Cuộc đua vào Điện Élysée năm tới sẽ là cuộc chiến hấp dẫn giữa đương kim Tổng thống Pháp Emmanuel Macron với nhà lãnh đạo cực hữu, bà Marine Le Pen. Đây là lần thứ ba bà Le Pen tham gia cuộc đua vào Điện Élysée. Một số người tin rằng đây có thể là cơ hội tốt nhất để bà giành chiến thắng. Nhưng, cũng không ít ý kiến cho rằng bà Le Pen rốt cuộc sẽ “ra về tay không”.
Cuộc đua đã bắt đầu
Giới quan sát nhìn nhận, trong nội thành Paris, giới trẻ dường như không có tâm trạng để theo dõi chính trị. Bởi với họ, cuộc sống trong đại dịch COVID-19 đã quá khổ sở, tù túng và đầy khó khăn. Việc học hành, làm việc, vui chơi, giải trí đều bị ngưng trệ. Cho nên, điều họ mong muốn nhất chính là cuộc sống trở lại bình thường, chứ không phải “sẽ bầu ai lên làm tổng thống”.
Tổng thống Emmanuel Macron.
Nhưng, bên ngoài Paris, câu chuyện trở nên khác hẳn. Ở các tỉnh, cuộc đua vào Điện Elysée đã bắt đầu. Thời điểm này vào năm sau, nước Pháp sẽ bước vào các vòng đấu của cuộc bầu cử tổng thống, một cuộc đua tranh gay gắt giữa các đối thủ chính trị từ cực tả, trung tả đến trung hữu và cực hữu. Các thăm dò dư luận cho thấy cuộc bỏ phiếu vòng đầu tiên sẽ lại có nhiều ứng cử viên đủ màu sắc từ các các đảng phái chính trị khác nhau, nhưng hầu hết sẽ bị loại, chỉ còn lại cuộc “song đấu” giữa ông Emmanuel Macron và bà Marine Le Pen.
Chính quyền của Tổng thống Macron có nhiều vấn đề cấp bách liên quan đến COVID-19 cần giải quyết nhưng bà Le Pen thì lại đang vận động tranh cử một cách hoàn hảo. Hôm 16-4, bà đã viết trên Twitter rằng đảng Tập hợp Quốc gia (Rassemblement National, RN) của bà đã tìm được nơi đặt trụ sở bầu cử ở quận 16 sang trọng của Paris.
Ở Burgundy, đảng RN đã có bước khởi đầu trước các đối thủ, dán áp phích của mình trên các bảng thông báo của thành phố và phát tờ rơi thông qua các hộp thư, kêu gọi cử tri ủng hộ ứng cử viên của đảng RN trong cuộc bầu cử khu vực vào tháng 6-2021. Đến Provence, một thành trì của chính trị cực hữu, RN đang được cho là dễ dàng giành chiến thắng trong cả 2 vòng bầu cử khu vực, tuy nhiên người dân địa phương lại không nói rằng họ sẽ trao cho bà “chìa khóa” vào Điện Elysée.
Tuy nhiên, ý kiến của người dân một số khu vực lại có vẻ “phân hai”, kẻ ủng hộ bà Le Pen, người thì không. Ông Claude Millesi, 72 tuổi, sống ở Nice, cho biết sẽ bỏ phiếu bầu bà Le Pen cho vị trí tổng thống vì “đã đến lúc phải thay đổi” nhưng chủ một cửa hàng cà phê nổi tiếng ở Cannes gần đó nói rằng trong khi người dân trong khu vực khá là thiên hữu ông vẫn cảm thấy thời khắc của RN đã qua rồi. “Không ai muốn có kỳ thị chủng tộc và nội chiến”, ông nói.
Uy tín của Tổng thống Macron hiện đang có chiều hướng đi xuống so với giai đoạn mới lên nắm quyền. Theo kết quả thăm dò mới nhất, tỉ lệ ủng hộ ông hiện đang dao động ở mức khoảng 37%, tuy có thấp nhưng vẫn cao hơn đáng kể so với hai người tiền nhiệm của ông cùng thời điểm trong nhiệm kỳ của họ: Nicolas Sarkozy đạt 29% và Francois Hollande đạt 17%. Đương nhiên, đây đều là những vị tổng thống chỉ tại vị 1 nhiệm kỳ, còn ông Macron hiện tại cũng chưa nghĩ đến việc chạy đua cho nhiệm kỳ thứ hai. Giữa cuộc khủng hoảng y tế mà ông Macron mô tả giống như một cuộc “chiến tranh”, các cố vấn tổng thống cho rằng sẽ là thảm họa đối với ông nếu đề cập đến cuộc bầu cử năm tới vào lúc này, chứ chưa nói đến việc thông báo rằng ông đang tìm kiếm nhiệm kỳ thứ hai.
Cơ hội cho bà Le Pen?
Bà Le Pen ngày càng mạnh dạn hơn trong lần thứ ba tham gia tranh cử tổng thống. Khi được hỏi liệu bà Le Pen có thể giành chiến thắng hay không, Sylvain Crépon, giảng viên cao cấp về chính trị chuyên về cánh hữu tại một trường đại học ở Tours nói rằng, một chiến thắng là “có thể lắm chứ”. “6 năm trước, chúng tôi gần như chắc chắn bà Marine Le Pen sẽ không thắng một cuộc bầu cử nào. Điều đó đã thay đổi. Bà ấy giờ có cơ hội tốt hơn lần trước nhưng chiến thắng cũng tùy hoàn cảnh”.
Tuy nhiên, để giành chiến thắng trong bầu cử, bà Le Pen cần nhiều thứ. Sau bầu cử tổng thống sẽ là tổng tuyển cử và RN có ít đại diện địa phương hay khu vực, ít đại diện được bầu trong quốc hội, rất ít phương tiện tài chính và không có nhiều cử tri. “Tất nhiên sẽ là một cuộc cách mạng nếu Le Pen được bầu nhưng bà ấy cũng sẽ không thể hiện thực hóa đường lối chính trị của mình bằng cách chiếm đa số trong quốc hội và thành lập chính phủ”. Kết quả khả dĩ nhất của việc này là sống chung với cánh hữu chính thống.
Hiện đã có 9 ứng cử viên tuyên bố tham gia tranh cử tổng thống, trong đó có Jean-Luc Mélenchon thuộc đảng cực tả France Insoumise (Nước Pháp không khuất phục, FI). Có vẻ như đảng Xã hội (PS) không thể đưa ra một ứng cử viên tổng thống trong 12 tháng tới, thậm chí ít khả năng họ có cơ hội chiến thắng. Đã có lúc Thị trưởng Paris Anne Hidalgo tỏa sáng, được đánh giá là niềm hy vọng sáng giá nhất của đảng Xã hội nhưng các thăm dò gần đây lại cho kết quả xuống mức rất thấp, chỉ khoảng 5-10%. Đảng đối lập Les Républicains sẽ đưa ra một ứng cử viên có uy tín - cựu Thủ tướng nổi tiếng Édouard Philippe - ra tranh cử. Tuy nhiên, nhiều khả năng ông Édouard Philippe cũng không thể tiến xa hơn. Nhiều cuộc thăm dò dư luận công bố từ đầu năm 2021 đều cho rằng kỳ bầu cử năm tới sẽ tái diễn màn đối đầu giữa ông Macron và bà Le Pen ở vòng 2, như năm 2017. Không ít ý kiến trong các cuộc thăm dò đó cho rằng bà Le Pen sẽ không thắng nổi ông Macron.
Christèle Lagier, chuyên gia chính trị học tại Đại học Avignon cho biết, nếu bà Le Pen lọt vào vòng 2, bà sẽ lại phải đối mặt với vấn đề làm sao xây dựng liên minh để thu hút cử tri từ các đảng khác ủng hộ mình.
“Để giành chiến thắng, bà ấy sẽ cần các đồng minh và tôi không nghĩ rằng bà ấy làm được điều đó”, ông Lagier nói.
Theo CAND