm vẫn có thể làm cô giáo theo cách riêng của mình và sẽ tiếp tục hành trình khi sức khỏe cho phép. Các em học ngoan, tiến bộ trong học tập đó là phần thưởng lớn nhất đối với cô, Ngọc Tâm chia sẻ.

Trong 19 năm qua, lớp học Ngọc Tâm thủy tinh chưa bao giờ gián đoạn, ngay cả trong thời điểm dịch COVID-19 bùng phát. Vào các năm 2020-2021, một số thời điểm phải thực hiện cách ly, giãn cách xã hội để phòng, chống dịch, lớp học của cô Tâm chuyển từ học trực tiếp sang học trực tuyến. Cô Tâm đã sử dụng máy tính cài đặt phần mềm Zoom, chia nhỏ lớp học theo độ tuổi và phân giờ học cho từng lớp. Với sự hỗ trợ từ gia đình các em, hoạt động dạy học được duy trì hiệu quả.

Để đảm bảo cập nhật kiến thức, nhất là chuẩn kiến thức theo Chương trình sách giáo khoa mới dạy cho các em, Ngọc Tâm đã tự học, tự nghiên cứu thông qua video hướng dẫn tập huấn kiến thức dành cho giáo viên trên mạng.

Hàng trăm học sinh đã học tập tại lớp học Ngọc Tâm thủy tinh luôn xem cô là cô giáo, người chị, người bạn trong cuộc sống bởi cô Tâm không chỉ dạy, bổ sung kiến thức mà còn uốn nắn từng nét chữ, động viên các em luôn tự tin, nỗ lực vươn lên trong học tập, rèn luyện trở thành người có ích.

Em Nguyễn Thành Nam (11 tuổi, học sinh lớp 5, Trường Tiểu học xã Yên Quang) cho hay em đã học ở lớp cô Tâm 5 năm. Cô Tâm giảng bài khá dễ hiểu, cô chỉ bảo bài học cho chúng em một cách tận tình.

Chị Nguyễn Thị Tố Như (mẹ của em Dư Thị Khánh Huyền ở xã Yên Quang) nhận xét qua hai năm học ở lớp cô Tâm, con gái tôi tiến bộ rất nhiều. Gia đình khá bận, không thường xuyên quan tâm đến việc học của con nên đã gửi đến lớp học Ngọc Tâm thủy tinh với mong muốn con có thể bổ sung thêm kiến thức và học tập nghị lực vượt khó của cô Tâm.

Ông Bùi Xuân Thanh, Chủ tịch Hội Khuyến học xã Yên Quang đánh giá, những việc làm của cô Nguyễn Thị Ngọc Tâm có ý nghĩa lớn đối với công tác khuyến học, khuyến tài tại địa phương; thể hiện nghị lực phi thường, tinh thần vượt lên khó khăn trong mọi hoàn cảnh để cống hiến cho quê hương, đất nước.

Ngoài mở lớp dạy học, Ngọc Tâm còn thành lập không gian đọc với khoảng 1.500 đầu sách các loại và Quỹ học bổng mang tên Ngọc Tâm thủy tinh để trao thưởng, động viên, khuyến khích học sinh nghèo học giỏi tại địa phương. Ngọc Tâm còn là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thanh niên khuyết tật tỉnh Nam Định. Câu lạc bộ được thành lập từ tháng 4/2021 với 80 thành viên với mục tiêu nâng cao năng lực giúp thanh niên khuyết tật tự tin hòa nhập cộng đồng, làm những việc có ích cho xã hội.

Nhiều năm qua, Ngọc Tâm đã nhận lời mời và tham dự nhiều diễn đàn, tọa đàm để chia sẻ suy nghĩ và việc làm của bản thân với mong muốn truyền cảm hứng, sự tự tin, động lực cho các bạn trẻ. Ngọc Tâm luôn nghĩ rằng, khuyết tật chỉ là bất tiện chứ không phải là bất hạnh.

Với những thành tích nổi bật, năm 2020, Ngọc Tâm được chọn là một trong 10 gương mặt tiêu biểu nhận Giải thưởng Tình nguyện Quốc gia do Trung ương Đoàn trao tặng.

Năm 2022, Ngọc Tâm là một trong 5 nhân vật được vinh danh “Sống đẹp” do Báo Thanh niên tổ chức; một trong 10 Gương mặt trẻ Việt Nam triển vọng. Tháng 1/2023, Ngọc Tâm nhận Giải thưởng Kova, hạng mục “Sống đẹp.” Ngày 22/3 vừa qua, Ngọc Tâm vinh dự được lựa chọn tham gia sự kiện Thủ tướng đối thoại với thanh niên năm 2023 với chủ đề "Xây dựng nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao đáp ứng kỷ nguyên 4.0"./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên