Bài 1: Đương sự không thừa nhận vụ việc
Đã 3 năm trôi qua, mặc dù ngành chức năng đã vào cuộc điều tra, thu thập chứng cứ, lấy lời khai... nhưng cho đến nay, vụ án có dấu hiệu lừa đảo liên quan đến một cán bộ xã Định An, huyện Dầu Tiếng vẫn chưa kết luận! Dư luận đang bức xúc: vì sao vụ án có nhiều chứng cứ nhưng ngành chức năng chưa làm rõ; đối tượng vi phạm vẫn chưa chịu trách nhiệm trước pháp luật...?
Bà Lệ bỏ ra 480 triệu đồng chỉ để mua... sổ đỏ bản photo!
Theo hồ sơ từ bà Lê Thị Bé Lệ, ngụ tại phường Phú Trung, quận Tân Phú, TP.HCM - nạn nhân trong vụ án này cung cấp: Vào khoảng tháng 6-2004, bà Lệ có cho bà M. (là cháu bên chồng) mượn 245 triệu đồng. Cũng trong thời gian này, M. lên Bình Dương làm ăn và quen biết với S. (cán bộ xã Định An). Theo dư luận tại địa phương và của lãnh đạo xã Định An, mặc dù đã có vợ con nhưng S. quan hệ rất “thắm thiết” với M. Năm 2005, M. và S. cần tiền nên đã chuyển nhượng cho bà Lệ lô đất hơn 2 ha tọa lạc tại xã Định An với giá 480 triệu đồng. Sau khi trừ số tiền nợ 245 triệu đồng mà M. đã mượn của bà Lệ trước đó, khoản còn lại là 235 triệu đồng bà Lệ phải thanh toán cho S. Việc mua bán coi như không có gì trục trặc, tính đến tháng 1-2006, bà Lệ đã trả đủ số tiền mua đất - tổng cộng là 480 triệu đồng tính luôn khoản tiền M. đã mượn. Tuy nhiên ở đây có chi tiết là: đất bán tuy là của S. nhưng quá trình giao dịch giao nhận tiền cho S. đều do M. đứng ra đảm nhận. Sau khi nhận đủ tiền, S. vẫn không hoàn thành các thủ tục giấy tờ về đất đai cho bà Lệ. Vào ngày 1-6-2006, S. còn gặp bà Lệ mượn thêm 70 triệu đồng với lý do “để trả nợ ngân hàng, lấy sổ đỏ ra sang tên cho bà...”. Tin lời, bà Lệ đưa tiền cho S., còn S. giao cho bà Lệ sổ đỏ photo để làm tin (số tiền nợ này về sau do địa phương can thiệp nên S. đã hoàn trả cho bà Lệ). Như vậy, qua gần 1 năm, giữa M., S. và bà Lệ đã hoàn thành thủ tục mua bán đất nhưng phía S. vẫn không giao giấy tờ cho bà Lệ. Ngược lại, đến tháng 8-2006, S. gặp bà Lệ nói rằng: lô đất hơn 2 ha trên bị quy hoạch và S. sẽ bán cho người khác. Bức xúc trước sự tráo trở đó, bà Lệ cương quyết không đồng ý. Vì vậy, S. đã trả lại cho bà Lệ 90 triệu đồng và hứa sẽ trả toàn bộ số tiền mà bà Lệ đã chi ra mua đất. Tuy nhiên, sau đó S. đã không trả tiền lại cho bà Lệ như đã hứa và cũng trong thời gian này S. đã làm thủ tục bán 2 ha đất trên cho người khác.
Trước hành vi lừa gạt của S., bà Lệ đã chuyển hồ sơ vụ việc đến Tòa án Nhân dân (TAND) huyện Dầu Tiếng để khởi kiện S. Chứng cứ mà bà Lệ cung cấp cho tòa là tờ giấy nhận tiền mà theo bà Lệ là của S. và M. Nguyên văn tờ biên nhận này như sau: “... ngày 10-2-2005 tôi có nhận tiền của bà Lệ. Lý do bà Lệ có mua 2 ha đất cao su của ông S. tại ấp 4, xã Định An...; số tiền bán đất là 480 triệu đồng mà tiền mặt chỉ có 235 triệu đồng, còn lại trừ nợ 245 triệu đồng...”. Giấy biên nhận này có 2 người làm chứng ký tên là bà Trần Thị Ngọc Dung và bà Lô Thực Bình, riêng người viết không ký tên; chữ viết trong biên nhận rất cẩu thả, các con số đều ghi không được rõ ràng... Song, nội dung nhận tiền và việc trừ nợ lại hợp lý với sự việc và khớp với lời khai của bà Lệ. Chính vì lẽ đó, nên TAND huyện Dầu Tiếng nhận định: Vụ án có dấu hiệu phạm pháp hình sự, lừa đảo trong việc chuyển nhượng đất. Và ngày 16-8-2007, TAND huyện Dầu Tiếng đã có công văn bàn giao vụ việc này cho công an và Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Dầu Tiếng thụ lý. Lãnh đạo tòa án cho rằng “tuy tờ biên nhận còn mơ hồ về căn cứ pháp lý, nhưng không phải vì vậy mà cho rằng vụ việc không có thật, nếu cơ quan chức năng giám định chữ viết sẽ hé lộ một phần sự thật...”.
Mặc dù ngành chức năng huyện Dầu Tiếng ở thời điểm 2007 đã vào cuộc điều tra vụ án, song trong các biên bản làm việc, S. vẫn không thừa nhận vụ việc. S. cho rằng, mình hoàn toàn không bán 2 ha đất cho bà Lệ!?
KIẾN GIANG
BÀI 2: Hé lộ chứng cứ