Sinh ra đã không có đôi bàn tay, tuổi thơ của em là những tháng ngày vật lộn với đôi chân để học viết chữ. Nhưng bằng nghị lực vượt khó, cô bé không tay ngày nào giờ đã trở thành một nữ sinh ấp ủ trong mình bao ước mơ và dự định cho tương lai... Em là Nguyễn Thị Thu, học sinh lớp 12A5, trường THPT Tây Sơn, xã Tân Long, Phú Giáo.
Vươn lên bằng nghị lực phi thường
Em Nguyễn Thị Thu sinh năm 1998, là con út trong một gia đình nghèo có 3 chị em ở ấp 7, xã Tân Long, Phú Giáo. Từ khi mới lọt lòng, Thu đã không may mắn bị khuyết tật, mất đi hai cánh tay, còn chân phải của em thì cứ co quắp lại và dính sát vào tận đầu gối, không co duỗi được. Càng lớn, sự thiệt thòi càng hiện rõ lên số phận của cô học trò nhỏ này. Thay vì được chạy nhảy, vui chơi với bạn bè cùng trang lứa, suốt ngày em phải ở trong nhà tập đi, tập viết. Tuy nhiên, không đầu hàng số phận, dù bị tạo hóa “lấy đi” đôi tay, nhưng bù lại em có một nghị lực phi thường cùng tình yêu thương bao la của bố mẹ. Đó là nền tảng vững chắc giúp em vượt qua tất cả khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.
Khi nhắc đến đứa con gái kém may mắn của mình, ông Nguyễn Văn Oai, cha của Thu, không giấu được những giọt nước mắt, nhớ lại: “Buồn lắm! Nhưng phải lau nước mắt an ủi lẫn nhau, vợ chồng tôi cố làm hết sức mình để con bớt đi một phần bất hạnh, hòa nhập với cuộc sống. Lúc Thu được 3 tháng tuổi, hàng ngày vợ chồng tôi bắt xe buýt xuống trung tâm chấn thương chỉnh hình tại TP.Hồ Chí Minh để chữa trị. Được bác sĩ hướng dẫn tận tình, vợ chồng tôi về nhà kiên trì nắn dần cho chân phải của con được duỗi thẳng. Khi được 3 tuổi, chúng tôi bắt đầu tập cho con đi, khi đi được lại tập cho con viết bằng chân để sau này có thể đi học với bạn bè”.
Dù bị mất hai tay ngay từ thuở lọt lòng nhưng bằng nghị lực phi thường, em Nguyễn Thị Thu vẫn viết ước mơ của mình bằng đôi chân kỳ diệu
Dường như thấu hiểu được nỗi khổ của cha, tình yêu thương của mẹ, ngày đêm Thu luôn cố gắng miệt mài tập đi, tập viết. Thay vì dùng đôi tay, em bắt đầu làm quen với mọi thứ bằng đôi chân của mình. “Có lần đang tập đi thì bị té rất đau. Sau đó, cái chân em bị gập trở lại, lúc đó sợ sẽ không đi được nữa, nhưng được cha mẹ thường xuyên nắn bóp, động viên, em lại cố gắng gượng dậy men theo những bức tường để đi cho bằng được! Tối đến, em lại nằm ngửa vẫy đôi bàn chân thật nhiều như các bạn vẫy tay cho nó mềm mại để luyện viết dễ hơn. Những nét chữ lúc đầu to, nguệch ngoạc, sau nhỏ dần, rõ nét…”, Thu kể lại quá trình khổ luyện của mình.
Trời không phụ lòng người, quá trình khổ luyện đã giúp Thu bước đi những bước đi tập tễnh đầu tiên của cuộc đời kém may mắn lúc em gần 4 tuổi. Cũng từ sự khổ luyện, đến năm 6 tuổi, em đã có thể viết được và tự tin bước vào lớp 1 cùng bạn bè đồng trang lứa. Những ngày đầu đến lớp, biết em gặp trở ngại trong việc học tập, Thu được thầy cô trong trường đóng cho một bộ bàn ghế riêng để thuận tiện cho em viết bài. Ban đầu em rất ngại, vì không muốn mình sống tách biệt nên từ chối. Biết Thu không thích, nên thầy cô làm cho em một cái bàn nhỏ dưới chân để em viết bài. Chăm chỉ và ham học, từ cấp 1 lên cấp 2, nhiều năm liền Thu đạt danh hiệu học sinh tiên tiến, gương mẫu, được thầy cô và bạn bè rất thương yêu. Hơn thế, năm lớp 4 em vinh dự được tham dự hội thi vở sạch chữ đẹp cấp tỉnh, tham gia Đại hội cháu ngoan Bác Hồ.
Viết ước mơ bằng đôi chân kỳ diệu
Giờ Thu đã bước vào năm học cuối cấp hệ THPT, con chữ đã không còn là trở ngại với cô học trò kiên cường này. Đối với Thu, bây giờ là thời điểm để tập trung học tập, nắm vững kiến thức, chuẩn bị cho những kỳ thi quan trọng sắp tới. Cô Nguyễn Thị Chanh, giáo viên chủ nhiệm lớp 12A5, trường THPT Tây Sơn cho biết, tuy là một học sinh khuyết tật, nhưng Thu rất có ý thức và chăm chỉ học tập. Thu được tất cả các thầy cô trong trường quý mến bởi tính nết hiền hòa, ngoan ngoãn và nhiệt tình tham gia các hoạt động tập thể của trường lớp.
Nhìn các thao tác Thu mở cặp lấy sách vở ra viết, một chân cầm thước, chân còn lại cầm bút kẻ từng đường kẻ thẳng tắp, rồi viết những con chữ rất đẹp, chúng tôi đã không kìm nén được sự xúc động và thật sự cảm phục trước sự nỗ lực vươn lên phi thường của cô học trò kém may mắn này. Cũng bởi nghi lực vươn lên ấy, bà con trong xóm thường gọi Thu với những cái tên rất thân thương, hàm ý cả sự thán phục và động viên: “Thu vươn lên”, “Thu hiếu học”. ..
Ngoài giờ học, thời gian rảnh Thu còn phụ giúp mẹ nhặt rau bằng đôi chân!
Trò chuyện thêm về cô con gái bé bỏng của mình, ông Nguyễn Văn Oai kể tiếp: “Từ cấp 1 đến cấp 2, Thu đều được chị gái hoặc cha mẹ đưa đi đón về nhưng sau khi hai chị gái đi lấy chồng, còn vợ chồng tôi thì bận đi cạo mủ cao su nên không thể đưa đón cháu. Vì vậy, lên cấp 3, dù trường cách nhà 7km nhưng cháu rất ham học, dù trời mưa gió cháu vẫn tự mình đón xe buýt đến trường. Cháu nói, không thể ở với cha mẹ mãi được, mai này ra trường con phải tự lập rồi…”. Ông bảo, dù mất đi đôi bàn tay, nhưng lúc nào Thu cũng lạc quan và luôn tin vào những điều tốt đẹp phía trước và tự xây dựng cho mình một cuộc sống tự lập từ nhỏ. Ngoài thời gian học, lúc rảnh, Thu lại giúp mẹ việc nấu ăn, rửa chén, giặt đồ… Đối với sinh hoạt cá nhân, Thu đều tự mình làm mà không cần ai giúp đỡ. Có khách đến thăm hay lúc cha tiếp khách, Thu nhanh nhẹn kẹp ấm nước trà trên cổ mang ra, rồi dùng… chân lần lượt rót mời từng người một khiến ai cũng đi từ ngỡ ngàng đến xúc động.
Khi được hỏi về những ước mơ của mình, Thu chia sẻ: “Ước mơ của em là sẽ thi đậu vào ngành công tác xã hội trường Đại học Thủ Dầu Một để sau này trở thành một tình nguyện viên, có thể tham gia được nhiều hoạt động tình nguyện, giúp đỡ được nhiều người khuyết tật, người có hoàn cảnh khó khăn hơn em. Em không còn cánh tay nhưng em còn đôi chân và hai mắt còn sáng. Vì thế, em vẫn có thể giúp đỡ những người không có khả năng đi lại và không còn khả năng nhìn mọi thứ xung quanh…”.
Một cô bé dù gặp phải bất hạnh ngay từ khi cất tiếng khóc chào đời, cơ thể không còn lành lặn, nhưng tâm hồn lại chứa đựng những tâm sự và hoài bão đầy ý nghĩa nhân văn. Ước mơ của em không chỉ để dành cho riêng mình mà còn hướng đến những người em thương yêu và cho cả những mảnh đời bất hạnh trong xã hội. Trò chuyện với Thu, chúng tôi tin rằng, dù phía trước cuộc đời em còn là những chặng đường nhiều chông gai, nhưng với nghị lực vượt khó phi thường và một tâm hồn trong sáng, nhân văn, ước mơ của em chắc chắn sẽ trở thành sự thật.
“Từ cấp 1 đến cấp 2, Thu đều được chị gái hoặc cha mẹ đưa đi đón về nhưng sau khi hai chị gái đi lấy chồng, còn vợ chồng tôi thì bận đi cạo mủ cao su nên không thể đưa đón cháu. Vì vậy, lên cấp 3, dù trường cách nhà 7km nhưng cháu rất ham học, bất kể trời mưa gió, cháu vẫn tự mình đón xe buýt đến trường. Cháu nói: Không thể ở với cha mẹ mãi được, mai này ra trường con phải tự lập rồi…”.
(Ông Nguyễn Văn Oai)
TÂM BÌNH