Suốt 28 năm ròng không quản khó khăn, gian khổ bà Phạm Thị Thảnh - vợ Anh hùng liệt sĩ Bành Văn Trân đã khăn gói lặn lội đi tìm hài cốt chồng khắp các tỉnh Miền Đông Nam bộ, đến Nha Trang, Đà Nẵng… Năm 1996, bà đã tìm thấy hài cốt ông tại trường đua Phú Thọ (quận 10, TP Hồ Chí Minh). Tên của Anh hùng, liệt sỹ Bành Văn Trân được đặt tên cho một con đường và một trường học ở quận Tân Bình ngày nay.
Bà Phạm Thị Thảnh - vợ Anh hùng LLVTND Bành Văn Trân với bức ảnh kỷ niệm.
Trên con đường nhỏ nằm ở ngoại ô Sài Gòn buổi sáng cuối năm 1966, Năm Vững gọi đứa bé bán dạo đến mua một tờ báo đang giật tin “nóng hổi” về chiến sự xảy ra tại sân bay Tân Sơn Nhất làm chấn động dư luận. Trận tập kích như một đòn “trời giáng” vào ngay căn cứ không quân, quân sự quan trọng bậc nhất Sài Gòn và Đông Nam Á. Hình ảnh tướng 4 sao Westmoreland đến thị sát hiện trường với dáng vẻ tiều tụy, mệt mỏi, khi nhìn thấy cảnh tan hoang, của hàng trăm chiếc máy bay, xe quân sự, xe tăng, kho vũ khí… đã phải ngán ngẩm thốt lên: “Đây là một trận đánh tệ hại nhất”.
Chiến công vang dội của đơn vị biệt động F100 đã được báo giới loan tin: Việt Cộng phá hủy 260 máy bay các loại, 1 kho bom 300 tấn, 13 xe quân sự, tiêu diệt 600 sĩ quan và lính Mỹ, ngụy đã làm nức lòng đồng bào cả nước và bạn bè trên thế giới. Báo chí Sài Gòn cũng nháo nhác đưa tin với dòng tít lớn ở trang nhất về “biến cố Tân Sơn Nhất” sau hàng loạt vụ tấn công liên tiếp của biệt động Sài Gòn - một lực lượng “xuất quỷ nhập thần” giữa lòng thành phố.
Sân bay Tân Sơn Nhất rộng gần 2.000 ha, có tầm quan trọng đặc biệt về chiến lược trong mạng lưới phòng thủ của địch ở miền Nam Việt Nam và Sài Gòn. Căn cứ không quân hỗn hợp này có nhiều đường băng cho đủ loại máy bay quân sự và dân sự với những hầm chìm, ụ nổi chứa từ 400 đến 500 máy bay đậu thoải mái.
Trong sân bay, có hàng chục kho bom, đạn đủ cỡ được trang bị kỹ thuật hiện đại. Khu nhà ở phía nam sân bay là hang ổ của bọn chỉ huy quân sự Mỹ gồm: Bộ Tư lệnh Không quân Mỹ thứ 7, Bộ Tư lệnh quân viễn chinh Mỹ và nhà Đại tướng Westmoreland - Tư lệnh quân đội Mỹ ở miền Nam Việt Nam và Bộ Tư lệnh Không quân Sài Gòn cùng nhà riêng của Nguyễn Cao Kỳ - Tư lệnh Không quân. Căn cứ quân sự này được bao bọc bằng một lớp “vỏ cứng” bảo vệ với 22 lớp rào kẽm gai kiểu Mỹ, từ rào đơn, rào kép, rào bùng nhùng, mắt cáo...
Giữa các loại rào là đủ các loại mìn chiếu sáng nằm ẩn trong các đám cỏ dại và cây mắc cỡ đầy gai. Đây là những bãi mìn “gài chết” mà địch đã nghiên cứu rất công phu để chống đặc công ta xâm nhập, nhất là ở các mục tiêu xung yếu.
Bên ngoài các vòng rào, một hệ thống đường nhựa giáp vòng cho xe cơ giới tuần tra, tuần bộ, chó bécgiê, ngỗng cảnh giới. Phía bên trong là những tuyến lô cốt, tháp canh dày đặc ken nhau được trang bị từ đại liên đến đại bác và những đèn pha cao áp cực mạnh chiếu sáng quét ra xa tới gần 3.000 mét. Bên trong được ngăn cách nhau bằng 3 lớp rào và những hào sâu 1 mét, rộng 8 mét. Trên những đường nhựa ngang dọc trong chu vi sân bay, cứ 15 phút lại có một tốp xe chở lính tuần tiễu chạy qua.
…Ngày 2-12-1966, mặt trời vừa lặn xuống sau cánh rừng và đồng cỏ dại um tùm, đơn vị đặc công nhận lệnh Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Bình Tân đồng chí Lê Minh Xuân lập tức rời khỏi khu căn cứ Vườn Thơm Lý Văn Mạnh (Bình Chánh), vượt qua lộ 10, rồi băng về phía “ấp chiến lược” Tân Hòa. Các chiến sĩ đặc công hóa trang với trang phục rằn ri của lính “biệt động quân” Sài Gòn, tiến thẳng về hướng sân bay Tân Sơn Nhất. Tại vị trí tập kết cuối cùng, các mũi xung kích triển khai đội hình tiếp cận địch. Lúc này, các đơn vị trợ chiến, chặn viện, dân công tải đạn, tải thương cũng đã có mặt tại các vị trí sẵn sàng cho trận đánh ác liệt vào sân bay Tân Sơn Nhất.
Chính trị viên Bành Văn Trân (Năm Vững) và Đội trưởng phụ trách lực lượng F100 Nguyễn Văn Kịp (bí danh “Đồng Đen”) cùng trong đội hình xung kích số 1. Từ lâu, Năm Vững và Đồng Đen thân thiết và hiểu nhau như anh em ruột. Đêm nay vào trận, cả hai cùng nhiệm vụ chỉ huy trực tiếp đánh vào mục tiêu quân sự quan trọng, đầu não của địch với nhiều lớp rào, mìn và bảo vệ nghiêm ngặt. Nhìn thấy ánh đèn pha địch quét trên nền trời, Năm Vững đưa mắt nhìn Đồng Đen rồi nắm tay nhau thật chặt, ngầm tỏ ý phải quyết tâm, thành công trận đánh dù có phải hy sinh…
Đây là cơ hội hiếm có, chỉ huy cấp trên đã giao cho đơn vị đặc công nhiệm vụ quan trọng, khi tin mật báo có 5.000 quân Mỹ từ các căn cứ quân sự nước ngoài vừa đổ xuống trong và ngoài sân bay Tân Sơn Nhất, để chuẩn bị cho trận càn lớn Cedar Falls vào vùng “Tam giác sắt Củ Chi - Bến Cát”. Trước khi xuất trận, Đồng Đen đã nói: Từ đây (Tân Sơn Nhất) bọn chúng bay ra Bắc giết hại đồng bào ta. Vậy mà ta để chúng yên ổn, ngang nhiên phá hoại? Phải đánh dập đầu chúng ngay tại sân bay Tân Sơn Nhất.
Thế là một trận đánh “Trả thù cho Hà Nội” đã được tổ chức và đánh thắng. Trận đánh còn đọng lại trong lòng anh em về hình ảnh chiến sĩ Nguyễn Văn Mao, dựa vào chiếc máy bay đã bị tiêu diệt để bắn trả với kẻ thù đang vây chặt. Anh hy sinh, nhưng không gục xuống mà vẫn dựa lưng vào chiếc máy bay, sừng sững trước mặt kẻ thù. Hình tượng hy sinh anh dũng, tuyệt vời và cao đẹp ấy sau này đã được nhà thơ Lê Anh Xuân (Ca Lê Hiến) khắc họa thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của anh bộ đội Giải phóng quân trong bài thơ bất hủ “Dáng đứng Việt Nam”…
Các trinh sát đặc công lẫn trong màu đất và cỏ đêm tối, lần lượt trườn mình, cắt rào vượt qua các lớp rào kẽm gai với rất nhiều thiết bị báo động và dày đặc mìn gài, nhiều hào sâu, trùng trùng nguy hiểm tử thần đang chực chờ. Đích thân Bành Văn Trân và Đồng Đen đã cắt hết mấy lớp hàng rào, gỡ mìn, dọn đường cho đơn vị tiến lên với các loại vũ khí, thuốc nổ mang theo... lê nhích người từng tấc đất.
Hơn 10 giờ đêm trôi qua, tất cả các chiến sỹ đặc công đã lọt vào vị trí an toàn, áp sát mục tiêu mà địch không hề hay biết, sẵn sàng chờ lệnh tấn công. Năm Vững bần thần thoáng chốc, nhìn về phía tường sân bay phía tây, nơi ấy gia đình anh từng sống trọn tuổi thơ với bao cay đắng, cơ cực… Bất ngờ, một xe Jeep quân cảnh tuần tra phát hiện ra đám lính rằn ri bất bình thường, nhận ra bị lộ, Đội trưởng Đồng Đen ra lệnh nổ súng tấn công trong lúc địch còn bàng hoàng.
Các mũi xung kích khác đồng loạt nổ súng dữ dội vào các mục tiêu, cùng các đơn vị phối hợp bên ngoài thuộc các đại đội của Tiểu đoàn 6 Tân Bình, làm cho cả sân bay Tân Sơn Nhất rối loạn, còi báo động thất thanh rú lên cấp cứu hòa với tiếng súng bộ binh, đạn cối 60 ly của phân đội hỏa lực cấp tập rót xuống đài chỉ huy sân bay, khu thông tin và trước nhà ở của bọn phi công, ngăn không cho chúng tiếp cận để lên máy bay tẩu thoát... Khu vực giữa sân bay chính là nơi xảy ra trận đánh ác liệt nhất. Những trận đấu nhau làm rung chuyển cả thành phố Sài Gòn, từng mét đất, ụ chắn, lô cốt các chiến sỹ trinh sát, đặc công chiến đấu dũng cảm với từng bầy địch quân, có xe tăng yểm trợ.
Bành Văn Trân, Đồng Đen vừa chiến đấu vừa bình tĩnh chỉ huy đơn vị diệt từng tốp máy bay và đánh trả bộ binh, xe tăng địch. Có chiến sỹ đã phá hủy tới chiếc máy bay thứ 20 mà vẫn chưa hề thấm mệt, còn xông xáo đánh tiếp sang những chiếc khác. Có chiến sỹ bắn hết đạn lại lao lên lấy súng đạn của giặc, tiếp tục chiến đấu.
Cảnh tan hoang tại sân bay Tân Sơn Nhất ngày 4-12-1966. (Ảnh Tư liệu)
Tình thế càng lúc trở nên nguy hiểm hơn khi địch tung nhiều lực lượng và thiết giáp cố chặn các cửa thoát. Được các đơn vị tiếp ứng, các chiến sỹ đặc công anh dũng của Bành Văn Trân và Đồng Đen đã vượt qua nhiều hào sâu, nhiều lớp kẽm gai trên đầu là pháo sáng, máy bay và xe tăng, bộ binh địch quần thảo khắp khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, nhưng các chiến sỹ anh hùng đã thoát ra ngoài sân bay an toàn, một số đồng chí đã anh hũng hy sinh…
…Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, mọi người nô nức đón người thân trở về. Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Trần Thị Trọng, nhìn thấy ai đi qua hơi giống con trai mình liền rối rít: “Thằng Trân nó về kia...”. Còn cha ông phút lâm chung, không nói ra hơi mà dùng 4 ngón tay ra hiệu mọi người hãy đi báo tin cho 4 con trai về, nhưng cả 4 người con trai đều vĩnh viễn nằm lại trên các chiến trường.
Hai năm sau giải phóng (năm 1977), 9 năm sau ngày ông hy sinh, bà Thảnh mới nhận được giấy báo tử của chồng ghi “Hy sinh tháng 5-1968, không tìm thấy hài cốt”. Dù biết chồng không còn nữa, nhưng bà vẫn quyết tìm cho bằng được, dẫu chỉ còn nắm xương tàn. Bà đi khắp nơi, từ Bà Điểm - Hóc Môn, đến căn cứ Trung ương Cục ở Tây Ninh, ra tận Đà Nẵng tìm chồng...
Đồng chí Bành Văn Trân bí danh Năm Vững, sinh năm 1933, tại xã Tân Sơn Nhì, quận Tân Bình, Gia Định, nay là TP Hồ Chí Minh. Năm 16 tuổi, ông đã phải đi vắt sữa bò thuê để kiếm tiền phụ giúp gia đình. Cha của ông từng tham gia Việt Minh đánh Pháp, bị thực dân Pháp bắt tù đày tra tấn mang trọng bệnh. Năm 1961, Bành Văn Trân chính thức gia nhập lực lượng đặc công Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định và 4 năm sau được phân công làm Chính trị viên Đại đội 10 Đặc công Sài Gòn - Gia Định.
Năm 22 tuổi, ông lập gia đình với cô thôn nữ Phạm Thị Thảnh cùng tuổi, người làng Tân Quý, nay thuộc phường Tân Quý, quận Tân Phú là con một gia đình nông dân nghèo, chuyên trồng rau bán các chợ. Hai ông bà có 4 người con trai.
Sau trận đánh sân bay Tân Sơn Nhất, Bành Văn Trân và Nguyễn Văn Kịp (Đồng Đen) đều được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba. Bành Văn Trân sau đó bị địch bắt đày ra Côn Đảo và hy sinh trong tù. Ngày 17-9-1967, ông được Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ký sắc lệnh tuyên dương Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân giải phóng.
Còn Nguyễn Văn Kịp (Đồng Đen), trong trận đánh ngày 26-9-1967, bị địch bao vây ở ấp Tân Hòa 2, xã Vĩnh Lộc, Bình Chánh, hai đồng đội cùng đi với anh hy sinh. Kịp bị thương, nhưng anh nhảy lên khỏi hầm bí mật dùng lựu đạn và súng ngắn chiến đấu rất quả cảm, diệt 11 tên địch, sau đó anh hy sinh. Trong 9 năm, Đồng Đen chiến đấu 83 trận, diệt được 153 tên, phá hủy 25 máy bay, 15 xe quân sự của địch, được tặng thưởng 4 Huân chương Chiến công, 8 bằng Dũng sĩ diệt Mỹ, 3 năm là Chiến sĩ thi đua. Ngày 6-11-1978, Nguyễn Văn Kịp được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân.
Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm, nhưng những chiến công vang dội của các chiến sỹ đặc công, biệt động Sài Gòn năm xưa vẫn vẹn nguyên trong ký ức và lịch sử người dân thành phố hôm nay. Mỗi đận qua con đường mang tên Bành Văn Trân và Đồng Đen (Tân Bình) lòng lại bùi ngùi nhớ về những chiến công lừng lẫy của hai người anh hùng biệt động.
Theo CAND