Những cành mù u nhờ bàn tay khéo léo của chiến sỹ đảo Trường Sa Lớn sẽ thành cây quất đẹp không trong đất liền (Ảnh:PV/Vietnam+)
Sóng ì oạp vỗ vào mạn thuyền. Trường Sa những ngày cuối cùng của năm cũ vẫn khiến nhiều người phải nheo nheo mắt vì cái nắng nối liền giữa trời và biển. Phải tinh ý lắm, người ta mới nhận ra những cơn gió bất chợt mang một chút se lạnh ở nơi biền biệt với đất liền.Những ngày cuối năm thiếu đi "đặc sản" của miền Bắc là ngọn gió lạnh buốt và những cơn mưa phùn lãng đãng làm những người mới ra đảo lần đầu như chúng tôi nghèn nghẹn.
Thế nhưng, cái cảm giác của một chốc ấy chẳng thể ở lại lâu. Cả đảo những ngày này rạo rực hẳn lên vì mặc kệ là chiến sỹ hay dân đảo, mọi người đều xắn tay cùng nhau chuẩn bị cho thời khắc giao mùa.
Dẫn chúng ra chỗ mấy gốc mù u vạm vỡ nhất đảo, anh chính trị viên cụm 1 trên đảo Trường Sa Lớn tên Lý Hồng Duyên thoăn thoắt leo lên gốc cây to rợp bóng. Đoạn, người chiến sỹ trẻ phăm phăm chặt cành mù u cao bằng thân người nhiều lộc non nhất đưa cho mấy vị khách đường xa.
"Bọn em khéo tay lắm đấy nhé. Hoa Tết làm sao chịu nổi sóng gió để mang ra đây, chúng em phải tự mình tỉa ra cây quất," anh Duyên cười bảo.
Anh chính trị viên có nước da đen nhẻm kể, đó mới chỉ là công đoạn đầu tiên để cắt tỉa nên cây quất giống hệt như trong đất liền. Nói rồi, người chiến sỹ trẻ cầm kéo làm mẫu cho chúng tôi. Những chiếc lá mù u vốn to bản chỉ qua vài đường kéo sắc lẹm dần trở nên thanh thanh, nhỏ nhắn hệt như lá những cây quất Tứ Liên trứ danh.
Tuy nhiên công đoạn cắt tỉa tỉ mẩn hàng trăm chiếc lá mù u chỉ mới khiến nhành cây hao hao giống cành quất cảnh. Phần lớn còn lại đều phải nhờ cả vào bàn tay khéo léo của chiến sĩ Nguyễn Quang Trọng, phân đội trưởng phân đội 3 ở đảo Trường Sa Lớn.
Người lính quê Nghệ An bảo, những cái Tết đầu tiên xa nhà, mấy anh em trẻ tuổi cũng dùng xốp trắng cắt cắt, gọt gọt thành quả quất tròn lẳn. Không kiếm đâu ra màu nước để nhuộm vàng cho chùm quất nhỏ xíu, anh em đành ăn Tết với cây quất kỳ lạ lá xanh... quả trắng.
"Bây giờ anh em đã nghĩ ra cách, những thùng sơn dùng rồi mọi người đểu cẩn thận giữ lại rồi lăn tròn lên những chùm quất bằng xốp. Mọi người sau đó dùng dây thép buộc vào thân cây mù u, nhìn từ xa chẳng thể phân biệt nổi đâu là quất thành phố, đâu là quất Trường Sa," người lính quê miền Trung cười hóm hỉnh.
Ở một góc cách đó không xa, những tiếng nói cười rôm rả nhất đổ dồn về phía mấy chục con người đang hò nhau gói bánh chưng.
Chỉ tay vào bó lá dong giờ đã nhẹ bẫng so với ngày xuất phát, chính trị viên Duyên bảo, đám lá xanh mướt sau cả chục ngày bị sóng dập đã chẳng thể tinh tươm như ngày xuất phát. Phần lớn trong số ấy thậm chí còn đã khô khốc, ngả sang màu úa.
"Vậy nên năm nào cũng vậy, anh em trên đảo lại hái thêm cả lá bàng vuông để gói bánh. Dần dà, bánh chưng có vị đắng của lá bàng vuông lại thành đặc sản khó quên của những người đã từng ra Trường Sa," người chiến sỹ trẻ cười bảo.
Nồi bánh chưng làm ấm lòng những người chiến sỹ xa quê. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Với người lần đầu đón Tết nơi biền biệt sóng gió như chị Lê Thị Trúc Hòa, những chiếc bánh chưng gói bằng lá bàng vuông lại càng đặc biệt. Người phụ nữ tuổi ngoài 30 bảo, ở thành phố Tuy Hòa quê chị, những ngày 28 Tết có lẽ là thời điểm vui nhất năm vì cả xóm tập trung nhau chất một bếp lửa thật lớn nấu bánh chưng.
Nói rồi, chị Hòa cầm chiếc lá bàng vuông xanh thẫm hào hứng bảo, những chiếc lá ở Trường Sa nhỏ hơn nhiều so với lá dong nên người vốn quen gói bánh như chị cũng lúng túng một hồi.
Thế nhưng, người phụ nữ nhỏ nhắn bảo, những chiếc bánh có hơi nhỏ hay có lỏng tay một chút cũng không phải chuyện lớn. Điều làm chị vui nhất là ra tới tận nơi sóng gió xa xôi như Trường Sa, chị Hòa vẫn thấy hương vị quen thuộc của những nồi bánh chưng xanh như ở nhà.
Theo tay chị Hòa, mấy chục chiến sỹ trẻ, người thạo việc, người chưa từng một lần gói bánh cũng xúm vào cùng làm. Tiếng cười giòn vang mãi không ngớt cho tới khi bầu trời Trường Sa dần nhá nhem tối. Gió từ phía mặt biển bắt đầu gầm gào lớn tiếng dần và se lạnh.
Cả trăm con người trên đảo Trường Sa Lớn chẳng để tâm nhiều đến thế. Cánh chiến sỹ trẻ sau một ngày dài tập luyện háo hức vây lấy chiếc bếp lửa thật lớn đang hừng hực lửa.
Trong số ấy, binh nhì Bùi Thế Sơn lần đầu tiên ra Trường Sa cứ cười mãi không thôi. Chàng chiến sỹ vừa tròn 20 tuổi bảo, vào thời khắc cuối cùng của năm cũ như bây giờ, bố em có lẽ cũng đang quây quần bên nồi bánh chưng như thế ở hòn đảo phía Bắc Trường Sa.
Hai bố con Sơn cùng nhận nhiệm vụ ra đảo lần này nhưng mỗi người một hướng. Câu chuyện về những cái Tết ấm áp trên đảo Sơn bảo đã nghe bố kể nhiều lắm. Thế nhưng, phải tới khi chính mình đặt chân tới nơi đầu sóng ngọn gió, người thanh niên chưa một lần xa nhà mới thấy quý những khi anh em chiến sỹ cùng quây quần chuẩn bị đón năm mới như thế này.
Người lính trẻ còn hào hứng khoe với chúng tôi về mấy bài thơ cậu đã nghiền đi ngẫm lại rồi mới dán lên báo tường của đảo.
Cậu lính trẻ bảo rằng, bình thường ở nhà bản thân Sơn chẳng để ý tới văn, thơ gì. Ấy vậy mà mấy ngày anh em còng lưng làm báo tường, cậu lính trẻ đọc không biết chán cả tập thơ cả sưu tầm, cả tự sáng tác của mọi người trên đảo.
"Năm nay em chưa góp được bài nào, nhưng năm sau em sẽ tập làm bằng được," cậu thanh niên trẻ quả quyết.
Nói rồi, Sơn chạy ào ra phía mấy người đồng đội đang chen chúc quanh nồi bánh đã sắp mở vung. Mấy cậu lính trẻ, mặc kệ khói xông vào mặt, vào mũi cố nghển cổ thật cao xem "thành quả" cả buổi chiều của mình lục bục trong nồi nước chỉ còn lưng nước.
Phía bên ngoài, chẳng biết ai bắt đầu trước, những câu hát quen thuộc lẳng lặng vang khắp hòn đảo nhỏ:
"Thương nhớ sao vơi người chiến sĩ Trường Sa ơi
Không xa đâu Trường Sa ơi
Không xa đâu Trường Sa ơi
Vẫn gần bên em vì Trường Sa luôn bên anh
Vẫn gần bên anh vì Trường Sa luôn bên em"
Trường Sa trong một khắc giao mùa như thế hình như chẳng còn chút khoảng cách với đất mẹ thân yêu./.
Theo Vietnam+